Bệnh lý nhãn viêm đồng cảm

10/07/2025 08:40 GMT+7 | Đời sống

Nhãn viêm đồng cảm (Sympathetic Ophthalmia - SO) là một dạng viêm màng bồ đào hai mắt nghiêm trọng, có tính chất u hạt, thường xảy ra sau khi một bên mắt bị chấn thương xuyên nhãn cầu hoặc phẫu thuật nội nhãn.

Bệnh lý nhãn viêm đồng cảm - Ảnh 1.

Dù chỉ một mắt bị tổn thương ban đầu, phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể có thể dẫn đến viêm ở cả hai mắt. Và nếu không được điều trị kịp thời, hậu quả có thể là mất thị lực vĩnh viễn.

Dịch tễ học

• Nhãn viêm đồng cảm được ghi nhận lần đầu tiên vào thế kỷ 19 và là một trong những lý do dẫn đến việc cắt bỏ sớm mắt tổn thương không còn khả năng bảo tồn thị lực, nhằm ngăn ngừa phản ứng miễn dịch lan sang mắt còn lại. Sự phát triển của thuốc ức chế miễn dịch và phương pháp điều trị corticosteroid hiện đại đã giúp cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh.

• SO là một bệnh hiếm gặp nhưng có hậu quả nghiêm trọng. Tỷ lệ mắc dao động từ 0,2 - 0,5% sau chấn thương xuyên nhãn cầu và khoảng 0,01 - 0,04% sau phẫu thuật nội nhãn.

• Biểu hiện trong các trường hợp do chấn thương là từ 2 tuần đến 3 tháng, sau chấn thương ban đầu khoảng 65%

• Nam giới và người trẻ tuổi thường có nguy cơ cao hơn.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Mắt là một cơ quan "miễn dịch đặc quyền" do hàng rào máu - mắt ngăn cách các kháng nguyên nội sinh (được "che giấu") khỏi hệ thống miễn dịch. Điều này giúp ngăn chặn các phản ứng miễn dịch không mong muốn nhằm bảo vệ cấu trúc và chức năng tinh vi của mắt.

Các yếu tố nguy cơ chính bao gồm:

• Chấn thương xuyên nhãn cầu, đặc biệt là vết thương mở không được xử lý sớm.

• Phẫu thuật nội nhãn như mổ lấy dịch kính, mổ lấy thủy tinh thể có biến chứng, phẫu thuật u hắc mạc...

• Đóng vết thương chậm (>24h), tổn thương hắc mạc và mống mắt là yếu tố làm tăng nguy cơ.

Triệu chứng lâm sàng

• Bệnh thường biểu hiện bằng viêm ở cả hai mắt - trong đó mắt không bị tổn thương ban đầu (mắt đồng cảm) có thể là nơi phát hiện triệu chứng đầu tiên:

• Giảm thị lực đột ngột hoặc từ từ

• Đỏ mắt, đau âm ỉ, cảm giác cộm

• Sợ ánh sáng, chảy nước mắt, mờ mắt

• Phù gai thị, xuất tiết dịch kính, viêm màng bồ đào toàn bộ (panuveitis)

• Có thể kèm theo các nốt Dalen - Fuchs (tổn thương u hạt nhỏ ở màng bồ đào sau)

Điều trị và can thiệp

1. Điều trị nội khoa

• Corticosteroid toàn thân liều cao: là nền tảng trong điều trị, có thể dùng đường uống, truyền tĩnh mạch hoặc tiêm tại chỗ.

• Thuốc ức chế miễn dịch: Methotrexate, Azathioprine, Cyclosporine… được chỉ định phối hợp trong các trường hợp viêm nặng hoặc tái phát.

2. Điều trị hỗ trợ

• Điều trị các biến chứng như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp nếu có.

• Một số trường hợp cần tiêm nội nhãn steroid hoặc Anti-VEGF nếu có phù hoàng điểm hoặc màng tân mạch dưới võng mạc.

3. Phẫu thuật

• Cắt bỏ mắt tổn thương (enucleation) có thể được xem xét trong 2 tuần đầu nếu mắt không còn khả năng hồi phục, nhằm phòng ngừa nhãn viêm đồng cảm.

Phòng ngừa và tiên lượng

• Xử lý vết thương mắt kịp thời và đúng kỹ thuật là bước đầu tiên quan trọng để phòng bệnh.

• Theo dõi mắt đối diện thường xuyên sau chấn thương hoặc phẫu thuật mắt - đặc biệt trong 2 tuần đầu tiên.

• Trong nhiều trường hợp, nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân vẫn có thể duy trì thị lực chức năng ở mắt lành. Tuy nhiên, tiên lượng phụ thuộc nhiều vào thời điểm chẩn đoán, đáp ứng điều trị và mức độ viêm ban đầu.

Tài liệu tham khảo

1. The Wills Eye Manual: Office and Emergency Room Diagnosis and Treatment of Eye Disease, 2017.

2. Kanski's Clinical Ophthalmology: A Systematic Approach 9th Edition, John Salmon MD FRCS FRCOphth, 2020.


Bác sĩ Nội trú Huỳnh Thị Xuân Thảo (Trưởng khoa Mắt Tổng hợp Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm