05/10/2017 06:14 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Khi không được đáp ứng những tiêu chuẩn cần thiết của một khán giả, điều tất yếu, các sân bóng ở V-League trong cảnh thưa vắng là lẽ dĩ nhiên. Chỉ khi nào, bóng đá đem đến cho 'Thượng đế' đúng danh xưng mỹ miều này, đó mới thật sự là môn thể thao Vua.
Chuyện ở sân Tam Kỳ
Ở trận đấu giữa Quảng Nam và B.Bình Dương, HLV Trần Bình Sự thắc mắc rằng: “Đáng lẽ thứ hạng của Quảng Nam thì khán giả phải đến chật sân để ủng hộ cho cuộc đua đến ngôi vô địch”.
Không phải ngẫu nhiên để HLV trưởng của B.Bình Dương lại thắc mắc cho đối thủ như vậy. Quảng Nam ở cái thế chỉ cần giành 3 điểm, sẽ nghiễm nhiên chiếm lấy ngôi đầu bảng của FLC Thanh Hóa. Đây là cột mốc mang tính lịch sử với các CĐV của đội chủ sân Tam Kỳ.
Thế nhưng, không phải là dòng người tất tả kéo đến sân mà các khán đài không được náo nhiệt. Kể cả khi thời gian thi đấu vẫn còn diễn ra, từng lớp người lũ lượt ra về. Tình yêu và sự cuồng nhiệt là khái niệm khó tồn tại ở đội bóng cạnh tranh cho ngôi vô địch và được xem là làn gió mới ở V-League.
Tuy nhiên, chuyện ở sân Tam Kỳ chỉ là lát cắt nhỏ cho những nghịch lý ở trên khán đài của V-League. Năm 2014, B.Bình Dương với dàn sao dễ dàng tiến đến ngôi vương. Họ chinh phục mọi đối thủ nhưng không thể chinh phục khán giả. Các khán đài trên sân Gò Đậu luôn ở thế cô quạnh. Mùa giải sau, “cuộc chiến” giữa các cổ động viên diễn ra khiến “cầu thủ thứ 12” bị chia thành 2 phe. Ở những vòng đấu cuối cùng, khi đội nhà chuẩn bị lên ngôi, B.Bình Dương kêu gọi các cổ động viên đồng lòng để cùng nhau ăn mừng chức vô địch với đội bóng.
Nghịch lý ở chỗ, cũng mùa giải đó, HAGL với dàn cầu thủ trẻ, dù có thành tích không tốt nhưng vẫn khiến các sân bóng ở V-League dậy sóng. Có vẻ như, khán giả ở Việt Nam khó tính?
'Thượng đế' sắm vai... khổ đế
Nhiều nghịch lý diễn ra trên các khán đài V-League trong những năm trở lại đây. Những con số thống kê về số lượng khán giả đến sân của VPF, dù chưa thật sự chính xác, nhưng phản ánh đúng thực trạng của bóng đá nước nhà.
Ở V-League 2014, số lượng khán giả đến sân được ước tính trung bình là 7.046 người/trận. Mùa giải sau đó, con số này nhích lên khá đáng kể với 7.400 người/trận. Điều này có được nhờ hiệu ứng từ lứa cầu thủ thuộc Học viện HAGL JMG khi họ được đôn lên đá V-League.
Tuy nhiên, sau đó, lượng khán giả giảm xuống đáng kể. V-League 2016, chỉ có trung bình 6.307 người/trận còn sau vòng 20 V-League 2017, số lượng khán giả đến sân sụt giảm khá lớn khi chỉ còn 5.737 người/trận.
Dưới lăng kính của người trong cuộc, HLV Trần Bình Sự chỉ ra rằng: “Có nhiều yếu tố liên quan khiến số lượng khán giả đến sân không đông. Đó là chất lượng của các trận đấu chưa cao, thiếu nhân tố mới của các đội bóng hay lối chơi của đội bóng chưa thật sự thuyết phục.
Không chỉ có đội bóng mà còn rất rất nhiều việc khác nữa. Nếu sân bóng mà chúng ta ngồi nóng nảy thì làm sao mà khán giả họ đến sân. Xem bóng đá mà sướng hơn xem tivi ở nhà thì họ chọn ra sân hơn chứ ngồi nắng, mưa vất vả như thế, ai mà xem”.
Cách đối xử với “Thượng đế” là sự khác biệt của bóng đá Việt Nam với các nền bóng đá khác trên thế giới, trong đó có Thái Lan. “Các CLB nước ngoài rất chăm chút đến khâu chăm lo cho các khán giả. Thái Lan là một điển hình. Họ đến sân bóng như cả ngày hội của gia đình. Người ta đưa cả gia đình đến để tận hưởng, vợ con thì gửi xuống chơi ở dưới còn chồng ngồi xem. Họ đến đó để ăn uống, vui chơi. Xem bóng đá đúng như ngày hội nên khán giả mới đến xem đông. Tất yếu, họ kêu gọi được rất nhiều tài trợ. Nếu tôi không nhầm thì lượng tài trợ của họ gấp đến gần 10 lần V-League”, ông Sự bày tỏ.
Nam Giao
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất