Bóng đá Việt Nam trước mùa giải 2024/25: Giống mà vẫn khác?

19/08/2024 12:47 GMT+7 | Bóng đá Việt

Câu chuyện ở đội Thanh Niên TP.HCM với quá trình chiêu mộ hàng loạt tên tuổi lớn của bóng đá Việt Nam đến với tham vọng thăng hạng ngay lập tức cho thấy 2 khía cạnh, cả Tốt lẫn… chưa Tốt.

Có nhiều điều tốt trong sự việc này. Thứ nhất, là ở TP.HCM vẫn đang có thể làm bóng đá chuyên nghiệp được, bất chấp những băn khoăn về các khoản đầu tư ở đô thị này thường cao hơn rất nhiều so với những địa phương khác.

Điều tốt kế tiếp, là ham muốn sở hữu một đội bóng chơi ở V-League. Hiểu theo một nghĩa nào đó, thì việc có CLB đá ở V-League rõ ràng đem lại những lợi ích khiến người ta không thể bỏ lỡ, dù có một thực tế đó là suốt 20 năm qua, chưa lúc nào bóng đá TP.HCM duy trì nổi 2 CLB đá V-League một cách ổn định.

Một điều tốt khác, có lợi cho cái chung, đó là tăng được sự cạnh tranh cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Đây không còn là thời điểm mà chúng ta nên nói về tính truyền thống, hay chuyện các địa phương nên hay không nên có một CLB chuyên nghiệp, mà là việc ai có khả năng và tham vọng thì cứ "lao" vào bóng đá. Mạnh được, yếu thua. Làm được thì làm, không đủ sức thì cứ làng nhàng đá hạng Nhì, hạng Ba, chứ cứ cố gắng có đội cho "bằng chị, bằng em" thì sẽ giống Khánh Hòa 10 năm có 3 đội khác nhau mà chẳng đi đến đâu.

Có thể chẳng ai biết Thanh niên TP.HCM là đội bóng đến từ đầu, cụ thể tham vọng bằng nguồn lực nào, vấn đề quan trọng là họ sẽ làm gì trong tương lai. Nghĩa là làm sao để thăng hạng, lên xong rồi làm gì tiếp theo, có tác động được đến phong trào chung của đời sống của làng cầu Sài Gòn hay không? Bởi thực tế đã cho thấy, trong 2 mùa giải liên tiếp, các nhà vô địch V-League là CAHN và Nam Định đều có chung một cách làm. Chí ít, họ đã thành công và tác động tích cực không hề nhỏ.

Nói như vậy cũng là để cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện được mô hình chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp. Những việc CAHN và Nam Định đã làm, hay Thanh Niên TP.HCM đang triển khai không có gì sai, nhưng tại sao vẫn "lăn tăn", vẫn chưa thấy đó là quá trình đầu tư bền vững, thì có lẽ các nhà quản lý cần phải giải quyết.

Bóng đá Việt Nam trước mùa giải 2024/25: Thấy giống nhưng vẫn khác? - Ảnh 1.

Giải hạng Nhất mùa này sẽ được quan tâm hơn rất nhiều nếu có sự hiện diện của những tuyển thủ như Đặng Văn Lâm. Ảnh: Hoàng Linh

Chúng ta mang cảm giác cách đầu tư như vậy không ổn, nhưng cũng không thể chỉ ra một cách cụ thể là không ổn như thế nào. Nếu không làm như vậy, thì những người muốn đầu tư bóng đá sẽ phải làm ra sao, liệu có thành công không, hay phải mất bao lâu?

Thế nên, quay lại câu chuyện của CLB Thanh Niên TP.HCM, việc đầu tiên là nên vui trước đã. Các cầu thủ của chúng ta, những người như Đặng Văn Lâm chấp nhận xuống đá hạng Nhất đồng nghĩa là họ được đãi ngộ tốt, nhìn thấy được tham vọng của CLB, được chọn lựa nơi làm việc gần gũi với gia đình…

Đó là các yếu tố có lợi cho cầu thủ, thúc đẩy được đời sống chuyển nhượng, có thêm không gian cho các cầu thủ trẻ khi mà số lượng các CLB có thể tiếp nhận và sử dụng họ hiện được mở rộng xuống đến giải hạng Nhất. Một giải đấu cấp thấp mà có nhiều đội tiệm cận đến chuẩn V-League thì đó là điều tốt cho làng cầu Việt Nam.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Lăn tăn thì vẫn còn đó và cũng cần có tiến trình cụ thể để giải quyết. Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một đội bóng nào làm được những gì mà Hà Nội FC (Hà Nội T&T) từng làm, khi phát triển CLB hùng mạnh nhất lịch sử từ một đội hạng Ba và có bao gồm hệ thống nuôi dưỡng tài năng.

Không có gì bảo đảm những đội bóng sau khi đầu tư mạnh để thành công với chức vô địch V-League sẽ quay lại chăm sóc cho phần "gốc rễ" của mình. Làm sao để họ "phải" làm công việc ấy, đó mới là điều cốt lõi chứ không nên soi xét quá nhiều việc họ đã làm gì để thành công nhanh chóng.

Thế nên, nhìn cách của Thanh Niên TP.HCM đang tiến hành, chúng ta thấy giống giống một vài mô hình trước đó. Hy vọng, thấy giống nhưng …vẫn sẽ khác, ấy mới là thứ để quan tâm.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm