Trợ lý cho HLV Miura là vị trí 'nhạy cảm'

01/03/2015 11:28 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Với văn hóa phương Đông, nếp nghĩ và cách làm bóng đá ở Việt Nam hiện nay, trợ lý luôn thấu hiểu cầu thủ hơn HLV ngoại. Do đó, họ nắm giữ vai trò quan trọng, quyết định rất lớn đến thành bại của các đội tuyển và những chiếc ghế của HLV ngoại.

Phân định tiêu chí chọn trợ lý, làm sao phát huy được cống hiến của họ, tạo được sự cộng hưởng về chuyên môn với HLV ngoại vẫn luôn là thách thức. Thể thao & Văn hóa đã trao đổi với một số HLV nội, dù khá e dè nhưng đa số đều cho rằng làm trợ lý tốt không phải là chuyện đơn giản.

Ủng hộ tuyệt đối nhưng làm hài lòng ông Miura rất khó

Thất bại của đội tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2014 được nhiều nhà chuyên môn phân tích có một phần lỗi của các trợ lý. Vì thế ở đợt tập trung đội tuyển Olympic lần này, VFF rất chú trọng trong khâu tuyển chọn trợ lý cho HLV Toshya Miura.

Qua quá trình sàng lọc, cuối cùng cựu danh thủ Trần Công Minh và cựu trợ lý ĐTQG Lê Tiến Long là những người được chọn để giúp HLV Miura trong chiến dịch vòng loại Olympic U23 châu Á của đội Olympic Việt Nam. Do mới làm việc cùng nhau nên trong những buổi tập đầu tiên, các trợ lý được cho là chưa có sự phối hợp ăn ý với HLV Miura, khiến ông thầy này nhiều lúc phải nổi nóng. Câu chuyện về trợ lý của Miura một lần nữa gây sự chú ý với dư luận.

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, một trong hai trợ lý của HLV Miura ở đội tuyển Olympic Việt Nam tâm sự: “Được làm trợ lý ở cho đội tuyển Olympic cho HLV Miura là một niềm vinh dự vì ông ấy là một nhà cầm quân giỏi, có nhiều sự thú vị về nghề nhiệp lẫn cách sống, đáng để học hỏi.

 Miura là người mạnh mẽ trong công việc nhưng lại tình cảm ngoài cuộc sống nên chúng tôi rất quý ông ấy. Buổi tập đầu tiên của chúng tôi không thật sự trôi chảy do chưa thật sự hiểu ý nhau, ông ấy chỉ cho chúng tôi cần phải làm như thế nào cho đúng yêu cầu chứ không phải quát tháo. Qua một vài buổi tập, chúng tôi đã hiểu gần như mọi ý đồ của ông Miura nên mọi việc trở nên hanh thông, các cầu thủ cũng vậy. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để phụ giúp HLV Miura những công việc ông ấy cần, giúp đội tuyển Olympic Việt Nam ngày càng tiến bộ và thi đấu tốt ở giải đấu sắp tới”.

Trở thành trợ lý tốt không đơn giản

Bàn về chuyện trợ lý của HLV Miura, HLV Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng thừa nhận, làm trợ lý HLV, đặc biệt cho các ĐTQG thi đấu ở một giải đấu đâu có dễ dàng. Ngoài việc phải hiểu HLV trưởng cần gì trong công việc còn phải biết sở thích để ông ấy toàn tâm, toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ duy nhất là chỉ đạo chuyên môn.

HLV Huỳnh Đức nhớ lại thời làm trợ lý cho ông Calisto ở đội tuyển Việt Nam: “Khi đó  Calitso là một HLV cá tính và rất nóng tính, hễ có chuyện gì không hài lòng là ông thường khua chân, múa tay đụng cái gì cũng có thể sút. Tôi nhớ trong lần tập trung đội tuyển Việt Nam ở một khách sạn tại Hà Nội, người của VFF đặt phòng rải rác từng tầng khiến BHL khó quản lý cầu thủ, HLV Calisto đá vào cửa khách sạn và buông những lời bực tức. Hiểu ý Calisto, tôi nói hãy để tôi thu xếp chuyện này. Tôi lập tức xuống bàn lễ tân làm việc với quản lý khách sạn, yêu cầu đổi phòng, chuyển phòng của các tuyển thủ xuống tập trung trong một tầng, chung một hành lang. Phòng HLV trưởng và các trợ lý được bố trí ở đầu hai thang máy để dễ bề quản lý cầu thủ”.

Đó là chuyện ngoài lề, còn trên sân tập, Huỳnh Đức cho biết, nguyên tắc hàng đầu là trợ lý cần làm đúng những chỉ đạo của HLV trưởng, từ yêu cầu khởi động, sắp xếp chướng ngại vật, đến việc theo dõi quá trình tập luyện của các cầu thủ. Ngoài ra, Huỳnh Đức còn cho rằng, để làm hài lòng HLV trưởng thì phải biết chiều một số sở thích của ông. “Trong bữa ăn ông Calisto thường ăn ít nhưng phải có 2 lon bia, dùng bữa xong là ly cafe đen bỏ rất nhiều đường. Tan bữa, các trợ lý ngồi lại để cùng trò chuyện với ông ấy, cuộc trò chuyện thường kéo dài, buổi trưa đến 14h00, buổi tối đến 21h00.

Khi dẫn quân ra nước ngoài thi đấu chúng tôi thường phải chuẩn bị cho Calisto vài cây thuốc 3 số, qua bên đó, điều đầu tiên là phải tìm đến siêu thị mua bia về dự phòng cho ông ấy”.

HLV Phan Thanh Hùng cho biết: “Trợ lý là người giúp việc cho HLV trưởng vì thế điều đầu tiên là phải hiểu người mình đang trợ giúp. Thứ hai phải làm tốt các công việc được vị HLV trưởng đó giao phó, có thể có những việc mình giỏi hơn ông ấy nhưng mình không được phép vượt mặt. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không hiểu ý nhau rất khó để hoàn thành nhiệm vụ.


Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm