'Bút sắc, lòng son' chốn 'địa ngục trần gian' của các chí sĩ cách mạng

24/07/2025 11:49 GMT+7 | Multimedia

Tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, đang diễn ra trưng bày chuyên đề 'Bút sắc, lòng son' với nhiều tài liệu, hình ảnh đầy cảm xúc, cho thấy tinh thần, khí phách của những chí sĩ cách mạng từng bị giam cầm nơi đây.

“Bút sắc, lòng son” chốn “địa ngục trần gian” của các chí sĩ cách mạng

Trưng bày chuyên đề 'Bút sắc, lòng son' tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Một trong những điểm nhấn của trưng bày là hoạt cảnh tái hiện câu chuyện xúc động của đồng chí Phạm Hướng - cán bộ Đoàn phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội những năm 1949-1950 trong Nhà tù Hỏa Lò.

Từ khoảnh khắc hội ngộ đầy xúc động khi đồng chí gặp lại những người bạn cũ trong trại giam, đến giây phút nghẹn ngào gặp người thân trong lần thăm nuôi ngắn ngủi và kết thúc bằng cảnh chia ly xé lòng trong ngày đồng chí bị đày đi Côn Đảo.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Cháu ruột nhà cách mạng Phạm Hướng chia sẻ, "Tôi rất có cảm xúc, thấy lại hình ảnh của bác tôi, thấy lại những chi tiết mà mẹ tôi là người trực tiếp tiếp tế kể lại. Nó phản ánh lý tưởng, cuộc đời của các cụ. Bác là sinh viên trường Bưởi và tham gia hoạt động từ ngay trong trong trường và bị mật thám biết được phạm vi hoạt động của bác và đuổi học. Sau đó bác quay lại nội thành và phụ trách phong trào thanh niên sinh viên của Hà Nội".

Gồm ba nội dung chính: Trong chốn lao tù, Bút sắc, lòng son và Gắn kết yêu thương, trưng bày mang tới nhiều hình ảnh truyền lửa tinh thần yêu nước. Dù trên chiến trường khói lửa hay nơi tù ngục, người chiến sĩ cách mạng vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan. Bằng những vật dụng thô sơ, các chiến sĩ vẫn sáng tác thơ, viết thư, bí mật làm báo, thể hiện niềm tin, sức sống và ý chí chiến đấu kiên cường.

"Nếu không có những buổi triển lãm như thế này, chúng ta sẽ không thể hình dung ra được các chiến sĩ đã chiến đấu gian khổ như thế nào. Và chúng ta cần phát huy được truyền thống đó, trưng bày tiếp thêm động lực cho chúng tôi và những thế hệ trẻ về sau, về những hy sinh không có giới hạn để đem lại những điều tốt đẹp cho đất nước của các thế hệ đi trước", anh Phan Hồng Việt - Cháu Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái cho biết. 

Trong thời đại công nghệ, trưng bày "Bút sắc, lòng son" như nhắc nhở giá trị thiêng liêng của những trang viết tay, là nhịp cầu nối trái tim giữa chiến sỹ nơi lao tù với quê hương, đất nước và người thân ở quê nhà. Trưng bày mở cửa phục vụ công chúng đến hết ngày 31/8 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Ngân Lượng - Quyết Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm