19/08/2015 14:05 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Một trong những điểm nhấn khác của chuyến thăm Iguazu là làng Mborore của thổ dân Guarani, một bộ tộc chỉ còn hơn một nghìn người ở vùng rừng núi âm u của Argentina, gần biên giới Brazil.
Nhưng đến làng Mborore vào mùa mưa là một cuộc hành trình khá gian nan. Do tính tò mò, ở ngày cuối cùng của mình trên đất Iguazu, tôi đã quyết định bỏ tour dạo phố để mua tour đi thăm làng thổ dân.
“Chỉ có mình ông đi thôi, hôm nay trời ẩm ướt, vào rừng sợ vắt, du khách chuyển tour hết rồi”, anh lái xe có tên Martino nói. Không một bóng người trên xe. Tôi quyết định trèo lên buồng lái, ngồi cùng Martino cho đỡ buồn và có dịp nói chuyện.
Bỏ lại đằng sau 10 km đường nhựa chỉ đủ chỗ cho hai xe tránh nhau, chiếc xe quân sự cải tiến chỉ có hai người lầm lũi đi sâu vào con đường đất đỏ đặc quánh, giống như đất bazan ở Tây Nguyên. Xe nhảy chồm chồm như ngựa mỗi khi phải qua một vũng lầy và trèo qua những rễ cây sần sùi đẫm nước. Xung quanh chỉ có rừng và rừng.
Chỉ tay về một căn nhà rộng nhưng khá tuềnh toàng, nằm cạnh một con suối nước đang chảy xiết, Martino cho biết: Cái nhà ở phía trước là trường tiểu học và trạm xá của làng Mborore đấy, do nước Đức tặng.
Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp một, hai người dân. Có người cũng quần áo màu xanh chàm, da mặt nhăn nheo, đứng cạnh đường hoặc đang lúi húi rẫy cỏ bên cạnh những vạt đất trống trồng sắn, khoai lang, ngô.
Nhìn những mảnh đất vẫn còn có chỗ cháy xém, tôi biết người dân ở đây vẫn còn sống theo kiểu “du canh, du cư”, “đốt rừng làm rẫy”. Cứ cách dăm trăm mét, lại thấp thoáng một ngôi nhà nhỏ, lợp lá hoặc tôn, sân rộng, thả đầy gà, chó, bên cạnh mấy đứa trẻ mặt lem luốc, chân đất, nhìn chiếc xe to kềnh với vẻ ngơ ngác.
Đón tôi trước cửa làng là một thanh niên gầy, nhỏ, quần áo giản dị, không có vẻ gì là người thổ dân. Đó là anh Flavio Dos Santos, hướng dẫn viên du lịch của làng Mborore. Gọi là cửa làng, nhưng tôi chẳng thấy một ngôi nhà nào cả.
Nhìn tôi, Martino nói: “Từ đây, anh sẽ đi một mình với Flavio. Tôi mang xe đậu chỗ khác. Thăm xong, Flavio sẽ đưa anh ra xe”. Tôi hơi chột dạ nhưng nghĩ: tay này nhỏ thó, sợ gì. Flavio vừa dẫn tôi đi vào một con đường đất nhỏ, ngoằn ngoèo, cây cối rậm rạp, chỉ rộng chừng một mét, vừa đi vừa giới thiệu: Làng Mborore của chúng tôi rộng 250 ha, có 350 gia đình và 1.250 người dân. Người có địa vị cao nhất trong làng là một tù trưởng, do dân bầu ra.
Ở đây, trẻ em bảy, tám tuổi trở lên đã có quyền tham gia bầu tù trưởng”. Tôi trố mắt ngạc nhiên nhưng chợt nghĩ: “Thì cũng giống như trẻ em tiểu học ở Colombia có quyền bầu ra “chủ tịch hội đồng quản trị lớp học” chứ có gì đâu. Chúng yêu quý ai thì bầu người đấy”.
Đó là những chiếc lán trú mưa, những chiếc thuyền độc mộc, cối giã sắn, khoai, củ làm bánh, tượng gỗ đẽo thô sơ và rất nhiều bẫy săn thú. Chỉ tay vào một cây phong lan trồng trên một thân gỗ khoét sâu, Flavio giới thiệu: dân làng chúng tôi thờ rất nhiều loại thần: mặt trời, mặt trăng, gió, mưa. Còn loài lan có hoa màu trắng này là đồng hồ tự nhiên của làng. Bao giờ hoa nở, thường thì vào tháng 9, đó là thời gian để chúng tôi đón mừng năm mới.
Trong các bẫy săn thú như gà lôi, hoẵng, lợn rừng và hổ, ấn tượng nhất là hai bẫy cuối cùng. Để bắt được những con lợn lòi hung dữ, dân làng làm một lối đi nhỏ, hai bên là những hàng cọc cao chừng nửa mét, đặt ở chỗ chúng thường hay qua lại, trên đó rải những thức ăn mà lợn rừng ưa thích. Trên lối đi là một thân cây to, dài, dựng lên theo góc 50 độ.
Lợn rừng đi qua, đạp vào bẫy, cả thân cây to đổ sập từ trên xuống đúng, đè chết con thú, dù to đến đâu. Còn bẫy hổ là một hố sâu rộng chừng 2m, bên dưới cắm đầy gỗ cứng vuốt sắc nhọn, như những hầm chông mà dân quân, du kích ở miền Nam sử dụng trong thời chống Mỹ. Hầm được ngụy trang bằng lá cây. Trên miệng hầm chông chừng 2m, người Guarani treo một con khỉ bị thương. Tiếng khỉ kêu choe chóe gọi hổ đến vồ mồi và rơi vào hố sâu đầy chông nhọn hoắt.
Địa điểm cuối cùng của chuyến thăm là một bãi đất trống, bên cạnh một túp lều tranh vách đất và một ngôi nhà đơn sơ bán đồ lưu niệm, do dân làng tự làm. Đó là những con Cuati (giống cầy vòi), chim Tucano (giống vẹt mỏ khoằm nhưng to hơn nhiều) làm bằng gỗ và các đồ thổ cẩm. Đón tôi ở đây là đội văn nghệ của làng, có cả thanh thiếu niên mà nhạc cụ chỉ là một cây guitar và những chiếc chày.
Quần áo bình thường, chân đất, các em hát hai bài tặng khách, nhưng bằng tiếng thổ dân Guarani nên tôi chẳng hiểu gì. Flavio nói nhỏ: một bài nói về quê hương của chúng tôi, một bài để cảm ơn quý khách. Tôi rút 100 đồng peso đặt vào cái mũ để ở giữa sân. Các em rất ngạc nhiên vì lần đầu tiên có khách là người Việt Nam đến thăm, cho dù mỗi ngày vẫn có khoảng 20 - 30 khách du lịch đến đây.
Một phần từ số tiền 20 USD mà mỗi khách mua tour phải trả, được để lại cho làng Mborore. Dù đường xa trắc trở, mỗi năm cũng có tới trên 1.000 người đến với làng thổ dân Guarani.
Bài và ảnh: Lưu Vạn Kha
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất