07/02/2014 09:00 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Ngày 6 và 7/2/2014 (7 và 8 tháng Giêng năm Giáp Ngọ), tại huyện Vụ Bản (Nam Định) diễn ra hội chợ Viềng truyền thống.
Đã thành thông lệ, hàng năm cứ tới ngày mùng 7, mùng 8 tháng Giêng, du khách thập phương lại nô nức về với phiên chợ họp duy nhất một lần trong năm tại Nam Định - chợ Viềng. Nói là “chợ” nhưng thực ra du khách đi chợ Viềng với tâm thế của người đi hội để cầu may, lấy lộc đầu năm. Mỗi năm, chợ Viềng thu hút hàng ngàn lượt du khách từ khắp nơi trên cả nước đến tham quan, mua sắm, ai đã đi chợ đều không muốn về tay không, họ coi việc mua được một món đồ- dù nhỏ từ chợ Viềng là đã mang về may mắn cho mình và người thân.
Ở Nam Định có hai chợ Viềng: chợ Viềng Nam Giang (hay còn gọi là chợ Viềng Chùa) và chợ Viềng Phủ Dày (chợ Viềng Phủ), đều họp từ sáng ngày mồng 7 kéo dài đến hết ngày mồng 8 tháng Giêng đón khách thập phương tới du xuân, mua cây cảnh, nông cụ, thịt bò và thịt bê thui. Nét đặc trưng nhất của phiên chợ này và cũng là mặt hàng thu hút sự quan tâm của du khách thập phương nhiều nhất có lẽ là những món đồ cũ, đồ cổ.
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVNKhác với sự xô bồ của những phiên chợ thông thường, chợ Viềng còn mang ý nghĩa tâm linh vì người đi lễ chùa, lễ phủ. Chợ Viềng Nam Giang là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, chợ Viềng Phủ có quần thể di tích Phủ Dày thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh.
Chợ Viềng Nam Giang họp ngay gần chợ Chùa của thị trấn, gần với làng rèn Vân Chàng là nơi sản xuất đồ dùng bằng sắt và nông cụ vốn từ lâu đã nổi tiếng gần xa. Xuất phát là phiên chợ ở trên một miền quê chủ yếu làm nông nghiệp nên khi xưa mọi người đi chợ Viềng thường hay mua cây giống, nông cụ như lưỡi liềm, cái cuốc, con dao… phục vụ cho sản xuất.
Những năm gần đây, nhiều người không còn mặn mà với những món nông cụ mà chuyển hướng sang một thú chơi có phần “tao nhã” hơn: chơi đồ cổ. Mặc dù cũng là một mặt hàng truyền thống, đặc trưng ở chợ Viềng song dường như càng ngày đồ cổ càng “lấn át” sự xuất hiện của những mặt hàng khác. Khắp khu chợ với hàng nghìn gian hàng, chỉ lác đác chừng hơn chục hàng bày bán nông cụ bằng sắt và đồ tre nứa như đơm, đó, thúng, sàng… Trong khi đó, những quầy hàng đồ cổ lại thu hút được rất nhiều sự quan tâm của du khách.
Thời gian gần đây, đồ cổ thực sự ở chợ Viềng dường như “lép vế” trước những món đồ giả cổ được chế tác công phu. Khi bán, nhiều chủ hàng giới thiệu một cách lập lờ cho khách, nếu người mua không tinh ý và sành sỏi rất dễ bị mắc lừa. Nhấc chiếc điếu bát có men xanh ngọc ở một hàng bán đồ sứ mới lên ngắm nghía, chị Phùng Thị Hoa - một du khách từ Vĩnh Phúc chia sẻ: Vợ chồng tôi rất thích một chiếc bình đựng đầy tiền xu, vỏ bình đã vỡ gần hết, lộ dáng bình như được đúc từ những đồng tiền và bùn đất. Nghe người bán hàng quảng cáo đây là tiền từ thời nhà Mạc, được chôn dưới ao và mới vớt được cách đây không lâu. Chúng tôi hỏi giá thì được “hét” tới 16 triệu đồng. Thấy đắt quá nên tôi không dám trả, chuyển sang xem đồ mới cho yên tâm, vì nói là đồ cổ nhưng cũng đâu có ai giúp mình khẳng định được đó là đồ cổ thật.
Chính vì đồ giả cổ và đồ cổ lẫn lộn, người bán lại nói thách cao nên rất nhiều người phân vân không dám trả giá cho những món hàng ưng ý vì sợ phải mua với giá cao hơn giá trị thật nhiều lần. Song với những khách mua hiểu biết thì đôi lúc đi chợ Viềng lại may mắn kiếm được món hời. Đi chợ Viềng Phủ Dày, anh Trần Đăng Long ở Thái Bình vừa nhấc một chiếc đĩa gốm lên xem xét, vừa chia sẻ: Gốm cổ thường được nung bằng củi nên nhấc chiếc đĩa lên thường cảm giác được độ tơi xốp, lại khá nhẹ, trên bề mặt gốm thường bắt gặp những lỗ thoát khí nhỏ li ti. Còn gốm giả cổ thường được nung bằng lò điện hoặc lò than ở nhiệt độ cao nên mật độ chất dày đặc, bề mặt hiếm hoặc rất ít lỗ thoát khí. Chủ hàng nói giá của chiếc đĩa là 5 triệu đồng, sau khi ngã giá, anh Long đã mua được chiếc đĩa gốm chỉ nhỉnh hơn bàn tay với giá 2 triệu. Theo anh thì số tiền bỏ ra là khá ít so với giá trị thật của món đồ, với một người chuyên săn đồ cổ như anh, khi gặp khách có thể bán lại để thu lãi gấp đôi.
Điều thú vị là ở chợ Viềng không bao giờ thấy cảnh đốt vía, mỉa mai khách như tại các chợ thông thường khác. Cả người bán, người mua đều rất vui vẻ, dù món hàng được nói thách quá cao, hay dù khách mua có hỏi han, ngắm nghía, xem hàng tới cả tiếng đồng hồ, mặc cả chỉ bằng 1/10 giá thì người chủ vẫn rất nhiệt tình, xởi lởi. Thuận mua, vừa bán, mọi người đều coi đây là phiên chợ đầu xuân để mua may bán rủi, lấy lộc trong năm mới để mong mọi thứ được suôn sẻ, thuận lợi bình an. Có lẽ chính “văn hóa” đặc biệt đó đã làm nên sức quyến rũ rất riêng của phiên chợ Viềng mỗi năm một lần duy nhất này.
Hiền Hạnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất