Dọc ngang ở xứ chùa Vàng
(Du lịch - giaidauscholar.com) - Có quá nhiều điều để nói, quá nhiều thứ phải tìm hiểu ở đất nước này đến mức mà tôi đảm bảo với bạn rằng dù có đi Thái vài lần (chứ đừng nói là chỉ một chuyến đi 5-7 ngày) thì bạn cũng không thể thẩm thấu đầy đủ những gì là cơ bản nhất (chỉ là cơ bản thôi nhé) của đất nước Chùa Vàng.
- Câu chuyện du lịch: Đón giao thừa ở Sydney
- Câu chuyện du lịch: Tiếng gọi của Sa Huỳnh
- Câu chuyện du lịch: Châu Đốc, đi và nhớ
- Câu chuyện du lịch: Siem Reap, ngày trở lại
Bangkok luôn sầm uất, là trung tâm mua sắm, thương mại lớn nhất Thái Lan
Cũng như bất kỳ tay đi bụi nào, tôi không chọn cách bay Hà Nội-Bangkok dù biết nó chỉ mất 2 giờ là đặt chân lên đất Thái. Mà đi theo con đường kinh điển của backpackers khắp nơi trên thế giới khi họ xuất phát từ Hà Nội là vào Sài Gòn rồi từ Sài Gòn đi bus sang Cambodia sau đó lại từ Cambodia đi bus sang Thái Lan.
Chọn lộ trình như vậy thì bạn sẽ kết hợp được cả Campuchia và Thái Lan. Làm sao có thể bỏ qua quần thể đền đài Angkor Wat nổi tiếng thế giới mà không ít nhất một lần chiêm ngưỡng nó? Bạn có thể bắt bus đi Thái từ thủ đô Phnompenh của Cambodia nhưng tốt nhất là bạn đi Siem Reap khám phá Angkor Wat rồi sau đó bắt bus đi Bangkok từ Siem Reap. Mất khoảng 7 tiếng là bạn đến cửa khẩu nhưng thường thì ở đây rất đông khách nên bạn phải chờ trên dưới 2 tiếng mới có thể chuyển sang minivan đi tiếp vào Bangkok được.
Cung điện Hoàng gia rất nổi tiếng ở Bangkok
Cũng giống như ở Anh thì ở Thái, xe chạy bên trái đường. Nếu bạn đi máy bay thì có thể bay trực tiếp từ Hà Nội đi Bangkok (miền Trung) hay Phuket (miền Nam). Phuket được mô tả là hòn ngọc ở miền Nam Thái Lan với bãi biển đẹp, nước trong xanh nhưng với cá nhân tôi thì nó vẫn chưa thể sánh được với nhiều biển đảo của Việt Nam chúng ta như Phú Quốc, Côn Đảo, Vịnh Vân Phong…Bạn nhớ là nếu đi máy bay thì khi xuống sân bay ở Bangkok nhớ tìm đến Info Center để xin bản đồ thành phố nhé.
Nói đến Thái Lan thì chắc bạn nào cũng không bỏ qua Bangkok, thủ đô mà. Và nói đến Bangkok thì các bạn biết rồi. Các trung tâm mua sắm, thời trang, các nhà hàng, khách sạn cao cấp, các khu chợ cả bình dân lẫn cao cấp, siêu thị, shopping mall…đều có ở đây cả. Nếu Hà Nội có khu phố cổ mà tây ba lô lấy làm đại bản doanh.
Cung điện hoàng gia
Sài Gòn có những phố Tây nổi tiếng ổn ào náo nhiệt như Bùi Viên hay Phạm Ngũ Lão thì Thái Lan có Khao San Road tập trung rất nhiều tây ba lô. Thái Lan còn rộng lớn hơn Việt Nam nên nói chung là để đi thăm thú, khám phá một đất nước như thế này trong khoảng 5-7 ngày thì lời khuyên chân thành của tôi là tốt nhất bạn không nên ôm đồm, lượn lờ nhiều quá vì nếu thế thì chỗ nào cũng sẽ “cưỡi ô tô xem hoa”.
Bangkok, Pattaya, Chiang Mai, Phu Ket, Ayutthaya mà chỗ nào cũng muốn đi chỉ gói gọn trong 5-7 ngày thì quá khó để thẩm thấu điều gì. Thế nên, tốt nhất là một chuyến đi thì nếu có điều kiện hãy lang thang bên Thái khoảng 2 tuần cho 5 địa điểm ở trên. Còn nếu tài chính và thời gian không cho phép thì buộc phải lược bớt đi.
Cố đô Ayutthaya giàu giá trị lịch sử
Chẳng hạn nếu bạn thích biển đảo thì Pattaya và Phuket là chuẩn rồi. Nếu bạn thích chiêm ngưỡng, cảm nhận tất cả những gì thuộc về một cuộc sống, hoạt động và kinh doanh ở một thành phố hiện đại, sầm uất, náo nhiệt, xô bồ thì Bangkok tất nhiên là địa điểm không thể bỏ qua. Nếu bạn thích ngược dòng lịch sử, thích những gì thuộc về một thời xưa cũ, thích chiêm ngưỡng những chứng tích của thời gian, những đền đài, chùa tháp điêu tàn, hoang phế như tôi đây thì bạn hãy tìm đến Ayutthaya. Nếu bạn muốn biết cảnh chèo kéo, mời chào khách du lịch của gái làm tiền, muốn xem sex show, muốn tìm hiểu về phố “đèn đỏ” ở Thái Lan, về ngành công nghiệp du lịch tình dục, về công nghệ chuyển giới, cuộc sống của dân đồng tính, lưỡng tính thì bạn đến Pattaya.
Pattaya vừa nổi tiếng, vừa tai tiếng. Nó được biết đến không chỉ trong biên giới Thái Lan mà còn khắp Châu Âu không chỉ nhờ có vịnh biển tuyệt đẹp và cả về các hoạt động thương mại tình dục nữa. Thái Lan là một đất nước cũng hút khách du lịch đáng kể và ai thì cũng từng nghe nói về Pattaya. Trở lại với Bangkok, nếu bạn muốn shopping thì đây thì bạn mua sắm ở đây. Nhưng bạn nhớ rằng phần lớn các cửa hàng, siêu thị, mall, bắt đầu mở cửa từ 10h sáng chứ không mở sớm hơn.
Cố đô Ayutthaya giàu giá trị lịch sử
Nếu là tín đồ của hàng hiệu (nhưng không biết có thật là hàng hiệu xịn hay không?) thì bạn ghé vào một loạt các trung tâm mua sắm cao cấp kiểu như Parkson của Hà Nội như Siam Center, Siam Paragon, Central World. Ở đó có các sản phẩm trang sức, quần áo, đồ điện tử, thời trang của các thương hiệu danh tiếng thế giới. Nếu muốn tìm mua quần áo, đồ gia dụng, điện tử, trang sức giá rẻ thì bạn ra chợ Pratunam.
Di chuyển trên đất Thái thì có 3 phương tiện phổ thông là taxi (đắt), tàu hỏa và xe bus. Thường là từ Bangkok đi các thành phố, tỉnh khác của Thái Lan thì người ta đi tàu hỏa hoặc bus. Đi tàu hòa nó vừa sạch sẽ, an toàn và cũng không mất quá nhiều thời gian. Từ Bangkok đi Pattaya thì bạn nên đi bus. Hai thành phố cách nhau khoảng 130km. Có thể đi từ bến xe bus gần ga Ekamai, hoặc bến xe Moh Chit. Đi BTS (còn gọi là Skytrain tức là tàu điện trên không) tới ga Ekamai, ra cổng Exit số 2, đi bộ một đoạn ngắn là tới bến xe.
Cứ 30 phút có 1 chuyến, giá vé là 124 baht. Chạy khoảng 2h tới Pattaya. Nếu bạn định đi Pattaya từ Sân bay thì nên đi từ sân bay Suvarnabhumi sẽ tiện lợi hơn. Nếu từ sân bay Dong Muang đi Pattaya, bạn có thể đi taxi đến bến xe Mochit rồi bắt bus đi. Nếu bạn từ Bangkok đi Chiang Mai thì có thể đi máy bay mất 1 giờ, đi bus mất 12 tiếng hoặc đi tàu đêm cũng mất khoảng 12 tiếng. Chiang Mai cách Bangkok 700km. Nếu đi từ Bangkok đến cố đô Ayutthaya thì bạn có thể đi bus hoặc tàu hỏa. Ayutthaya cách Bangkok gần 80km. Bạn ra bến xe Moh Chit bắt bus đi Ayutthaya, cứ khoảng 20 phút lại có một chuyến. Giá vé là 50 baht, đi mất tầm một giờ 30 phút đến 2 giờ là đến Ayutthaya.
Từ Chiang Mai đi Ayutthaya thì bạn có thể đi bus cũng được mà đi tàu hỏa cũng được. Mất tầm 10 tiếng đến 11 tiếng là đến nơi. Mải nói đến chuyện đi lại mà quên mất là ở Bangkok riêng tôi thì tôi chỉ thích cung điện Hoàng Gia (Grand Palace) thôi còn thì những chuyện mua sắm hay những điểm thăm quan khác ở đây không hấp dẫn tôi lắm. Phải nói quần thể kiến trúc cung điện Hoàng Gia của Thái đẹp thật. Toàn các chùa vàng, tháp vàng, đền vàng. Nó rất tiêu biểu cho cái tên xứ Chùa Vàng hay đất nước Chùa Vàng mà người ta vẫn dùng để gọi Thái Lan.
Thái Lan có nhiều bãi biển đẹp
Những những đền tháp hình chóp nhọn màu vàng vừa lộng lẫy, vừa uy nghiêm. Rất đáng để chiêm ngưỡng. Nhưng điểm tôi thích nhất vẫn chưa phải là Grand Palace ở Bangkok. Cũng không phải là vịnh biển ở Pattaya hay bãi tắm khá đẹp ở Phuket mà là quần thể phế tích đền tháp ở cố đô Ayutthaya. Phải nói là ngay đến cái tên cố đô này (tức là thủ đô cũ của Thái Lan), cũng phải cố gắng tôi mới nhớ được vì tên của nó lằng nhằng quá. Còn tên của các ngôi đền, tháp của Ayutthaya thì tôi đành chịu vì nó quá dài và khó nhớ.
Nhưng mà có một cái tôi không cần phải nhớ mà nó lại tự nhiên ở lại trong đầu là những hình ảnh và cảm giác mà Ayutthaya mang lại. Cổ thành được xây dựng từ năm 1350 bởi vua U-thong, bị quân Miến Điện chiếm đóng và tàn phá vào năm 1767. Có 33 đời vua thay nhau trị vì vương triều và xây dựng Ayutthaya thành thủ đô rực rỡ trong quá khứ.
Bangkok luôn náo nhiệt
Sau khi xâm chiếm cố đô, quân đội Miến Điện đã đốt cháy và phá hủy nhiều công trình kiến trúc hoành tráng và lộng lẫy của vương triều Ayutthaya. Những tàn tích còn sót lại tạo thành công viên lịch sử Ayutthaya ngày nay mà UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1991. Đã từng lặng người vì vẻ đẹp điêu tàn, liêu trai và huyền bí của quần thể Angkor Wat ở Siem Reap, tôi lại một lần nữa cảm thấy bị hút hồn bởi bởi vẻ đẹp của Ayutthaya.
Cuộc chiến giữa quân Xiêm La (tên cũ của Thái Lan) với quân Miến Điện đã để lại một vương triều đổ nát, hoang tàn. Đã tàn phá đi nhiều công trình kiến trúc của một hoàng cung lỗng lẫy, vàng son, chỉ để lại trơ trọi giữa trời xanh những bức tường gạch đổ nát, một số những cột nhà và những số ít đền tháp còn sót lại. Bấy nhiêu thôi là đủ để nhắc nhớ ta về một thời kỳ lịch sử mà dù có muốn hay không thì nó vẫn sẽ mãi lưu lại trong quá trình tồn tại và phát triển của vương quốc Thái Lan. Lịch sử là đây.
Chiến tranh để lại những vết thương không liền da nhưng cũng để lại cả một di sản mà chính sự điêu tàn càng làm cho nó trở nên huyền bí. Auytthaya hấp dẫn tôi vì thế. Good bye Thái Lan. Tôi chỉ tạm biệt chứ tôi không vĩnh biệt. Bởi chắc chắn là sẽ có ngày tôi còn trở lại chốn này. Ai mà biết được!