29/08/2014 15:21 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - “Này hỡi người em xứ Nip-pon/ Em có thường hay nhớ anh không/ Có biết người trai nơi nắng nóng/ Tuy cách mặt nhưng chẳng xa lòng” (Nhớ Phù Tang, nhạc sỹ Trường Văn).
Mối lương duyên giữa bóng đá Nhật Bản và bóng đá Việt Nam thành công đến đâu cần có thêm thời gian để kiểm nghiệm, nhưng với HLV trưởng Toshiya Miura, cuộc “thập tự chinh” đã bắt đầu ngay sau ngày ông gật đầu ký vào bản hợp đồng thời hạn 2 năm (có điều khoản gia hạn) với VFF.
1. Cách đây vài tháng, khi ông Toshiya Miura xuất hiện ở khách sạn Park Hyatt (TP.HCM) để đặt bút hợp đồng với VFF, rất nhiều người đã ngỡ ngàng với dáng vẻ thư sinh và “không có chút liên quan gì đến bóng đá” của ông thầy người Nhật Bản.
Thậm chí, biên tập viên của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) đã đặt thẳng vấn đề này với tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Đáp lại, HLV Miura tỏ ra rất tự tin: “Tôi là một trong số không nhiều người từng trải qua hơn 100 trận đấu ở J-League trong vai trò huấn luyện. Và đó là con số biết nói”.
Trong gần 20 năm của sự nghiệp huấn luyện (từ 1997), HLV Toshiya Miura, một người được ăn học bài bản và có niềm đam mê mãnh liệt với bóng đá, đã kinh qua một số đội bóng tại J-League 1 và J-League 2 ở xứ sở hoa anh đào, nhưng phần lớn đều chỉ làm ngắn hạn.
Bóng đá có đôi khi đơn giản chỉ là thành tích, nhưng từ Omiya Ardija, đến Consadole Sapporo, Vissel Kobe, rồi Ventforet Kofu, tỷ lệ chiến thắng của các đội bóng do HLV Miura dẫn dắt chưa bao giờ vượt quá cột mốc 33,33% (Omiya Ardija), thậm chí từng xuống cực thấp 18,8% (Sapporo).
Nếu cần thẩm định năng lực huấn luyện của Toshiya Miura thì đấy cũng là “những con số biết nói”. Tuy nhiên, đây không còn là thời điểm thích hợp nữa, bởi mọi chuyện cũng xong xuôi.
Ngoài ra, một HLV có thể không thành công ở đội bóng này, trong hoàn cảnh này, nhưng có thể tìm kiếm được hơi men chiến thắng tại một môi trường khác, ở khoảng thời gian khác. Vì thế biết đâu được đội tuyển Việt Nam lại là bệ phóng cho ông Miura?!
HLV Miura có 2 năm (hoặc hơn) để làm quen, để khẳng định, nhưng bất cứ lúc nào “tuổi thọ” trên cabin BHL đội tuyển Việt Nam cũng có thể ngắn hơn (như bao người tiền nhiệm khác), nếu HLV trưởng người Nhật Bản chưa từ bỏ được “thói quen” thua nhiều hơn thắng của chính mình.
2. Những ngày đầu ĐTQG và đội tuyển Olympic Việt Nam tập trung, dấu ấn lớn nhất của HLV người Nhật Bản áp vào các đội bóng Việt Nam là kỷ luật và sự nhiệt tình. Nhưng ngay cả điều này cũng chẳng lạ lẫm gì.
Tuy nhiên, sở dĩ HLV Toshiya Miura chưa có nhiều cơ hội ráp đội hình cũng như bày binh bố trận, hay đọc trận đấu và điều chỉnh chiến thuật là bởi chúng ta chưa có các trận đấu. Nên đây có thể xem là khoảng thời gian quan trọng cần thiết để HLV trưởng các ĐTQG chuẩn bị cho “cữ” chạy “rốt-đa” sắp tới.
Con người làm nên chiến thuật, nhưng chiến thuật sinh ra để phục vụ lại chính chúng ta. Về mặt nhân sự, ông Miura không được cung cấp nhiều các ngôi sao như các thời HLV tiền nhiệm, thậm chí chất lượng ĐTQG còn có thể tụt lùi, khi bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG đang ở giai đoạn “giao thời”.
Điều này tạo thách thức không nhỏ với một HLV mới toanh như ông Toshiya Miura. Vì thế, việc người ta lựa chọn Hong Kong (Trung Quốc) hay Myanmar trước đó làm đối tác cho các trận đấu thử nghiệm đầu tiên của HLV Miura hẳn đã được tính toán kỹ.
Dân trong nghề tính rằng, nếu tập luyện (hoặc đá giao hữu) với 120-150% khả năng tốt nhất và khi lâm trận (hay giải) chính thức mà chơi được 75-80% thì đã là thành công ngoài mong đợi. Việc chỉ đá tập với các đối thủ ngang cơ hoặc yếu hơn dễ sinh những phản ứng phụ là sự chểnh mảng trong tâm lý cầu thủ.
Mà cầu thủ Việt Nam thì xưa nay vốn cực yếu trong tâm lý chiến (còn gọi là yếu tố tinh thần), và nếu đội bóng chúng ta không phải dùng hết sức mà vẫn giành chiến thắng (khi đá tập với đối thủ yếu) thì điều đó thực sự rất tai hại.
Cựu HLV trưởng Henrique Calisto đã phải trải qua loạt 12 trận không nếm mùi chiến thắng liên tiếp để rồi đứng trên đỉnh vinh quang tại AFF Suzuki Cup 2008. Những người kế nhiệm như Falko Goetz, Phan Thanh Hùng hay Hoàng Văn Phúc (ở cả cấp độ ĐTQG lẫn U23) thì lại ở chiều ngược lại. HLV Miura phải được tạo điều kiện để tham khảo, bởi nó không thừa. Rất nhiều người đang đợi xem “đầu bếp” Miura sẽ chế tác món sushi bằng nguồn nguyên liệu Việt Nam thế nào.
“Mình chẳng gần nhưng chẳng chia ly/ Anh có thèm ăn món sushi/ Anh nhớ đừng ăn đâu đó nhé/ Ai khéo bằng cô bé xuân thì” (Nhớ Phù Tang).
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất