'Đội tuyển chỉ là một trong những sản phẩm lỗi của nền bóng đá'

18/10/2015 05:44 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Ông Lê Tiến Anh từng gắn bó nhiều năm với “môn thể thao vua” và với bóng đá Khánh Hòa nói riêng. Những chia sẻ của ông, dưới góc độ một doanh nhân về bóng đá, vẫn đáng suy ngẫm.

* Chúc mừng ông khi Tổng công ty Khánh Việt  vừa được Chính phủ đồng ý vận dụng xếp hạng Tổng công ty đặc biệt. Chúng ta lại nói chuyện bóng đá nhé.  Cảm xúc của ông khi xem trận thua Thái Lan 0-3 của ĐTVN?

- Tôi khẳng định, thể hình người Việt Nam, tình yêu người hâm mộ, nguồn lực  xã hội, nhất là tài chính, dành cho bóng đá VN không thua kém người Thái đến mức để đẳng cấp họ cách xa vậy? Đó là cảm xúc  có lẽ của hàng triệu khán giả Việt Nam, và là câu hỏi lớn cần làm rõ.

Đừng trách HLV hay cầu thủ, họ chỉ  là sản phẩm  bị lỗi trong sự vận hành của cả hệ thống nền bóng đá lỗi. Không HLV tài giỏi nào về Việt Nam lúc này thành công đâu. Nếu nói Miura bảo thủ thì cả hệ thống quản lý đang đứng ở đâu, bảo thủ mức độ nào? Ai tuyển HLV, bộ phận nào tuyển, ai giám sát? HLV cũng chỉ là người làm thuê thôi. Anh thuê họ thì phải biết sử dụng họ.

Dưới góc độ doanh nghiệp, tôi so sánh: HLV là ca trưởng, cầu thủ là công nhân. Nếu ca trưởng và công nhân để sản phẩm lỗi, thì bộ máy quản lý và bộ máy vận hành phải chịu trách nhiệm. Nói thẳng là VFF, sau đó là Tổng cục TDTT và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân về nền bóng đá cũng như thành tích các đội tuyển nói riêng.

Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh đưa ra lời khuyên, để phát triển nền bóng đá chỉ còn cách… thay hết lãnh đạo VFF và VPF, hoặc rà soát, tái cấu trúc lại nhân sự. Ông nghĩ sao?

- Vấn đề là tái cấu trúc nền bóng đá theo hướng nào? Nguyên tắc của tái cấu trúc là phải đưa ra được mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn?  Trước hết, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cùng Tổng cục TDTT, trên cơ sở tham mưu của VFF, phải đưa ra được mục tiêu, tầm nhìn, chiến lược phù hợp và định hướng VFF thực hiện. Ví dụ, thời điểm này nên ưu tiên xây dựng chân đế cho nền bóng đá, tức đào tạo trẻ, hay là chỉ ưu tiên thành tích, vô địch SEA Games và AFF. Tôi nghĩ mục tiêu của VFF những năm qua chỉ lo chinh phục thành tích, nên nền bóng đá không thể phát triển.

Sắp tới Tổng cục TDTT sẽ chủ trì tổ chức “Hội nghị Diên Hồng bóng đá”, ông có lạc quan về sự kiện này không?

- Không lạc quan lắm. Ngày xưa thành phần tham gia Hội nghị Diên Hồng là các bô lão có uy tín, có thực tài, có tâm, cùng chí hướng, và chủ trì là ông vua anh minh biết lắng nghe, biết đúng sai. Còn bóng đá ta thì khó lắm, rồi lại “đẽo cày giữa đường”. Nhưng mà dù sao có tổ chức cũng hơn không.

Ông Mai Liêm Trực từng có câu nói nổi tiếng: “trình độ VFF thấp hơn mặt bằng xã hội”, ông đánh giá thế nào?

- Tôi nghĩ vẫn còn nguyên giá trị. VFF không thể là nơi để những người về hưu làm, là CLB hưu trí, họ chỉ phù hợp tư vấn, họ không thể làm tốt bởi đã cạn năng lượng và sức đột phá.  Sứ mệnh của bóng đá Việt Nam giờ thuộc về cán bộ trẻ. Công tác đào tạo cán bộ trẻ lãnh đạo các vị trí chủ chốt của nền bóng đá đang rất có vấn đề.

Ông đánh giá thế nào khi Hội đồng HLV Quốc gia được coi là hữu danh vô thực?

- Hội đồng này cũng là sản phẩm lỗi của nền bóng đá lâu nay. Người dân chắc không biết thành viên gồm bao nhiêu người, ông nào là Chủ tịch. Lập lên cho có ban bệ, thích thì làm, không thì thôi, kiểu nghỉ để đi làm HLV CLB nhiều tiền hơn, hết hợp đồng lại xin quay về. Các thành viên trong Hội đồng này lẽ ra phải chuyên trách, phải cắp cặp mà đi học, nghiên cứu, phải tiếp cận tri thức quản lý, điều hành bóng đá, nâng cao trình độ huấn luyện hiện đại.

Dưới góc độ của doanh nghiệp lớn, ông có tiên liệu gì về tình yêu của doanh nghiệp với bóng đá nội?

- Khi một doanh nghiệp bỏ bóng đá, các bạn đừng nghĩ họ không yêu bóng đá, không khổ đau. Nhưng, với nguyên tắc của doanh nghiệp khi đầu tư vào bóng đá là phải được cái gì? Nói thẳng ra là ngoài  thỏa mãn đam mê, phải được thương hiệu. Đầu tư vào bóng đá mất nhiều quá, nên tôi dự đoán sẽ còn nhiều doanh nghiệp chia tay, tất nhiên  nền kinh tế khó khăn không phải là vấn đề cơ bản.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


Hữu Quý (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm