Alpha Books: Bắt đầu giấc mơ xuất khẩu sách Việt ra thế giới

03/11/2020 12:30 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Chục ngày trước, một container sách với 20.000 cuốn (500 đầu sách) của Alpha America đã bắt đầu hành trình vượt biển sang California, Mỹ. Đó là bước đi đầu tiên của công ty con thuộc Alpha Books để chạm tới một dự án đặc biệt: Xuất khẩu sách Việt Nam ra thế giới.

Mở màn Tủ sách Âm nhạc với ‘The Beatles - Hơi thở của thời đại thế kỉ XX’

Mở màn Tủ sách Âm nhạc với ‘The Beatles - Hơi thở của thời đại thế kỉ XX’

Công ty Văn hóa Truyền thông Sống (Công ty VHTT Sống) và Công ty Quảng cáo và Giải trí Mỹ Thanh (Công ty QC & GT Mỹ Thanh) vừa ký thỏa thuận trong việc hợp tác xuất bản sách thuộc Dự án Tủ sách Âm nhạc, nhằm đưa âm nhạc đến gần hơn với đời sống người Việt.

“Ước mơ ấy đã hình thành trong tôi từ nhiều năm trước, trong những lần trò chuyện với người Việt ở nước ngoài. Họ luôn nói với tôi về sự thiếu thốn sách tiếng Việt, về việc muốn con cái và bản thân được đọc nhiều về văn hóa, lịch sử, và cả những câu chuyện cổ tích tiếngViệt nhiều hơn” - ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT và là người sáng lập Alpha Books cho biết” - Tôi cũng thường nhận được thư của nhiều người Việt đề nghị mua giúp sách và chuyển sang cho họ, nhưng điều này không dễ dàng gì.

* Ở thời điểm đó, việc “xuất khẩu” sách Việt ra nước ngoài theo con đường chính thức được tiến hành ra sao?

- Nhiều nhóm người Việt từng có những nỗ lực về việc này, trong đó có một số nhóm sinh viên ở Nhật, ở Pháp. Và nhà sách nhỏ cho cộng đồng người Việt ở California cũng mua sách sang. Ngược lại, về phía Việt Nam, một số đơn vị như FAHASA cũng có hợp tác trưng bày và bán sách tại vài nhà sách ở Nhật... Nhìn chung tất cả đều hạn chế, còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát của một số cá nhân hay nhà sách.

Về phía Alpha Books cũng vậy, chúng tôi từng đóng những lô nhỏ vài trăm cuốn đi Đông Âu, sang Nga và Ba Lan cho cộng đồng Việt kiều bên đó... Nhưng tất cả đều rời rạc, đến từ việc đặt mua của một số cá nhân hoặc tổ chức bên đó chứ không thành một chương trình hay đề án nào.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Cảnh Bình

* Vậy so với những bước đi manh mún trước đó, lần xuất khẩu container sách đầu tiên sang Mỹ của Alpha Books có những khác biệt gì ?

- Nếu chỉ thuần túy đưa sách sang Mỹ cũng không quá khó, bởi các thủ tục xuất khẩu khá dễ dàng, đơn giản. Thách thức với chúng tôi là ý tưởng phát triển kênh xuất khẩu này tới một quy mô nào đó, với hướng đi rõ ràng, thực sự hoạt động hiệu quả và có doanh số. Bởi thế, từ cuối 2019, tôi nghĩ đến việc thành lập công ty Alpha America ở Mỹ để thực thi việc này. May mắn, chúng tôi tìm được một đối tác có thể cùng phát triển hướng kinh doanh này ở California, và đến tháng 8 vừa qua, công ty Alpha America được thành lập tại Sacramento.

Chúng tôi cũng mất vài tháng để điều tra nhu cầu, đặc điểm độc giả và người Việt ở nước ngoài rồi từ đó xác định được chủng loại, chủ đề sách cần đưa sang. Lô hàng đầu tiên này, chúng tôi xuất trên 500 đầu sách với trên 20.000 cuốn của Alpha Books, Omega, NXB Trẻ, First News, Nhã Nam, trong đó có nhiều cuốn về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Ở một góc độ khác, chúng tôi cũng phải lên phương án kinh doanh, thành lập nhóm làm việc cho các khâu marketing, bán hàng, thuê văn phòng và kho chứa ở California, rồi làm các thủ tục theo quy định của luật pháp Mỹ, trong đó có việc đăng ký với cơ quan thuế.

* Các đồng nghiệp trong giới xuất bản đã chia sẻ với công việc của anh theo hướng nào?

- Thật ra, đây là mong muốn chung của cả giới xuất bản nên tôi nhận được sự ủng hộ lớn. Tất nhiên, cũng có người không tin vào kết quả kinh doanh, nói đại ý rằng xuất sách thì được thôi nhưng chả dễ bán đâu, liệu bao giờ mới đủ hòa vốn. Thật ra, tôi hiểu điều này. Việc kinh doanh ở Mỹ cũng lạ lẫm với những yêu cầu phức tạp riêng, và chi phí cũng không hề rẻ.

Chú thích ảnh
Container sách của Alpha Books bắt đầu lên đường sang Mỹ từ tối 20/10

* Nghĩa là, các anh cũng đang có những lo lắng riêng của mình?

- Chúng tôi tự tin, nhưng tự tin một cách vừa phải. Đợt xuất khẩu sách này hướng tới những du học sinh và người Việt đang sống, làm việc ở Mỹ. Cùng với đó, tôi muốn mở rộng thị trường sang nhóm Việt kiều đã sang Mỹ từ nhiều thập niên trước, và cho thế hệ F1, F2… mà nhiều người trong đó không thực sự nói sõi tiếng Việt.

Chúng tôi nhìn thấy đó là một nhu cầu có thật và không ảo tưởng. Chúng tôi cứ đi và tin rằng, thị trường rồi sẽ mở ra, sẽ có thêm nhiều độc giả, khách hàng. Và biết đâu, thị trường khác sẽ mở ra ở những nơi có nhiều người Việt sinh sống như Nga, Đông Âu, Australia hay Hàn Quốc...

* Riêng ở góc độ doanh thu, Alpha Books hy vọng gì ở đợt xuất khẩu này? Các anh có được hưởng sự hỗ trợ gì khi xuất khẩu một mặt hàng như sách không?

- Lô hàng này của chúng tôi có giá trị khoảng 3 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là sách của chúng tôi. Phần mua bên ngoài chiếm hơn 1 tỷ đồng và chúng tôi cũng phải thanh toán cho các NXB, các đơn vị bạn như bình thường.

Nhìn chung, việc đàm phán, thuyết phục để có các điều khoản ưu đãi mất nhiều thời gian và rồi cũng không đảm bảo. Bởi thế, tôi quyết định cứ trả tiền và để lô hàng này được xuất khẩu mà không có chính sách ưu đãi nào. Tất nhiên, sự ưu đãi, hỗ trợ cần thiết ấy vẫn là điều tôi vô cùng hy vọng ở tương lai. Còn trước mắt, tôi chỉ dám đặt mục tiêu rằng mảng kinh doanh này không lỗ vốn, dù có thể một vài lô hàng đầu tiên sẽ không thuận lợi.

Chú thích ảnh
Các nhân viên của Alpha Books trong quá trình đóng gói sách

* Và nếu mọi chuyện thuận lợi, động thái tiếp theo trong dự án này sẽ là gì?

- Nếu đẹp trời và có nắng (cười), chúng tôi sẽ tiếp tục xuất khẩu các container sách Việt Nam khác và không chỉ ở Mỹ. Nhưng xuất khẩu sách giấy chỉ là bước mở đầu, cái đích chúng tôi nhắm đến là phải kinh doanh cả sách điện tử. Nếu muốn bán sách cho cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, bạn nhất định phải đưa E-book lên Amazon.

* Vậy tại sao Alpha Books không chọn hướng đi này ngay từ đầu, thay vì xuất khẩu sách giấy?

- Như tôi từng giải thích nhiều lần trước đó, thị trường E-book trong nước nhỏ và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ sự vi phạm bản quyền đang tràn ngập không gian mạng.

Tình trạng này, cùng nhu cầu về E-book khá nhỏ, khiến những người làm sách như chúng tôi không đủ sự đảm bảo phát triển mảng kinh doanh E-book ở Việt Nam. Nhưng với thế giới và nước Mỹ thì khác.

Nhân đây, cũng cần phân biệt rõ, việc đưa E-book tiếng Việt lên trang Amazon khác với việc Amazon có những hỗ trợ kỹ thuật cho ngôn ngữ Việt trên đó. Chúng tôi được biết, trong một vài năm tới, họ cũng chưa có ý định này nhưng vẫn nuôi hy vọng có thể thuyết phục Amazon đẩy nhanh mọi thứ. Bởi 100 triệu người Việt Nam trên toàn cầu hẳn là một thị trường lớn và xứng đáng có sự hậu thuẫn từ họ.

* Xin cám ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm