Ai chống lưng cho AC Milan mua cầu thủ?

18/06/2015 06:36 GMT+7

(giaidauscholar.com) - 500 triệu euro thu về từ việc bán 48% cổ phần cho tỉ phú Thái Lan Bee Taechaubol có thể giúp AC Milan mua được 5 Cristiano Ronaldo.

Nhưng dĩ nhiên, họ không nhận cùng lúc từng ấy tiền, và họ cũng không thể chi hết số đó cho chuyển nhượng. Vậy:

Ai chống lưng cho Milan mua cầu thủ?

Doyen Sports. Đây là một quỹ góp vốn từ những doanh nhân giàu có, đặt trụ sở ở Malta. Doyen Sports là một nhánh nhỏ của Doyen Group, tổ chức nắm cổ phần ở nhiều công ty, đầu tư vào các lĩnh vực như khí đốt, dầu khí, xây dựng, bán lẻ...

Vì sao lại là Doyen Sports?

Bee Taechaubol. Ông Bee có quan hệ thân thiết với Doyen và một số báo Italy cho biết, ông đã cùng đại diện quỹ này gặp Chủ tịch Silvio Berlusconi khi đàm phán. Họ thân thiết đến mức sau khi ông Bee mua được 48% cổ phần, Doyen tuyên bố trên website: “Chúc mừng Bee Taechaubol… Chúng tôi tin rằng đây mới chỉ là khởi đầu cho một chương mới trong lịch sử AC Milan. Chúng tôi háo hức được làm việc với một trong những CLB lớn nhất Italy”.

Những mục tiêu nào của Milan thuộc Doyen Sports?

Doyen Sports nắm giữ một phần giá trị của Geoffrey Kondogbia (Monaco, 22 tuổi) và Lucas Lima (Santos, 25 tuổi). Doyen Sports cũng hỗ trợ Milan trong vụ mua Jackson Martinez từ Porto, giá khoảng 35 triệu euro.

Doyen Sports hoạt động thế nào?

Họ cho CLB mượn tiền mua cầu thủ. CLB phải cam kết trả số tiền đó trong vòng 3 năm. CLB có thể trả theo cách trích phần trăm tiền thu được từ chuyển nhượng. Cách này giúp các đội bóng không có nhiều tiền vẫn mua được cầu thủ đắt giá.

Năm 2011, nợ đầm đìa, Atletico Madrid vẫn mua được Radamel Falcao từ Porto với giá 40 triệu euro, cầu thủ mà Doyen nắm 55% giá trị. Có nghĩa, Atletico chỉ mất 18 triệu euro cho một trong những tiền đạo tài năng nhất. Hai năm sau, khi bán Falcao cho Monaco với giá 60 triệu euro, Atletico phải trả nợ.

Vì sao tốt?

Như đã nói, các đội bóng sẽ có tiền mua sắm. Thay vì phải trả 100 triệu euro cho Cristiano Ronaldo, họ chỉ phải chi 30 triệu. 90% cầu thủ ở Brazil được sở hữu bởi một bên thứ ba. Theo một điều tra, 40% giá trị các vụ chuyển nhượng ở Đông Âu nằm trong tay các tài phiệt. Tổng Giám đốc Nelio Lucas của Doyen Sports nói với Bloomberg vào tháng 5/2014, họ muốn đầu tư 200 triệu euro nữa vào bóng đá, sau khi đã chi 100 triệu.

Vì sao không tốt?

Nắm quyền sở hữu cầu thủ trong tay, các quỹ đầu tư như Doyen Sports có thể tác động đến tương lai các cầu thủ này. Ví dụ, cầu thủ bị bán để mang lại lợi nhuận cho công ty. Vụ Falcao từ Atletico tới Monaco, bất chấp nhận nhiều lời mời từ các CLB lớn, bị nghi có bàn tay của Doyen Sports. Các cầu thủ sẽ ngày càng mất kiểm soát.

Chủ tịch Sporting Lisbon, Bruno de Carvalho, rất tức tối vì Marcos Rojo (một khách hàng có 75% quyền sở hữu của Doyen) bỏ tập, đòi đến Man United: “Các quỹ đầu tư là mối đe dọa với thể thao và bóng đá”, ông nói. “Tôi phản đối các quỹ này. Chúng ta không biết tiền đến từ đâu… Tôi nghĩ nó là một con quái vật. Một con quái vật đang sống trong hầu hết các CLB”.

Ông Carvalho bảo, khi mới nhậm chức chủ tịch, Sporting nợ 500 triệu euro, còn các cầu thủ bị mua 95%, 90%, 80% giá trị bởi các công ty đại diện.

Ngoài ra, hãy thử tưởng tượng 11 cầu thủ đá chính của Milan đều thuộc Doyen?

Bài học nhãn tiền?

Neymar. Năm 2010, Santos bán 5% giá trị anh để lấy 1,5 triệu euro. 12 tháng sau, gia đình anh bán 40% giá trị Neymar cho công ty đại diện DIS. Khi Barca mua Neymar, họ phải trả tiền cho 3 bên. Santos chỉ nhận 20 triệu euro. Cha Neymar nhận 47 triệu euro. Tổng số tiền lên tới 102 triệu euro. Nhưng vì khai báo không đầy đủ, Barca vướng kiện tụng, còn Chủ tịch Sandro Rosell phải từ chức.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm