Biến tấu World Cup: Những nam tước trên cây

13/06/2014 19:30 GMT+7 | Bảng D

(giaidauscholar.com) - Nếu đã từng đọc bộ ba tiểu thuyết Tổ tiên chúng ta (I Nostri Antenati) của văn hào Italy Italo Calvino, chắc hẳn, với bạn, cuốn Nam tước trên cây (Il Barone Rampante) có thể sẽ là một ám ảnh lớn nhất, mang lại ấn tượng mạnh mẽ nhất.

1. Dù chưa bao giờ đọc hết tất cả các pho sách trên thế gian này (và chẳng bao giờ bạn làm được điều đó) nhưng ta có thể cả gan khẳng định rằng, cuốn Nam Tước Trên Cây là một trong hiếm hoi những tiểu thuyết mô tả cái chết của nhân vật chính đẹp nhất, và thi vị nhất. Hình ảnh Nam tước Cosimo Piovasco di Rondo tung mình lên, từ ngọn cây, để nắm lấy chiếc dây neo của một khinh khí cầu đang bay ngang qua và hướng ra biển, ngõ hầu muốn trọn vẹn cuộc từ khước mặt đất từ tuổi 12 bằng một cái chết lơ lửng trên không, hoặc, chìm sâu dưới đáy đại dương rộng lớn. Đó thực sự là một bi tráng ca diễm lệ như trong ảo mộng, một bi tráng ca của đời người…

Và nhớ đến Nam Tước Trên Cây, với cái chết tung mình đu dây, tự nhiên, ta có thể nhẹ nhàng liên tưởng, một liên tưởng kỳ quái, về Tam Sư và Azzurri của ngày hôm nay, trong cuộc hành trình World Cup ở xứ Nam Mỹ…

Nếu chịu khó thống kê lại những gì truyền thông Anh quốc nói về Tam sư suốt thời gian qua, ta hẳn nhận ra có điều gì đó rất lạ so với mọi kỳ World Cup hay EURO trước đó. Không còn cái cách áp đặt áp lực một cách phi lý rằng Tam sư phải có nhiệm vụ vô địch World Cup nữa. Mà thay vào đó là cái nhìn nhẹ nhàng, thấu cảm. Dường như, cả nước Anh đã cùng một tiếng nói chung, một suy nghĩ chung khi nhận thấy rằng nhiệm vụ của Roy Hodgson thực sự là quá khó. Đội bóng của ông bao gồm những cá nhân gần như chưa từng chơi một kỳ World Cup nào ngoại trừ mấy cái tên như Gerrard, Rooney, Lampard. Họ đang được sống một không khí World Cup thoải mái nhất giống y như những học trò của Bobby Robson hồi 1990, thời mà Gascoigne đã để lại ấn tượng mạnh, và đẹp, như một nghệ sỹ đích thực.

2. Lạ kỳ thay, ở Italy cũng tồn tại một thấu cảm chung như thế. Không còn bất kỳ chỉ trích, mỉa mai nào cho đội tuyển của Prandelli. Dường như, ai cũng hiểu rằng với một đội hình chỉ có Buffon, Pirlo, De Rossi là có kinh nghiệm World Cup, những chàng trai thiên thanh không nên bị gánh trên vai quá nhiều áp lực.

Cả Anh lẫn Italy, đã đến World Cup với hành trang như thế. Họ không ảo tưởng như Nam tước trên cây về một từ khước tuyệt đối. Chàng Cosimo, muốn sống cả đời trên cây, giã từ mặt đất, vẫn phải nhờ những người dưới đất tiếp tế, trao đổi thứ trên cây chàng không thể tạo ra được như thuốc súng chẳng hạn. Và Ý cùng Anh cũng vậy, họ không thể bắt đầu một cuộc thay máu triệt để ở World Cup mà giã từ những lão làng như Gerrard, Pirlo…, những người hùng đang bị đó đây chê bai là ‘ông lão chống gậy’. Họ càng không thể chỉ sử dụng những ông già mà đóng cửa hoàn toàn với những người trẻ thảnh thơi tâm lý, mạnh mẽ về cả thể chất lẫn tinh thần. Thực tế đòi hỏi sự cân bằng giữa sức trẻ và kinh nghiệm, như thể chàng Cosimo ở trên cây nhưng chỉ từ khước mặt đất về thể lý đơn thuần chứ không phải là một cuộc tuyệt giao hoàn hảo.

3. Người Italy và người Anh không níu vào cọng dây neo của bất kỳ khinh khí cầu nào để bay ra biển. Họ đang đi trên mặt đất, ở Brazil. Và Cosimo của Italo Calvino, biết đâu chừng cũng không qua đời lơ lửng như thế mà đã băng qua Đại tây dương, để đặt chân xuống mặt đất ở phút cuối cùng???

Nhạc sĩ Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm