11/04/2014 07:31 GMT+7 | Âm nhạc
Tháng 4/1939, các con gái của cuộc cách mạng Mỹ (DAR), tổ chức sở hữu Constitutional Hall, điểm biểu diễn tốt nhất thành phố Philadenphia lúc bấy giờ, đã từ chối cho phép Anderson được trình diễn tại đây, chỉ bởi bà là một nghệ sĩ da đen. Công chúng bị xúc phạm và phản ứng dữ dội. Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt đã từ chức Chủ tịch DAR để phản đối cách người ta đối xử với Anderson.
Châm ngòi cho trào lưu nhân quyền ở Mỹ
Sau đó, với sự hỗ trợ của Tổng thống Franklin D. Roosevelt và bà Eleanor Roosevelt, Hiệp hội quốc gia về sự tiến bộ của người da màu (NAACP) đã tổ chức chương trình hòa nhạc ngoài trời cho Anderson, trước Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington, D.C.
Buổi hòa nhạc đã thành công ngoài sức mong đợi, nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của hơn 75.000 khán giả, thu hút được hàng triệu thính giả nghe đài và được giới phê bình ca ngợi. Nhiều người xem đây là một sự kiện tiền thân của trào lưu nhân quyền ở Mỹ trong những năm 1950 và 1960.
Vài tuần sau đó, Anderson có buổi biểu diễn tại tư dinh của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, trong buổi đón tiếp Vua nước Anh George VI và Hoàng hậu Elizabeth.
Nhạc sĩ Blanche Burton Lyles say mê giọng ca của Anderson từ khi còn nhỏ. Sau khi Anderson qua đời vào năm 1993, Lyles đã thiết lập một bảo tàng tôn vinh bà.
“Anderson rất lịch thiệp và khiêm tốn. Bà không quan tâm tới chính trị, nhưng ở Philadelphia, bà đã trở thành một nhân vật vĩ đại. Khi nghe những bản thu âm, bạn sẽ cảm nhận được sự hiểu biết sâu sắc của bà. Trong nhiều buổi hòa nhạc của Anderson, khán giả im lặng hoàn toàn vào những giây phút cuối. Đối với nhiều nghệ sĩ, sự im lặng đó thật đáng sợ. Tuy nhiên, đây là cách khán giả thể hiện sự tôn kính của họ trước tài năng của Anderson” - Lyles nói.
Anderson sinh năm 1897 ở Philadelphia. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà theo học tại Viện Hàn lâm Âm nhạc Philadelphia, một ngôi trường dành cho người da trắng. Anderson không được chấp nhận học tại ngôi trường này, chẳng phải bởi bà không có tài, mà chỉ vì màu da của mình.
Nói chuyện trên đài BBC hồi năm 1984, Anderson kể lại phản ứng của bà thời điểm đó. “Tôi vô cùng thất vọng. Một người phụ nữ trẻ dường như thấy rất đắc ý khi thông báo tôi không được nhập học. Lúc đó, tôi vẫn còn rất ngô nghê và nghĩ một người yêu âm nhạc thì không thể có thái độ như cô ta” - Anderson chia sẻ.
Sau đó, Anderson đã học nhạc theo dưới sự chỉ dẫn của Giuseppe Boghetti và Agnes Reifsnyder, với sự hỗ trợ tài chính của cộng đồng địa phương. Từ giữa những năm 1920, danh tiếng của bà bắt đầu lan tỏa. Giọng ca thuần khiết của Anderson được nhiều người ngưỡng mộ. Năm 1925, Anderson đã tạo được bước đột phá đầu tiên khi bà đoạt giải Nhất tại cuộc thi hát do Dàn nhạc giao hưởng New York tổ chức. Năm 1928, lần đầu tiên bà trình diễn tại Thính phòng Carnegie.
Tượng đài âm nhạc của người da màu
Tuy nhiên, để tạo dựng được một sự nghiệp hàng đầu, Anderson nhận thấy bà cần phải ra nước ngoài. Năm 1930, bà ra mắt khán giả London và nhận được nhiều lời ca ngợi với các màn diễn ở Salzburg (Áo) và Moskva (Nga).
Bà còn là giọng ca yêu thích của nhà soạn nhạc Phần Lan Jean Sibelius. Khi gặp Anderson, Sibelius, lúc đó ngoài 70 tuổi, đã viết bài hát Solitude tặng bà và còn hóm hỉnh nói: “Mái nhà của tôi quá thấp cho giọng hát của cô”. Kỷ niệm này đã để lại dấu ấn vô cùng sâu đậm trong lòng của Anderson và bà coi đó là động lực lớn để tin vào con đường đã chọn.
Năm 1955, Anderson đã trở thành nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi đầu tiên trình diễn tại Nhà hát Opera Metropolitan ở New York. Bà thủ vai vai thầy bói Ulrica trong vở Un ballo In Maschera của Verdi. Năm 1963, bà lại hát trước Đài tưởng niệm Lincoln, trong Cuộc diễu hành vì việc làm và tự do ở Washington. Bà cũng trình diễn tại lễ nhậm chức của Tổng thống Dwight D. Eisenhower (1957) và lễ nhậm chức của Tổng thống John F. Kennedy (1961).
Tháng 10/1964, Anderson bắt đầu thực hiện chuyến lưu diễn giã từ sự nghiệp huy hoàng nhưng cũng đầy chông gai của mình tại Constitution Hall. Chuyến lưu diễn này đưa bà tới nhiều thành phố lớn tại 4 lục địa và kết thúc vào ngày lễ Phục sinh, 18/4/1965 tại Thính phòng Carnegie.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Anderson đã trình diễn hơn 50 buổi tại Thính phòng Carnegie, giành được nhiều giải thưởng và sự tôn vinh. Năm 1963, bà được trao Huân chương Tự do. Năm 1986, bà được tôn vinh với Huy chương Nghệ thuật Quốc gia và năm 1991 được trao giải Grammy Thành tựu trọn đời.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất