11/01/2013 11:17 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Dù tuyên bố sẽ “sẵn sàng giúp đỡ XMXT.SG” nhưng ai cũng ngầm hiểu, LĐBĐ TP.HCM (HFF) và có thể còn cấp cao khác không mấy coi trọng chuyện tồn tại của đội bóng đỉnh cao duy nhất còn lại trên địa bàn TP.HCM. Mục tiêu mà tổ chức này nhắm đến như lời Chủ tịch HFF Trần Anh Tú là “năm 2016, Sài Gòn sẽ có một đội bóng mang đậm bản sắc TP.HCM để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương”.
Bầu Thuỵ (trái) sau khi tuyên bố làm bóng đá tử tế thì đột ngột rút lui để nhường ghế cho em trai.
Ảnh: Quang Nhựt
1.Trong buổi họp ra mắt tân Chủ tịch XMXT.SG, ông Nguyễn Xuân Thủy đã rắn rỏi phát biểu XMXT.SG sẽ tồn tại bền vững bằng cách xây dựng nhiều tuyến trẻ. Ai cũng biết, đầu tư cho bóng đá phải có cơ sở vật chất, điều kiện “đầu tiên” để quyết định thành bại.
Nhưng giờ, vẫn chưa có động thái nào cho thấy sự vào cuộc từ CLB này. Các tuyến đào tạo trẻ không phải tự nhiên mà có. Một CLB làm bóng đá trẻ bài bản có thể có đến 6 tuyến, từ U11 đến U21.
Con số thầy trò ở các tuyến trẻ đó tương ứng cũng hơn 200 người. Cộng với đội một của CLB thì hàng năm số tiền để duy trì “miệng ăn” cho đội quân đó cũng khiến “núi lở”. Mấy doanh nghiệp nào đủ đam mê và nhiệt huyết để vứt tiền tỷ hàng năm để đào tạo trẻ trong nền bóng đá không thấy lợi nhuận như hiện tại?
Trở lại với tâm huyết của bầu Thủy, đề án thì cũng tương tự như lời nói thường trực trên môi, lúc nào cũng sẵn sàng. Còn thực tế là chuyện một trời một vực.
Nhiều người yêu bóng đá Sài thành hẳn còn nhớ những tuyên bố của lãnh đạo N.SG. Sau khi rầm rộ chiêu binh mãi mã, N.SG cho biết sẽ hợp tác với CLB Bayern Munich để đào tạo trẻ, nhưng khi còn chưa được phía thành phố duyệt cho mảnh đất nhiều chục ha để biến giấc mơ bóng đá lâu dài thành hiện thực thì cái tên N.SG giờ đã thành dĩ vãng. Tính tới thời điểm xóa sổ, N.SG tồn tại chưa nổi 3 năm.
Ngoài hành lang buổi họp tổng kết mùa giải 2012, ông bầu Nguyễn Đức Thụy đã phát biểu rằng, ông sẽ làm bóng đá tử tế, quan tâm đào tạo trẻ nhiều hơn. Nhưng cũng vài tháng sau, chẳng cần đợi hết năm 2012, ông Thụy chính thức thoái lui khỏi mọi hoạt động liên quan đến bóng đá để nhường chỗ cho người em trai Nguyễn Xuân Thủy.
Một CĐV Sài Gòn đúc kết: “Một người đầu tư bóng đá nhưng không có một miếng đất cắm dùi ở địa phương đó, thì đòi hỏi gì chuyện trách nhiệm cho nền bóng đá xứ sở nọ”?
2. Nếu sang năm, XMXT.SG lại rút lui thì chắc chắn, sẽ mất ít nhất 2 năm để TP.HCM có một đội bóng mang bản sắc Sài thành như những người làm bóng đá địa phương này mong muốn. Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng, để hiện thực hóa ước nguyện lên hạng vào mùa giải 2016, HFF phải có một lộ trình bài bản. Và quan trọng nhất, phải huy động được các doanh nghiệp chấp nhận đổ không ít tiền đầu tư cho mục đích kia.
HLV Đoàn Minh Xương, giờ đang là HLV lớp năng khiếu U17 và U19 TP.HCM, chia sẻ phải kiên nhẫn, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp mới mong đi đến thành công. Nhưng giờ, nhìn các tuyến năng khiếu của TP.HCM mà thấy cám cảnh.
Nhiều buổi tập, do không có sân tập, các em phải tận dụng cả đường pitch sau khung thành sân Thống Nhất để tập luyện. Do sân Thống Nhất bận cho rất nhiều đối tác thuê và rất đắt sô. Để ý rằng, trong nhiều năm qua, bóng đá TP.HCM xuống cấp trầm trọng tỷ lệ thuận với sự đầu tư cho cơ sở vật chất để phục vụ cho môn thể thao này.
Một tên tuổi lớn của bóng đá Sài Gòn giờ đang hành nghiệp “gõ đầu trẻ” cho “lò” PVF từng chia sẻ rất thật lòng rằng: “Nhìn tụi nhỏ mang tiếng năng khiếu TP.HCM nhưng hàng ngày không có sân tập, cứ xách giày ra đường piste tập cho có lệ rồi về. Thầy cũng thiếu, trò cũng nản như thế thì đào đâu ra tài năng cho bóng đá TP.HCM”.
Từ “dự án” của XMXT.SG đến bóng đá TP.HCM dường như hẹn nhau ở điểm quy hoạch …treo.
Việt Hòa
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất