06/12/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nếu chọn một phương tiện đi lại trên đường phố Hà Nội đến nay vẫn được coi là ấn tượng hơn cả, thì chắc chắn sẽ là chiếc xích lô.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Trước nó là cái xe kéo (pousse-pousse) thì chưa đủ tuổi đã phải “về hưu”. Nói vậy vì 2 chiếc xe kéo đầu tiên do công sứ Pháp nhập từ Hong Kong (Trung Quốc) về Hà Nội năm 1898 đã "mất tăm" ngay sau những biến cố thời cuộc xảy ra trong những năm 1945 – 1947, lúc mới tròn 50 tuổi.
Có lẽ nhận thức của thiên hạ về nhân quyền từ lâu đã nhận ra cái xe kéo khá phổ biến ở các nước phương Đông (phần lớn là thuộc địa) như một điển hình của sự bất bình đẳng trong thân phận của con người nên cái thứ "ngựa người, người ngựa" theo cách mô tả của nhà văn Nguyễn Công Hoan khiến nó phải tự biến mất chăng (?!).
Sau cái xe kéo, người ta biết tới cái xe đạp mà tính trội cốt lõi là sự truyền lực bằng sợi dây xích làm giảm nhẹ sức lực và đạt tốc độ rất cao so với xe kéo chạy bộ. Nhưng nó chỉ là phương tiện cá nhân, khó đáp ứng nhu cầu dịch vụ chuyên chở người và hàng ở các đô thị ngày một nhiều. Hoàng đế Thành Thái từng chụp ảnh cùng với chiếc xe đạp khi thăm Sài Gòn cuối thế kỷ 19, nhưng xe mà Ngài ngự dụng chưa có xích vẫn truyền lực bằng trục răng cưa. Phải muộn hơn, vào những thập kỷ 1920, 1930 thì cái xe đạp (bicyclette) thực thụ hoàn thiện và mới nhập vào xứ ta…
Và gần như cùng lúc phát minh ra xe đạp chạy trên 2 bánh xếp dọc thì đã có những nhà phát minh tính tới việc kết hợp giữa cái xe đạp và cái xe kéo để giải phóng đôi chân chạy bộ của người phu xe. Sự kết hợp ấy cho ra đời cái xích lô (cyclo pousse) với 3 bánh. Và một người Pháp có tên là Pierre Maurice Coupeaud, sinh năm 1872, tốt nghiệp kỹ sư mỏ, đam mê xe đạp và bóng đá là người sáng chế ra loại xích lô có người đạp ngồi phía sau. Cuối những năm 1920, ông đã rời nước Pháp đến Phnom Penh và thành lập tại đây một cơ sở kinh doanh. Năm 1933 ông đưa ra ý tưởng cải tiến phương tiện đi lại ở Đông Dương.
Năm 1935, Coupeaud đăng ký với Bộ Thuộc địa và nhà cầm quyền Phnom Penh sáng chế và nhập loại xe này được làm ở Pháp sang Campuchia. Và ngày 9/2/1936, một chiếc xích lô với 2 người thay nhau, kẻ ngồi người đạp khởi hành lúc 16h từ Phnom Penh chạy liên tục qua đêm đến Sài Gòn lúc 9h30 sáng hôm sau trên chặng đường dài 240km, đạt kỷ lục 11km/giờ. Cuộc chạy quảng cáo này có gây ấn tượng, nhưng Sài Gòn đến cuối năm 1939 mới có 200 chiếc cyclo lăn bánh (Năm 2003, tôi có viết việc này, nhưng lại in nhầm là 1939, nay đính chính cái sai của mình lại được đưa vào Wikipedia).
Phải nói rằng, Hà Nội mới là đất phát của xích lô. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I mới công bố một tư liệu thú vị là bản vẽ thiết kế quy cách và kích thước chiếc xích lô được gửi tới cơ quan quản lý giao thông của thành phố vào năm 1942 (không rõ để đăng ký sản xuất hay khai thác kinh doanh). Điều đáng nói là tác giả của bản vẽ này lại là họa sĩ Cát Tường, người từng nổi tiếng với tấm áo dài cách tân "Le Mur" (5 năm sau ông đã tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô độc lập và hy sinh ngay trên mảnh đất Hà Nội). Hẳn người nghệ sĩ tài danh này đã muốn nâng cấp về mỹ thuật cho dáng dấp xe xích lô Hà thành?
Từ những năm 1940, xích lô phát triển mạnh nhờ ưu thế là có thể chở được nhiều người và cả hàng hóa. So với nhiều loại xe tương tự ở các quốc gia lân cận thường để người đạp ngồi trước mặt làm khuất tầm nhìn của khách, hoặc ngồi bên cạnh… không thể sánh nổi sự tiện dụng khi đặt người đạp ở phía sau. Với du lịch, người ngồi trước thả mắt nhìn xung quanh, sau lưng lại có người đạp khuất mắt khỏi nhận thấy sự nặng nhọc, gặp người lợi khẩu có thể làm hướng dẫn viên giới thiệu cho khách những điều cần giới thiệu… Riêng miền Tây Nam Bộ thì dùng luôn chiếc xe đạp kéo cái xe 2 bánh cho khách ngồi, nay thay bằng xe máy được gọi là "xe lôi".
Cụ nhà văn Nguyễn Tuân, thăm Sài Gòn mới giải phóng về, khen đi xích lô hết lời. Vì hồi đó ở ngoài Bắc vẫn bị cái mặc cảm là có kẻ này bóc lột người kia nên người ta ngại, chỉ để xe chờ hàng là chính. Cũng vì thế, xích lô Hà Nội ngày càng xập xệ, xuống cấp. Còn ở Sài Gòn vẫn giữ được nếp cũ, xe đẹp người đạp kham khổ nhưng lịch thiệp. Cụ Nguyễn mong ước xích lô Hà Nội phải học lại Sài Gòn, nhưng khuyên chớ mang cái xích lô máy ra Hà Nội, ngồi cũng khoái, nhưng tiếng nổ như xe tăng mà gió thổi như ngoài biển, khiếp lắm. Đúng là dân Sài Gòn ưa dùng xích lô máy vì công năng mạnh mẽ của nó theo mẫu của Hãng Peugeot nhập khẩu hồi cuối những năm 1940.
Bây giờ thì xích lô ở Hà Nội hay các thành phố du lịch được coi là sang trọng, đặt cả tên hàng hiệu mà tôi thú nhất là cái slogan "Sans souci" (vô tư lự) cho khách du lịch, lại được dùng vào nhiều lễ lạt từ chở sư đi đám ma đến chở đồ lễ cho đám cưới... Đọc trên mạng thấy ảnh nghệ sĩ Mạc Văn Khoa còn thiết kế xích lô chở cả cái ghế massage khủng cho du khách hạng sang... Đã nhiều lần có ý kiến dẹp xích lô để bảo đảm giao thông đô thị thông thoáng, nhưng nhìn tấm ảnh ấy thì chắc nó còn sống dài dài… ít nhất vài thập kỷ nữa. Không biết chừng sẽ có thời xích lô… bay như taxi bay sắp xuất hiện vậy?!
(Còn tiếp)
QXN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất