Hai lứa U19 và một lối chơi Việt Nam

29/10/2016 05:57 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Sau lứa U19 của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường..., đặt nền móng, giờ đến Đức Chinh, Quang Hải, Tiến Dụng..., tạo đà. Từ con người đến lối chơi, vẻ như những người trẻ này (chỉ cách nhau 2 tuổi) sẽ tạo dựng một hình hài mới mẻ cho ĐTQG mấy năm tới...

"Những đứa trẻ của bầu Đức" không và chưa từng mang trong đầu suy nghĩ về một lối chơi phòng ngự, dù là phòng ngự tích cực, phòng ngự để tấn công, tạo tính bất ngờ. Và thật, họ tấn công rất hay, với bao đường ban bật thêu hoa dệt gấm, bao siêu phẩm được tạo hình... Lứa của Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chơi cực kỳ cảm xúc, tất nhiên, đấy là khi họ sở hữu bóng. Ngược lại, họ thường lúng túng trong việc đoạt lại bóng và tổ chức phòng ngự, khi đối đầu với các đối thủ trên cơ.

Có chút khác biệt, mà theo Thể thao & Văn hóa, cũng do chất lượng cầu thủ và quan điểm làm chiến thuật không giống nhau giữa các HLV, ĐT U19 Việt Nam với triều đại Hoàng Anh Tuấn, chơi kỷ luật hơn, chắc chắn hơn và tiết kiệm hơn thậm chí từng đường bóng. Về chất, lứa này không bao giờ có thể so với U19 Việt Nam cách đây đôi năm, nhưng họ trội hơn về thành tích và cả tổng thể lối chơi, đấy là từ những tính toán cực kỳ hợp lý của HLV Hoàng Anh Tuấn, từ chiến thuật chuẩn bị, đến khi lâm trận, tác chiến... Ông Tuấn "con" làm chiến thuật rất dị, đối phương vì thế rất khó lường, chứ không mộc như ông "Giôm".


U19 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn chơi kỷ luật và mạnh mẽ hơn.Ảnh: AFC

Tại sao một đội bóng với đầy đủ các cầu thủ chất lượng hàng đầu, nhưng vẫn cần HLV?! Một HLV giỏi có thể tăng thêm dăm phần công lực, nâng cấp tham vọng chinh phục cho đội bóng, nhưng một HLV tồi có thể khiến tập thể tưởng rất ngon cơm ấy vỡ vụn trong tích tắc. Cấp độ ĐTQG, ngay lúc này, có thể nói là chúng ta cũng đang có một HLV tốt, đủ chuẩn mực, Nguyễn Hữu Thắng, và cả những cầu thủ tài năng già - trẻ kết hợp lại. Song tương lai còn có thể sáng hơn, với các lứa trẻ kế cận, được thành hình bởi công thức mới.

Theo tính toán, ở độ tuổi 18-20, các cầu thủ đã kiện toàn mọi khả năng với quả bóng, thông thạo các ý đồ chiến thuật mà HLV truyền tải. Phần lớn các cầu thủ từng kinh qua ĐT U19 QG (hay U20 trước đây) đều tiếp tục sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Nếu có một môi trường phấn đấu tốt, đương nhiên họ đủ năng lực khoác áo ĐTQG khi vào độ chín, tất nhiên, với điều kiện họ phải tiếp tục nỗ lực khẳng định. Họ đã từng là những người trẻ giỏi nhất ở mỗi vị trí và đấy là điều kiện cần lý tưởng.

U19 Việt Nam thua U19 Nhật Bản 0-3 ở trận bán kết giải U19 châu Á 2016


Trở lại với lối chơi được định hình, xuyên suốt từ các tuyến trẻ mà gần nhất là U19, chắc chắn ĐTQG sẽ được thừa hưởng. Trước đây, khi V-League là nguồn hàng gần như duy nhất cho nhân sự ĐTQG, chúng ta từng phải chịu khủng hoảng về mặt con người và cả lối chơi, khi tại CLB, mỗi đội chơi một phách và phần lớn đều ưu tiên Tây ở những vị trí quan trọng. Và ngoài ra, ở các giai đoạn khác nhau, chúng ta thường khoán trắng vai trò HLV trưởng các ĐTQG cho các chuyên gia ngoại quốc, vốn không hợp thổ nhưỡng, không thạo thiên văn, không nắm bắt được lòng người, lòng quân...

Các cầu thủ trẻ U19 Việt Nam rồi sẽ trở lại CLB chủ quản và liệu họ có lãnh hội được những tinh hoa chơi bóng, nâng cấp và duy trì nó, hay không, cần thời gian kiểm chứng.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm