Góc nhìn: Ở lại Arsenal, Harry Kane có khi chỉ... nhặt bóng

08/11/2015 06:46 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Trước trận derby London, HLV Arsene Wenger có thổ lộ tâm trạng về chuyện Harry Kane từng có một năm tập bóng ở học viện của Arsenal.

1. HLV Wenger nói rằng ông “không biết nên so sánh Kane với ai nhưng anh có một phẩm chất của cầu thủ hàng đầu” và ông cảm thấy hơi bực bội vì Arsenal đã để mất một viên ngọc như thế.

Wenger thậm chí chỉ biết việc Harry Kane đã từng tồn tại ở học viện của “The Gunners” qua báo chí mà thôi, tức là chuyện anh đã đến, và ra đi, đều không nằm trong các báo cáo gửi cho ông. Tất nhiên, với một cầu thủ ở tuổi lên 9 rời khỏi CLB, chẳng ai gửi báo cáo lên cho HLV trưởng làm gì cả, mà chỉ cần ông Giám đốc học viện, thậm chí HLV trưởng của lứa U9 hoặc U10 biết là đủ.

Đó là lứa tuổi mới chớm, lứa tuổi mà các HLV mới khám phá tiềm năng ẩn giấu trong mỗi đứa trẻ xem chúng có khả năng chơi bóng hay không mà thôi, chứ chưa dám nói chúng có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp hay không. Và chuyện đứa trẻ có tiềm năng ở tuổi đó có tiếp tục với học viện đầu tiên của chúng không cũng không phải vấn đề chỉ đơn thuần của việc sát hạch, đánh giá từ CLB mà còn từ nhiều lý do khác.

Một trong những lý do mà Wenger đưa ra là có thể bố mẹ của cầu thủ nhi đồng chuyển nhà, chuyển chỗ làm việc, và để thuận tiện đưa đón, họ cũng chuyển học viện cho con mình. Thế nên, chuyện Wenger bực mình có lẽ là một động thái mang tính ngoại giao, lịch sự trước khi đón một đại kình địch cùng thành phố mà thôi. Nhưng nói gì thì nói, nhìn thấy sản phẩm Harry Kane hôm nay, có thể ông vẫn hơi nuối tiếc.

2. Nhưng giả sử Harry Kane ở lại với học viện của Arsenal đến tận lúc anh được ông đưa lên đội 1, liệu anh có phải là một Harry Kane của ngày hôm nay hay không? Đó mới là một câu hỏi thú vị.

Cuộc sống vốn dĩ là những mắt xích móc nối nhau giữa nguyên nhân và kết quả. Một kết quả sẽ là nguyên nhân cho một kết quả kế tiếp cũng như nó xuất hiện cũng bởi vì có một nguyên do trước đó. Lựa chọn Arsenal là một kết quả của gia đình Harry Kane, sau đó rời khỏi Arsenal để sang Tottenham lại là một kết quả khác. Và hai kết quả đó có thể sẽ là hai nguyên nhân cho chuỗi kết quả rất khác về sau. Đơn giản, Arsenal và Tottenham là hai CLB có hai hệ thống đào tạo khác nhau, hai hệ thống tiêu chuẩn khác nhau, hai hệ thống sát hạch và đào thải khác nhau. Chỉ với chừng ấy cái khác nhau, sản phẩm đào tạo ra khác hẳn nhau là cái chắc.

Thực tế, kể từ khi Wenger đến Arsenal, học viện của đội bóng này ít cho ra mắt được những ngôi sao chất lượng thật sự. Vài cái tên điển hình như Fabregas, Clichy, Ashley Cole, Wilshere… (đấy là tính cả những lúa non mà Wenger gặt về từ học viện của các CLB khác) không đủ để khẳng định Arsenal là một lò đào tạo chất lượng hàng đầu nước Anh chứ chưa nói tới châu Âu. Trong khi đó, thành phẩm của Tottenham phong phú hơn nhiều, mà trong đó phải kể đến Sol Campbell, người sau đó đã đầu quân và trở thành trụ cột của Arsenal.

3. Một giống cây trồng tốt chỉ có thể cho trái ngon, năng suất cao nếu trồng trên chính mảnh đất quen thuộc của nó. Mang giống đặc trưng của một vùng miền để gieo trồng ở vùng miền khác, không bao giờ có thể cho một thành phẩm cùng chuẩn chất lượng, kể cả có can thiệp bằng khoa học, công nghệ đi nữa. Đơn giản, nó là quy luật phát triển của tự nhiên, do tự nhiên quyết định mà mỗi chúng ta đôi khi vẫn nói nó là cái duyên.

Việc Harry Kane trở thành ngôi sao hàng đầu ở Tottenham cũng là cái duyên. Còn nếu ở Arsenal, biết đâu chừng, anh sẽ chỉ là một cậu bé nhặt bóng chán nản, và rồi sẽ bỏ nghiệp bóng đá ở tuổi mười chín, đôi mươi và kiếm sống bằng nghề khác, mỗi tuần vẫn xách giày đi đá “phủi” cho đỡ nhớ.

Nhưng cũng có khả năng, nếu ở Arsenal, anh sẽ thành một siêu sao vĩ đại. Khả năng ấy là có, nhưng nếu có, anh cũng chẳng ở lại trận derby London giờ này, vì Arsene Wenger thường không có khả năng giữ chân các siêu sao như thế.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm