Hấp lực của Mũi Né

03/03/2017 11:17 GMT+7 | Điểm đến

(Du lịch - giaidauscholar.com) - Không có nơi nào trên đất nước này lại có nhiều cái đặc biệt như Mũi Né. Đầu tiên là cái tên của nó. Nói đến Mũi Né thì ai cũng hiểu nó là biển. Nhưng thực ra đó là chuyện của quá khứ.


Bây giờ nó là một phường của thành phố Phan Thiết. Còn biển thì là biển Hòn Rơm hay biển Hàm Tiến. Nếu như ở ngoài Bắc có Hạ Long và Sa Pa được biết đến từ rất sớm trên bản đồ du lịch thế giới thì ở Nam Trung Bộ có Mũi Né rất nổi tiếng với khách quốc tế và nổi tiếng cũng từ rất sớm.

Mũi là mũi đất hướng ra biển còn “Né” ở đây nghĩa là né tránh. Ngày trước, ngư dân đi biển thường tìm đến mũi đất này để tránh bão nên mới có cái tên Mũi Né ra đời. Mũi Né vừa có núi, vừa có biển và biển nằm trong phía trong, được núi bao bọc, che chắn, xung quanh.

Đấy là lí do khiến Mũi Né không bao giờ có bão. Và về điểm này thì nó hay hơn Đà Nẵng hoặc Nha Trang. Bình Thuận cũng mưa rất ít và thường là mưa rào rồi thôi chứ không mưa rả rich. Còn lại là nắng nóng quanh năm nên rất thích hợp để phát triển các hoạt động du lịch biển. Điều gì đã khiến cho Mũi Né trở nên đặc biệt đến thế?

Chúng ta hãy bắt đầu từ gốc tích của một vài địa danh. Mũi Né thì bạn đã biết rồi. Còn Hòn Rơm, bạn từng nghe nói bao giờ chưa? Nó vốn là một ngọn núi và nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên trên đó mọc lên một loại cỏ ống. Nhưng vào mùa nắng thì cỏ ống bị cháy khô. Ngư dân đi biển nhìn từ ngoài khơi vào thấy nó giống với hình dạng của đụn rơm.


Và cái tên Hòn rơm ra đời từ đó. Bây giờ thì nói đến Hòn Rơm người ta không nói đến núi non gì nữa mà chỉ nói đến biển. Mà đó là biển dành chủ yếu dành cho dân du lịch Việt thuộc tầng lớp bình dân còn tây ba lô hoặc giới trung lưu hay thượng lưu người Việt toàn ở các resort, khách sạn trên khu phố tây Nguyễn Đình Chiểu.

Mũi Né còn có lầu ông hoàng, cách trung tâm Phan Thiết tầm 7km. Nghe đến hai tiếng ông hoàng là nó đã gợi nên cảm giác xa hoa, sang trọng của vua chúa rồi. Bây giờ mưa nắng thời gian và chiến tranh khiến nó chỉ còn là phế tích, cỏ dại mọc đầy xung quanh.

Nhưng lúc đầu nó từng là biệt thự được một công tước người Pháp tên là De Montpensier xây dựng vào nằm 1911 trên đồi Bài Nài với các phòng ốc cực kỳ tiện nghi khiến người dân quanh vùng cảm giác nó như chốn dành cho ông hoàng, bà chúa và gọi nó bằng cái tên chúng ta biết bây giờ. Nếu đến Mũi Né mà ở Hòn Rơm thì bạn sẽ đi ngược lên Lương Sơn khoảng 18km, đến ngã 3 rẽ phải sẽ đến Bàu Trắng hay còn gọi là đồi cát trắng còn từ Hòn Rơm đi xuôi tầm 3km sẽ thấy đồi cát vàng.


Đồi cát trắng hay đồi cát vàng ở Mũi Né còn được gọi là đồi cát bay. Sỡ dĩ gọi như vậy vì đồi cát ở đây liên tục thay đổi hình dạng khiến nó trở nên cực kỳ sinh động và thu hút người ta. Khách du lịch người Việt chủ yếu hay đi đồi cát vàng trong khi Tây ba lô thích bàu Trắng hơn nhiều.

Tôi cũng thích bàu trắng hơn. Cách Phan Thiết khoảng 60km còn có núi Tà Cú. Núi này thì không cao lắm nhưng trên đó có tượng phật nằm dài 49m và đã từng là tượng phật nằm dài nhất của Việt Nam. Bây giờ thì ngôi vị này thuộc về pho tượng phật nằm ở Bình Dương nếu tôi không nhầm.

Trở lại với đồi cát, người ta thích Mũi Né nhiều nhất một phần có lẽ là ở hai cái đồi cát này. Trên đất nước Việt Nam này, không nơi nào lại có đồi cát đẹp như Mũi Né. Nó là hàng độc mà đã độc lại còn đẹp thì hấp lực của nó tăng lên mấy lần. Khi đứng ở đồi cát, tỏa ánh nhìn ra xung quanh, bạn thấy mình nhỏ bé như những hạt cát ấy nhưng thiên nhiên này mang lại cảm giác gần gũi.

Nó không giống như khi bạn đi trên sa mạc khô cằn mà nó giống như khi bạn đang chiêm ngưỡng một kiệt tác của tự nhiên. Ở bàu trắng còn có một hồ sen mà người dân ở đây gọi là hồ không đáy. Nếu đi đúng thời điểm thì bạn sẽ thấy sen nở rất đẹp trên mặt hồ. Nhưng người dân ở đây bảo hồ này rất sâu, đã từng xảy ra nhiều cái chết thương tâm nên người ta gọi nó là hồ không đáy.


Biển Hòn rơm

Lại nói về Hòn Rơm và Hàm Tiến. Đều là biển nhưng có sự phân cấp rõ ràng. Biển Hàm Tiến được tây ba lô và dân du lịch Việt lắm tiền chọn. Họ ở trong những resort có giá phòng thấp nhất từ 150 USD đến 700 USD/đêm hoặc hơn thế trên con phố Tây Nguyễn Đình Chiểu và ra Hàm Tiến tắm.

Trong khi đó, những người Việt thuộc tầng lớp bình dân chọn ở Hòn Rơm. Để tiển ra biển tắm thì cần thuê nhà nghỉ, khách sạn ngay ở gần đó. Hệ thống nhà nghỉ ở đây vẫn còn rất thiếu và kém tiện nghi. Đã thế, cứ vào thứ 6 hàng tuần là dân Sài Gòn và các vùng lân cận đổ về đây rất đông, dẫn tới tình trạng cháy phòng vì quá tải khiến giá thuê phòng ở đây đội lên rất cao.

Ngày thường đã là 400k/phòng/đêm nhưng vào cao điểm mùa du lịch hoặc chỉ cần vào mấy ngày cuối tuần thôi là giá phòng đội lên tới 800k hoặc thậm chí tới 1.000.000 VND/phòng mà vẫn không đủ chứa. Khách bị ghép ở khá trật trội trong những căn phòng thiếu tiện nghi nhưng vẫn phải chấp nhận vì họ không có nhiều lựa chọn.


Chùa trên đường lên núi Tà Cú

Hệ thống nhà nghỉ vừa kém về chất lượng, vừa thiếu về số lượng ở Hòn Rơm chính là một trong những điểm trừ ở Mũi Né. Một vấn đề khác là cũng giống như nhiều điểm du lịch khác của Việt Nam, bạn hãy cẩn thận khi ăn hải sản ở đây. Lời khuyên là không nên ăn hải sản ở các quán hàng ven biển vì cũng giống như ở Nha Trang, dù giá có rẻ nhưng nguy cơ ăn phải đồ ươn ôi là rất cao vì dân bán hàng ở đây hay dùng quái chiêu để qua mặt khách.

Chẳng hạn, khi bạn mua tôm cua cá mực thì trước mặt bạn họ sẽ show hàng tươi sống cho bạn nhìn nhưng hễ bạn sơ ý quay đi là lập tức họ sẽ đánh cháo và đưa đồ ươn ôi vào rồi chế biến cho bạn ăn. Thông thường thì người ta vẫn hay ra khu bờ kè để ăn nhưng tôi thì chọn phương án là ăn cùng nhà người dân gần đó. Dân sống ở đây đa phần rất dễ mến, thân thiện và quý người.

Bạn có thể dễ dàng tiếp cận họ và đặt vấn đề họ nấu luôn cho bạn ăn cùng. Tất nhiên, bạn cũng nên đưa họ một chút xíu money gọi là…Ăn như thế vừa vệ sinh, vừa ngon, vừa kinh tế mà bạn lại có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống và con người ở mảnh đất Nam Trung Bộ này. Mũi Né là miền Biển nên dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản và kinh doanh lữ hành. Để hiểu thêm về cuộc sống của ngư dân bạn có thể tìm đến làng chài Mũi Né.

Còn muốn chứng kiến du lịch Mũi Né phát triển cỡ nào thì hãy lang thang trên đường Nguyễn Đình Chiều. Cũng là con đường thẳng tắp rợp bóng dừa, nằm ngay sát biển gần giống như đường Trần Phú của Nha Trang nhưng đường Nguyễn Đình Chiểu của Mũi Né có thể nói là vô địch Việt Nam về resort, nhiều thật là nhiều.


Nhiều hơn ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc hay bất kỳ nơi nào trên đất nước này. Đây là con phố “vàng” của Phan Thiết nơi các nhà hàng, khách sạn, resort, trung tâm spa…được xây dựng san sát và tạo thành một tuyến đường cực kỳ sầm uất và phù hoa. Ở đây có rất nhiều tây nhưng không chỉ là tây ba lô đến Mũi Né du lịch mà còn cả tây đến đây kinh doanh trong đó có rất nhiều người Nga.

Có một điều mà tôi thấy đáng tiếc là Mũi Né lại chưa có sân bay. Du lịch của nó phát triển như vậy nhưng việc thiếu đi một sân bay cũng khiến nơi này chưa phát huy hết tiềm năng của nó. Và đây đương nhiên là một điểm trừ nữa của khu du lịch nổi tiếng ở phương Nam. Dân du lịch ngoài Bắc hoặc là phải bay vào Sài Gòn rồi bắt xe Mai Linh hoặc Phương Trang đi ngược ra tầm 220km hoặc là bay vào Đà Lạt rồi cũng đi xe Mai Linh/Phương Trang đến Phan Thiết.

Quãng đường ấy không xa lắm, cũng chỉ tầm 5-6 tiếng là đến nơi nhưng dù sao nếu Mũi Né có sân bay thì sẽ tiện hơn nhiều. Nghe nói Thủ tướng đã phê duyệt dự án xây sân bay ở đây vào năm 2015. Chắc chắn là khi có sân bay, hấp lực của Mũi Né còn tăng hơn nữa.

Nếu có dịp đến Mũi Né, bạn đừng bỏ qua hải đăng Kê Gà bởi từ cái tên của nó cũng không là vô nghĩa và bên trong nó là cả một thời kỳ lịch sử. Kê Gà hay còn gọi là Khe Gà là một mũi đất nhô ra biển mà khe của nó giống mào của con gà nên người ta gọi nó là Kê Gà (Khe gà). Ngọn hải đăng này được Pháp xây dựng năm 1897 và khánh thành năm 1899.

Kiến trúc kiểu Pháp. Vật liệu của Pháp. Thợ cũng của Pháp. Và nó chưa hề bị trùng tu dù đã đứng đó sừng sững dưới trời xanh, có cả trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt. Người Pháp đã mang chiến tranh vào Việt Nam nhưng cũng để lại trên mảnh đất hình chữ S này những công trình kiến trúc đáng để chúng ta cúi đầu ngưỡng mộ.

Trình độ kiến trúc của Pháp quả là danh bất hư truyền. Được xây bằng đá hoa cương với gần 200 bậc cầu thang xoắn trôn ốc bên trong, với dàn đèn chạy bằng năng lượng mặt trời, có thể quét sáng xa tới 40km, hải đăng Kê gà được coi là ngọn đèn biển lâu đời nhất ở Việt Nam và càng góp phần làm cho Mũi Né trở nên đẹp và độc trong mắt dân du lịch.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm