01/08/2021 11:11 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 ngày 1/8, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 198.501.621 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.232.290 ca tử vong.
Số người đã bình phục là 179.257.320, tuy nhiên hiện còn 89.994 ca trong tình trạng nguy kịch. Châu Á chiếm 1/3 số ca nhiễm (62.027.228 ca), là khu vực bị ảnh hưởng nhất thế giới. Tiếp đến là châu Âu với 51.498.430 ca nhiễm, Bắc Mỹ ghi nhận hơn 42,5 triệu ca trong khi con số này ở Nam Mỹ hiện là hơn 35,5 triệu ca.
Tuy nhiên, xét về số ca tử vong, châu Âu ghi nhận 1.133.255 ca, tương đương 1/3 số ca tử vong trên thế giới. Khu vực Nam Mỹ đứng thứ hai với 1.089.915 ca, của Bắc Mỹ là 940.338 ca và châu Á là 896.698 ca.
Xét theo quốc gia, Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới với số ca nhiễm và tử vong cao nhất, lần lượt là 35.743.293 ca và 629.314 ca. Theo số liệu chính thức được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 31/7, Mỹ đã ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới trong ngày 30/7, mức tăng trong 1 ngày cao nhất kể từ tháng 2/2021.
Trong 7 ngày qua, số ca mắc mới trung bình 1 ngày tại Mỹ là 72.493 ca, cao nhất từ giữa tháng 2 đến nay. CDC cho biết tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đã gia tăng đều đặn trong 3 tuần qua, đặc biệt là ở một số bang miền Nam - nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp vì có nhiều người do dự.
Hiện bình quân Mỹ tiêm khoảng 652.084 liều vaccine/tuần, tăng 26% so với 3 tuần trước. Tiến bộ này là nhờ Tổng thống Joe Biden hôm 29/7 đã thông báo một số biện pháp mới mà chính quyền Mỹ sẽ thực hiện để khuyến khích nhiều người tiêm vaccine ngừa COVID-19 và làm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Trong số những biện pháp được Nhà Trắng đưa ra có quy định yêu cầu đội ngũ nhân viên liên bang phải chứng minh đã tiêm vaccine, nếu không sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt.
Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (31.654.584 ca trong đó có 424.384 ca tử vong), nhưng Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (556.437 ca trong số hơn 19,9 triệu ca nhiễm). Trong 10 nước bị ảnh hưởng nhất còn có Nga, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Colombia và Tây Ban Nha, đều đã ghi nhận hơn 4,4 triệu ca nhiễm. Riêng tại Nga và Pháp, con số ngày đã vượt quá 6,1 triệu ca.
Tại châu Á, thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, đã bất ngờ trở thành thành phố thứ hai của Trung Quốc có số ca mắc COVID-19 tăng cao, sau Nam Kinh ở tỉnh miền Đông Giang Tô. Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, Trịnh Châu đã báo cáo ca nhiễm không triệu chứng đầu tiên vào ngày 30/7. Sau một ngày, con số này đã là 16 trường hợp, cộng thêm 11 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thành phố Trịnh Châu, ông Vương Tùng Giang cho biết hầu hết những người bị nhiễm bệnh đều ở Bệnh viện Nhân dân số 6 của thành phố, liên quan đến các nhân viên vệ sinh, nhân viên y tế và bệnh nhân nội trú. Điều này cho thấy những lỗ hổng tại bệnh viện.
Trịnh Châu hiện có một khu vực thuộc diện nguy cơ cao và 3 khu vực có nguy cơ trung bình. Thành phố này đã và đang tiến hành xét nghiệm axit nucleic cho toàn bộ người dân. Trên cả nước, Trung Quốc đã ghi nhận 53 ca nhiễm mới trong ngày 31/7, trong đó có 50 ca lây truyền trong nước.
Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất (hơn 3,4 triệu ca), tiếp đến là Philippines (hơn 1,5 triệu ca), Malaysia (hơn 1,1 triệu ca). Số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày ở Thái Lan lại đạt các mốc mới trong ngày 31/7 khi nước này ghi nhận thêm 18.912 ca nhiễm cùng 178 trường hợp không qua khỏi vì dịch bệnh này. Với số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày tiếp tục ở mức cao, Campuchia hiện ở giai đoạn 2 lây nhiễm cộng đồng và biến thể Delta lây lan nhanh hơn bất kỳ biến thể nào mà con người từng biết đến.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện tại là thời điểm then chốt để chống dịch COVID-19 tại Campuchia. Không biện pháp đơn lẻ nào có thể kiềm chế dịch bệnh lây lan, mà cần áp dụng kết hợp các biện pháp về y tế công và xã hội. Đại diện của WHO tại Campuchia, bà Lý Ái Lan, đánh giá cao quyết định của Chính phủ Campuchia về phong tỏa 8 tỉnh giáp biên giới Thái Lan và áp lệnh giới nghiêm tại các địa phương trên cả nước, coi đây là bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19.
Tại châu Mỹ, Argentina và Colombia đã ghi nhận hơn 4,7 triệu ca nhiễm, Mexico và Peru đã có hơn 2,1 triệu ca, trong khi Chile và Canada đã có hơn 1,4 triệu ca.
Tại châu Phi, nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Nam Phi với 2.447.454 ca nhiễm và hơn 72.000 ca tử vong. Tiếp đó là Maroc (623.528 ca nhiễm), Tunisia (589.565 ca), Ai Cập, Ethiopia, Libya và Kenya đều đã hơn 200.000 ca. Algeria đứng thứ 10 châu lục với 171.392 ca nhiễm và 4.254 ca tử vong. Nước này đang đối mặt với làn sóng gia tăng số ca mắc và tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng.
Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Algeria liên tục gia tăng, với trên 1.200 trường hợp được ghi nhận trong ngày 31/7. Tình trạng lộn xộn và tranh giành các bình oxy để cứu chữa cho người thân đã xảy ra ở nhiều bệnh viện. Trước tình hình này, nhằm để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh mỗi ngày, một mặt cơ quan chức năng Algeria các doanh nghiệp chuyên sản xuất oxy thúc đẩy sản xuất oxy y tế ở mức tối đa nhất, đồng thời tăng cường nhập khẩu các loại máy thở và bình oxy từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Bên cạnh đó, chính quyền Algeria cũng đề ra một số chiến dịch kêu gọi khẩn cấp dành cho tất cả các bên có liên quan, trong đó bao gồm các tổ chức từ thiện và doanh nhân, cũng như các nhân vật của công chúng và bác sĩ để quyên góp một số tiền lớn nhất để việc mua máy phát điện và máy tạo oxy.
Bích Liên - Tấn Đạt - Tiến Trung (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất