(giaidauscholar.com) - Dù BTC lên kế hoạch và dàn dựng chương trình chỉ trong vòng thời gian rất ngắn, 5 ngày, nhưng đêm nhạc tưởng nhớ 2 nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu - Phan Nhân vẫn rất ấm áp và đầy cảm xúc.
Dù đâu đó có những trục trặc nho nhỏ về âm thanh, người trình bày bài hát hay tiết mục biểu diễn chưa được như ý nhưng suốt chương trình, cả khán phòng Nhạc viện TPHCM luôn vang lên những tiếng vỗ tay, khán giả gần như ở lại đến phút cuối cùng.
Cả hai người vợ của các cố nhạc sĩ đã nhận được những tình cảm nồng ấm của khán giả. NSƯT Phi Điểu nói rằng bà rất xúc động trước tình cảm của mọi người và phải chi nhạc sĩ Phan Nhân sẽ thấy điều này.
Bà Phạm Thị Vân, vợ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, dù đang yếu cũng đã cố gắng tới tham dự chương trình.
Đêm nhạc tưởng nhớ 2 nhạc sĩ được dàn dựng với nhạc mục của từng nhạc sĩ được xen kẽ một cách hợp lý theo những chủ đề chung: quê hương, đất nước, tình ca…
Khoảng 20 bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân như: Đoàn giải phóng quân, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Mùa đông binh sĩ, Hành khúc ngày và đêm, Tình ca đất nước, Quảng Nam yêu thương, Anh ở đầu sông em cuối sông, Những ánh sao đêm, Thành phố của tôi, Bóng cây Kơnia, Thơ tình cuối mùa thu, Ở hai đầu nỗi nhớ, Sợi nhớ sợi thương… đã được nhiều nghệ sỹ thể hiện.
Được vỗ tay nhiều nhất có lẽ là màn trình diễn của nữ ca sĩ Bảo Yến với 2 sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Ở hai đầu nỗi nhớ và Thơ tình cuối mùa thu. Đây là hai bài hát đã gắn liền với tên tuổi Bảo Yến suốt 2 thập niên và giờ cô vẫn hát lại vẫn đầy cảm xúc.
Sự xuất hiện của nhà thơ người Đã Nẵng, Bùi Công Minh cũng làm đêm nhạc thêm ngập tràn ấm áp. Ông chính là tác giả của bài thơ Ngày và đêm sau này được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc với tựa đề Hành khúc ngày và đêm. Ông tâm sự bài thơ gần như là máu thịt của ông và ông rất xúc động khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc đầy xúc tích và làm cho đứa con của ông như mọc thêm đôi cánh mới. Sau đó vợ chồng ông đã đến tặng hoa bà quả phụ Phạm Thi Vân thay cho lời cảm nhạc sĩ đã khuất.
Cả khán phòng Nhạc viện TPHCM cũng lặng đi khi chương bật lên tiếng đọc quen thuộc “"Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, câu nói ấy đã làm nức lòng người dân Việt suốt bao thế hệ. Đó chính là giọng đọc của NSƯT Phi Điểu, vợ nhạc sĩ Phan Nhân. Và sau khi giọng của bà kết thúc là bài hát
Hà Nội niềm tin và hy vọng vang lên với giọng hát quen thuộc của cố nghệ sỹ Trần Khánh, người đầu tiên mà nhạc sỹ Phan Nhân chọn mặt gửi vàng để thể hiện khi ông vừa sáng tác xong vào cuối năm 1972. Ca sĩ Cẩm Vân đã hát tiếp bài với cảm xúc dạt dào.
Đúng ra chương trình sẽ còn thêm sự xuất hiện của NSƯT Vũ Dậu. Bà là người thể hiện thành công rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, đặc biệt là ca khúc Những ánh sao đêm. Nhưng vì sức khỏe không cho phép nên bà đã không thể bay vào TP.HCM tham dự chương trình. Thay thế bà là cô con gái với giọng hát thánh thót, Khánh Linh, cô đã thể cũng rất cảm xúc ca khúc này.
Chương trình kết thúc nhưng những người tham dự đều muốn nán lại. Ai cũng mang trong mình những tình yêu âm nhạc của 2 nhạc sĩ vừa khuất. Nhiều người nói rằng họ đã từng chiến đấu, lao động bằng âm nhạc của họ và giờ khi cả hai nhạc sĩ mất đi nhưng âm nhạc của họ vẫn còn mãi.
Chương trình âm nhạc tưởng nhớ hai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân sẽ còn tiếp một buổi vào tối nay, 8/7, tại Nhạc viện TP.HCM.
N.M