Trong cơn sợ hãi Ebola

10/10/2014 12:09 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Một bệnh viện ở Washington D.C hôm cuối tuần vừa rồi được phen hốt hoảng vì một bệnh nhân đến khám với những triệu chứng nhiễm virus Ebola.

Howard University Hospital, tên của bệnh viện nói trên chỉ cách Nhà Trắng hơn chục phút lái xe, và cũng cách khu nhà tôi ở đúng 15 phút. Trường luật của Đại học Howard chỉ cách nhà tôi hai chục bước chân.

Và một bệnh nhân đến khám ở một bệnh viện khác tại Rockville dù là ở bang Maryland nhưng cũng thuộc khu vực thủ đô thường gồm cả một phần bang Virginia nữa.

May là bệnh nhân đầu tiên được xác định đúng là có đi qua châu Phi, nhưng hóa ra chỉ bị sốt rét. Và bệnh nhân thứ hai cũng âm tính.

Ca Ebola hụt này dẫu vậy cũng khiến nhiều người Mỹ thực sự lo sợ, không biết liệu bản thân và người thân của họ có an toàn trước một đại dịch vốn xuất phát từ mãi châu Phi nghèo khổ.

Mới tuần trước, một trường hợp xác định là nhiễm virus Ebola ở bang Texas. Người này mang quốc tịch Liberia, nhập cảnh vào Mỹ sau mấy hôm ủ bệnh. Anh ta xác nhận có tiếp xúc với người bị bệnh ở Liberia trước khi qua Mỹ, và nay thì đang ở trong tình trạng rất xấu.

Ca bệnh này thực sự gây ra một cuộc khủng hoảng tâm lý. Vì người bệnh chỉ trong ít ngày đã tiếp xúc không chỉ với người thân đang ở Mỹ mà còn gặp gỡ với những đứa trẻ đang đi học ở bốn ngôi trường khác nhau chứ chưa nói tới những người đi cùng chuyến bay. Và anh ta giấu nhẹm chuyện đã tiếp xúc với bệnh nhân Ebola ở Liberia hòng xuất cảnh sang Mỹ để cưới vợ là một người Mỹ gốc Liberia.

Câu hỏi liệu còn và sẽ có bao nhiêu người khai ẩu, khai gian dối để đạt mục đích quả không dễ trả lời, trong khi nguy cơ bệnh Ebola “bay” sang Mỹ là rất lớn.

Nước Mỹ với châu Phi có một sự liên hệ chặt chẽ bắt đầu từ những chuyến tàu chở những người nô lệ trong thế kỷ 18-19 cho tới những cuộc nhập cư ồ ạt mãi tới những năm 80 thế kỷ trước mới dần lắng xuống.

Chỉ riêng người gốc Liberia cũng đã có khoảng gần 100 ngàn người hiện đang sinh sống ở Mỹ.

Hay nếu tới khu vực Washington D.C thì ngoài tỷ lệ khá nhỏ những người gốc Trung Đông thì hành nghề lái xe taxi đa phần là gốc Ethiopia.

Washington D.C, New York và một số bang khác cũng ở miền Đông nước Mỹ là nơi mà phần lớn người Mỹ gốc Guinea và Sierra Leon sinh sống trong số cộng đồng có số dân tương ứng khoảng trên 10 ngàn và 20 ngàn người.

Mối nguy có thể còn nhiều hơn nữa những người nhiễm virus Ebola ở Mỹ vừa gây hoang mang cho dân Mỹ vừa thách thức các cơ quan chức năng bởi dù nước Mỹ có những điều kiện y học tối tân cũng không thể dám chắc điều gì.

Bệnh viện nào ở Mỹ cũng có khu vực cách ly, nhưng để đáp ứng những tiêu chuẩn ngặt nghèo để phòng chống các bệnh truyền nhiễm chết người thì mới chỉ có bốn. Một trong số đó là ở Atlanta, nơi đã điều trị cho hai bệnh nhân Ebola người Mỹ là các bác sĩ đi sang châu Phi làm công tác từ thiện rồi bị lây nhiễm.

Cũng sang châu Phi làm việc rồi bị lây bệnh còn có một phóng viên quay phim của kênh truyền hình NBC. Anh này, 33 tuổi, vừa được đưa về Mỹ để điều trị và là trường hợp thứ năm đối với công dân Mỹ.

Liệu đây có phải là viễn cảnh mà chỉ những người Mỹ bi quan nhất mới mường tượng ra từ trước?

Chúc anh chị sức khỏe!

Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm