03/08/2014 07:00 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Luis Enrique đã chính thức ban hành “quân luật” ở Barcelona với những hình phạt thích đáng cho bất cứ cầu thủ nào vi phạm những quy định mà ông đề ra.
Đó có thể coi là một sự thay đổi mang tính cách mạng của Enrique bởi ở các HLV đời trước, tính thỏa hiệp với các ngôi sao luôn được đặt lên hàng đầu.
Từ Roma đến Celta Vigo
Khi Luis Enrique tới Roma vào mùa Hè năm 2011, ông đã táo bạo áp đặt "quân lệnh" ở đội bóng thủ đô Italy. Mục đích của Enrique là đưa đội bóng trở thành một tập thể kỉ luật, gắn kết và có ý thức. Nhưng đó là một sai lầm.
Roma là đội bóng của rất nhiều những cái tôi. Họ còn một tượng đài sừng sững Francessco Totti, còn một Danielle De Rossi đầy cá tính... Thật khó để đưa những cái tôi như thế vào khuôn khổ, nhất là khi họ đã quá quen với nếp cũ.
Không thể áp đặt được kỉ luật, Enrique thất bại. Tình trạng "trên bảo, dưới không nghe" xảy ra. Các trận đấu của Roma dưới triều đại của Enrique không thu về kết quả như mong muốn. Sau một mùa giải, với tỷ lệ chiến thắng chỉ đạt con số 42,11%, BLĐ Roma chia tay với Enrique. Cuộc hành trình ngắn ngủi trên đất Italy dù thất bại, nhưng lại là một trải nghiệm quan trọng, giúp Enrique bổ sung thêm cho vốn kinh nghiệm dẫn dắt còn non trẻ của mình.
Trở lại Liga, với tư cách là HLV của Celta Vigo trong mùa giải 2012-13, Enrique không bỏ tư duy thiết quân luật. Nhưng ở một đội bóng không có nhiều tên tuổi như thế, Enrique lại thành công. Celta Vigo trở thành một trong những đội bóng chơi kỉ luật nhất Liga. Đội bóng này không còn tư duy "họp nhóm" hay những cuộc nổi dậy ngầm trong nội bộ. Celta chơi bóng gắn kết và tạo ra được tính ổn định cao.
Cuối mùa, Celta đứng ở vị trí thứ 9, một thành tích hoàn hảo đối với đội bóng chỉ đặt mục tiêu trụ hạng thành công. Còn Enrique, như đã biết, với thành công có được với Celta, đã được Barca bổ nhiệm là người dẫn dắt đội bóng, thay cho Gerardo Martino.
Và "quân luật" ở Camp Nou.
Khi Gerardo Martino đến Barca, công việc đầu tiên của ông này là ở lại Tây Ban Nha để đón các trụ cột như Xavi, Iniesta, Valdes hay Busquets trở lại tập trung thay vì tới Ba Lan để bắt đầu công việc mới. Martino thừa hiểu vai trò và tầm ảnh hưởng của các ngôi sao này lớn thế nào. Do vậy, việc "lấy lòng", hay còn gọi là thỏa hiệp, sẽ giúp Martino tìm được tiếng nói chung để giải quyết các vấn đề nội bộ ở một đội bóng vốn nổi danh là khu biệt như Barca.
Trước Martino, cả Pep Guardiola lẫn Tito Vilanova cũng luôn áp dụng tư duy ấy. Họ không nhất thiết phải tạo ra một kỉ luật cứng nhắc mà luôn thể hiện sự mềm dẻo với mỗi vấn đề ở nội bộ. Các ngôi sao có thể thỏa sức làm những gì họ muốn, miễn ra không quá đáng so với quy định của đội bóng. Từ tư duy ấy, các ngôi sao của Barca luôn có được cảm giác thoải mái, đồng nghĩa với tính hiệu quả thu về trên sân bóng.
Enrique lại đi ngược với quy định ấy. Ngay trong mùa giải đầu tiên, Enrique đã không ngần ngại áp dụng tư duy "HLV là tất cả" vào đội chủ sân Camp Nou. Theo tờ Sport, Enrique đã ban hành "10 nguyên tắc" về kỉ luật. Enrique yêu cầu các học trò phải thực hiện một cách nghiêm túc. Với bất cứ ai vi phạm, sẽ bị phạt từ hình thức phạt tiền cho đến treo giò nội bộ. Enrique cũng nói rõ, quân luật được đưa ra sẽ áp dụng với mọi cầu thủ, không có bất cứ một ngoại lệ nào.
Là một người từng dẫn dắt Barca B, Enrique hiểu được vấn đề của CLB và những rủi ro có thể gặp phải khi ông đi ngược lại với nguyên tắc cũ. Nhưng mùa bóng thành công ở Celta Vigo với tư duy mới giúp Enrique tự tin vào sự thay đổi quan trọng cho Barca. Với những cá nhân có cái tôi cực lớn như Messi, Iniesta, Suarez, Neymar hay Busquets, nếu không có kỉ luật, sự ổn định của Barca hoàn toàn có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Trần Giáp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất