Philipp Lahm sẽ đá tiền vệ: Thủ lĩnh phải ở trung tâm

16/06/2014 19:51 GMT+7 | Bảng G

(giaidauscholar.com) - Thủ lĩnh phải ở trung tâm. Đội trưởng Philipp Lahm sẽ được đôn lên giữa sân để phát huy tối đa những phẩm chất chuyên môn cũng như khả năng truyền lửa, kết nối các đồng đội.

Huấn luyện viên (HLV) Joachim Loew vừa khẳng định Philipp Lahm sẽ đá ở tuyến giữa trong trận đấu với Bồ Đào Nha. Trước thềm World Cup, ông Loew cũng từng úp mở: “Thật mừng khi Lahm có thể đá tiền vệ. Bastian Schweinsteiger và Sami Khedira đều đang chưa có thể lực tốt nhất nên chúng tôi cần có một chút điều chỉnh".

Thủ lĩnh chuyên môn

 Trong trận đấu với Armenia, màn tập dượt cuối cùng trước khi đến Brazil, Philipp Lahm đã được xếp đá tiền vệ. Sau trận đấu, đội trưởng của tuyển Đức đã tiết lộ: "Trong quá trình chuẩn bị cho World Cup, nếu bạn chơi trận cuối ở vị trí nào, nhiều khả năng bạn sẽ đá vị trí đó ở giải đấu".

Từ tháng Ba, Lahm đã công khai bày tỏ mong muốn được đá ở tuyến giữa: “Tại Bayern, tôi chủ yếu đá tiền vệ nên tại tuyển Đức, cũng muốn thi đấu ở vị trí này”. Thâm chí, từ hồi cuối năm ngoái, cầu thủ nhỏ con này đã có ý định chơi ở giữa sân: “Tôi đã biết mọi điều ở bên cánh và giờ muốn thoát ra khỏi những vòng quay nhàm chán để chinh phục những thử thách mới. Đá ở giữa sân là một thử thách thực sự về trí tuệ bởi tôi có nhiều bóng hơn, có nhiều lựa chọn hơn”.

Tuy nhỏ con nhưng Lahm tự tin mình có thể đá tốt ở giữa sân bởi có những phẩm chất đặc biệt: "Tôi rất giỏi trong việc phán đoán các tình huống. Sau 10 năm chơi chuyên nghiệp, tôi biết phải làm gì ở vị trí nào và luôn thực hiện rất nhanh. Khả năng đưa ra những quyết định nhanh chóng và chính xác ngày càng quan trọng hơn trong bóng đá hiện đại". Nhờ khả năng điều tiết bóng xuất sắc này, Lahm thường xuyên được HLV Pep Guardiola đôn lên tuyến giữa dù Bayern đang dư thừa các tiền vệ.

Ông Loew đang “bắt chước” lối chơi dựa trên sự kiểm soát bóng của Bayern nên càng cần Lahm, người hiểu rất rõ các ý tưởng của Guardiola, ở trung tuyến.

Thủ lĩnh tinh thần

Ngoài yếu tố chuyên môn, việc đá ở giữa sân cũng giúp Lahm có thể giao tiếp với các đồng đội nhiều hơn. Từ lâu, Lahm đã định danh là một thủ lĩnh kiểu mới, ưa thích đối thoại thay vì đối đầu như Lothar Matthaeus, Oliver Kahn hay Michael Ballack. Cuối năm ngoái, Lahm từng chia sẻ trên tờ Spiegel: "Trước đây, các cầu thủ trẻ khó leo lên tốp đầu bởi các đàn anh luôn giữ chặt vị trí của mình bằng mọi cách còn giờ thì khác". Theo Lahm, sự khác biệt lớn nhất là sự giao tiếp giữa các đồng đội: "Trước đây, nếu một cầu thủ trẻ như tôi chuyền hỏng sẽ không có quyền chia sẻ với đàn anh rằng tôi chuyền dở hay anh đỡ bóng kém. Còn giờ thì thoải mái hơn nhiều".

Hồi năm 2011, Lahm cũng từng gây sốc khi xuất bản quyển tự truyện "Làm sao để trở thành một cầu thủ hàng đầu", tiết lộ nhiều chuyện thâm cung bí sử của cả tuyển Đức lẫn Bayern. Mục đích của Lahm không phải là tạo scandal hòng đánh bóng bản thân mà theo anh, "để cho các bạn trẻ biết rõ hơn về con đường dành cho một cầu thủ chuyên nghiệp". Lahm đã nung nấu viết quyển tự truyện này từ năm 2008 sau khi Đức thất bại trước Croatia. Lúc đó, tuyển Đức đã bị chia rẽ, các đồng đội trách cứ, đổ lỗi lẫn nhau, điều Lahm không hề muốn. Với Lahm, đã qua rồi cái thời thủ lĩnh là người dữ dằn, khiến tất cả phải e sợ mà thay vào đó, phải là người biết "lắng nghe, chia sẻ, tạo ra sự kết nối trong tập thể".

Tại Bayern, phương pháp của Lahm đã mang tới thành công và lúc này, đội trưởng của tuyển Đức hy vọng câu chuyện đó sẽ lặp lại với “Die Mannschaft”.


Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm