Milan – Parma: Kỷ nguyên tăm tối bắt đầu

16/03/2014 11:55 GMT+7 | AC Milan

(giaidauscholar.com) - Khi cơn giận của CĐV và truyền thông lắng dịu, cuộc sống của AC Milan sẽ lại tươi đẹp sau thất bại ở Champions League? Không đơn giản như vậy. Vì Atletico Madrid, đế chế gần 28 năm của Silvio Berlusconi có nguy cơ sụp đổ.

Nhóm CĐV khu khán đài phía Nam sân San Siro, Curva Sud, đã lên kế hoạch biểu tình trước và trong trận Milan – Parma. Mục tiêu công kích: GĐĐH Adriano Galliani, và tiền đạo Mario Balotelli.

Những người khốn khổ

Một người, theo Curva Sud, liên tiếp thực hiện các vụ mua bán sai lầm khiến Milan lụn bại, điển hình là Matri. Người kia là Mario Balotelli, hiện bị ghét thậm tệ vì phong độ tồi và tính khí khó ưa.

Lần đầu tiên sau gần 2 tháng dẫn dắt Milan người ta thấy Seedorf căng thẳng đến thế. Anh đối đáp qua loa và cười gượng gạo, trái hẳn khi mới đến. Atletico Madrid đã dạy Seedorf một bài học về bóng đá, nhưng Silvio Berlusconi còn dạy anh một quy tắc quan trọng hơn trong nghiệp cầm quân: Là tại Milan, ông chủ luôn đúng. Theo Corriere dello Sport, Berlusconi đã ra lệnh Seedorf phải giúp Milan dự Europa League mùa sau nếu không sẽ bị sa thải vào cuối mùa.

Seedorf lúc này cảm nhận rõ thái độ ngọt nhạt khó chịu của Berlusconi: Một HLV không kinh nghiệm, bị ấn vào tay đội hình tồi tàn với câu cửa miệng “tin tưởng”, liều mình áp dụng bóng đá phóng khoáng để làm hài lòng Chủ tịch, thậm chí đã được… khen ngợi dù thua Atletico 0-1 ở lượt đi. Nhưng khi đội bóng bị loại, mà thực chất chẳng có gì bất ngờ, “Berlu” thay đổi thái độ hoàn toàn như với Allegri trước kia, người từng bị chỉ trích “chẳng biết gì về bóng đá”.

Thực chất, Galliani, Balotelli và Seedorf chỉ là nạn nhân. Đế chế Milan đã lụn bại từ 2 năm trước, khi CLB phải bán Silva và Ibrahimovic để bù lỗ. Năm xưa khi bán Kaka, Milan còn gượng dậy mua Ibrahimovic, còn có David Beckham để bán áo, Pato để hy vọng và Pirlo là linh hồn. Từ năm 2012, Milan mua toàn cầu thủ miễn phí và nhận lệnh phải thành công.

“Quy luật” rất đơn giản: Không mua cầu thủ giỏi, đội bóng thiếu sức bật. Chuyển nhượng không tạo ra các khám phá như Nocerino hay Boateng, đội bóng thiếu chiều sâu. Các HLV bất lực là chuyện hợp logic. Rất dễ để sa thải HLV và rất dễ trách tội Galliani, nhưng ít ai với lên cao chỉ trích Berlusconi.

SVĐ mới có cứu nổi Milan?

Hy vọng phục sinh của Milan hiện nằm toàn bộ ở sân bóng mới sẽ được xây vào năm 2015 hoặc 2016. Kế hoạch không nằm trên giấy nữa, khi tuần này, Milan đã đề nghị mua lại một phần khu đất tổ chức triển lãm EXPO 2015 quanh khu Eho-Pero phía Tây Bắc Milano, để xây sân. Hôm thứ Năm, GĐĐH phụ trách kinh doanh Barbara Berlusconi đã làm việc hàng giờ với các kiến trúc sư. Milan dự định xây một SVĐ 55 ngàn chỗ ngồi, với kinh phí khoảng 300 triệu euro, có khu ăn uống và mua sắm tương tự sân Juventus.

Sân bóng mới là liều thuốc hồi sinh duy nhất, vì kể cả được dự Europa League mùa sau, thất thoát về tài chính và nhân sự của Milan vẫn cực kỳ nặng nề: Không ngôi sao nào, dù giá rẻ, chịu đến Milan nữa khi họ không dự Champions League; Các cầu thủ giỏi sẽ bỏ đi; Nguồn thu thương mại, nguồn thu từ ngày diễn ra trận đấu và bản quyền truyền hình cũng sẽ giảm khủng khiếp. Ngoài ra, nguy cơ Milan bị tụt hậu ngày càng xa hiển hiện, khi UEFA dự kiến tăng tiền thưởng cho các đội dự Champions League mùa sau. Đơn cử: Để mua gói truyền hình trực tiếp Champions League trước năm 2015, đài Mediaset phải bỏ ra 80 triệu euro/mùa, nhưng từ 2015-2018, họ phải chi 110 triệu euro/mùa.

Bây giờ, cơn giận của Curva Sud rất đáng sợ. Nhưng thất thế trước các đối thủ cạnh tranh hàng nửa thập kỷ, là chuyện còn đáng “rùng mình” hơn với Milan.

Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm