20/04/2025 16:06 GMT+7 | Tin tức 24h
80% bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam được đưa đến bệnh viện đều đã quá “giờ vàng” (khoảng 4,5 giờ sau khi phát hiện triệu chứng), nguyên nhân là do nhận thức của cộng đồng về đột quỵ chưa cao và người bệnh chưa được đưa đến đúng địa chỉ khi bị đột quỵ”.
Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” do Báo Tiền phong phối hợp với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức ngày 20/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mắc mới. So với các nước có nền kinh tế tương đương thì Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao nhất. Nguyên nhân được bác sĩ đưa ra là do người bệnh khi được đưa đến bệnh viện chuyên khoa để điều trị thì đã quá muộn.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam ước tính, 80% bệnh nhân khi được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa điều trị đột quỵ đã vượt quá thời gian vàng (4,5 giờ). Dẫn chứng về một trường hợp điển hình, ông cho biết, Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận một trường hợp là bé gái 14 tuổi, không có tiền sử bệnh trước đó, đột ngột yếu liệt nửa người trái. Ban đầu, bé gái được đưa đến Trung tâm Y tế huyện cách nhà 2 km. Đơn vị y tế này nghi ngờ đột quỵ nên chuyển lên bệnh viện tỉnh cách đó 5 km. Sau đó, bệnh viện tỉnh chụp CT, chẩn đoán đột quỵ rồi mới chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.
“Khi chúng tôi tiếp nhận người bệnh thì thời gian đã kéo dài 24 tiếng. Bé gái đã chết não nên chúng tôi không thể làm gì thêm. Nếu như bé được chuyển đến chúng tôi ngay từ đầu thì có thể đã khác. Tại sao chúng ta không đưa bệnh nhân đến trung tâm điều trị ngắn nhất?”, bác sĩ Thắng băn khoăn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, mạng lưới đơn vị điều trị đột quỵ tại Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng, từ 12 trung tâm vào năm 2016 đã tăng lên124 trung tâm đột quỵ trên cả nước vào năm 2024 và trong tương lai sẽ còn tăng cao nữa. Điều này cho thấy Bộ Y tế đã chú trọng đến phát triển mạng lưới điều trị đột quỵ trên toàn quốc.
Song, bác sĩ Nga cho rằng một trong những trở ngại lớn hiện nay là thời gian nhập viện còn quá muộn. Việc nâng cao năng lực chẩn đoán, can thiệp, điều trị sớm đột quỵ của các cơ sở y tế, đặc biệt là đào tạo nhân viên y tế ở cơ sở phải biết mạng lưới điều trị đột quỵ để chuyển bệnh nhân đến thẳng cơ sở chuyên khoa là rất cần thiết. Bên cạnh đó, bác sĩ Nga đề xuất, cần có những cơ sở cấp cứu ngoại viện và thành lập đơn vị đột quỵ lưu động.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga, hiện nay mạng lưới điều trị đột quỵ đã được đăng tải trên web của Hội Đột quỵ Việt Nam và trong tương lai, bà kỳ vọng có một trang web về đột quỵ của Bộ Y tế và sẽ tích hợp mạng lưới này để tất cả người dân có thể dễ dàng nắm bắt.
Hiện trên thế giới, trong các bệnh không lây nhiễm, đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai và là nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong và tàn tật cộng lại. Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam nằm ở số những nước có màu đỏ đậm nhất - nhóm các quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất. Tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ lần lượt là 161 và 415 trên 100.000 người.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao các nội dung được đề cập trong hội thảo, từ ý kiến đề xuất xây dựng mạng lưới phòng chống đột quỵ, công tác dự phòng trong cộng đồng, xử trí trong “thời gian vàng” cho đến các phương pháp điều trị chuyên sâu.
Theo Thứ trưởng, đây chính là chuỗi mắt xích quan trọng để kiểm soát căn bệnh được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” này. Bên cạnh việc sẽ đẩy mạnh hệ thống điều trị đột quỵ trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi cộng đồng hiểu đúng, biết rõ yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như hút thuốc, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hay lối sống thiếu vận động, từ đó chủ động phòng ngừa thay vì “sợ hãi”.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý người dân cần biết đến và tiếp cận các cơ sở y tế uy tín trong phòng ngừa, tầm soát đột quỵ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất