12/12/2019 12:56 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Chiến thắng chung kết SEA Games đêm qua không phải trận đấu hay nhất, hay giàu cảm xúc nhất của các đội tuyển Việt Nam trong quãng thời gian kỳ diệu dưới thời HLV Park Hang-seo, nhưng là trận đấu có nhiều lời giải đáp cho băn khoăn của chúng ta về năng lực và tầm vóc của các cầu thủ, như là băn khoăn về chính mình.
"Mày phải ở đây, chứng kiến cảnh này"
Một bài viết trên Saostar trước trận chung kết đêm qua đã tiết lộ sự thật đằng sau khoảnh khắc gây sốc nhất của trận thua cay đắng tại chung kết SEA Games 25 trước Malaysia 10 năm trước: HLV Henrique Calisto bóp cổ thủ môn Bùi Tấn Trường, không phải vì ông cay cú với tình huống anh để thủng lưới, mà lý do đơn giản như đoạn trích dưới đây:
“Ở thời gian đấy, mọi người đều nghĩ rằng thầy Calisto đang bóp cổ Trường. Nhưng mà thật sự, trong hoàn cảnh ấy, Trường đang bị ức nhưng không thể nào khóc được mặc dù rất muốn khóc. Trường đứng lên và đi vào phòng thay đồ. HLV Calisto mới lại gần, đè Trường xuống và nói rằng (bằng tiếng Anh): “Mày phải ở đây, phải chứng kiến cảnh này, thất bại này. Mày mới là người đàn ông”. Sau đó Trường khóc và thầy Calisto ở bên an ủi mình. Khoảnh khắc ấy thì không phóng viên nào chụp lại hết" (Nguồn: Saostar)
Phần lớn lịch sử bóng đá Việt Nam là những khoảnh khắc chua chát như thế. Chúng ta đã khóc với nhau nhiều hơn là cười. Thất vọng nhiều hơn là hy vọng. Thật không dễ dàng.
Nhìn thẳng vào thất bại là điều hết sức cay đắng: nó bao gồm nhận thức rằng chúng ta không đủ giỏi, không đủ tốt. Nó có thể khiến chúng ta mất niềm tin vào bản thân. Quá nhiều thất bại có thể khiến một con người nói chung và một vận động viên nói riêng tự nói với mình rằng những nỗ lực là hoàn toàn vô nghĩa.
Nhưng trong bi kịch cũng có khúc tráng lệ của riêng nó. Như ông Calisto nói, "mày phải nhìn thẳng vào thất bại này, vì mày là người đàn ông".
Đúng là chúng ta không nên bi kịch hóa các thất bại thể thao, nhưng tính phổ biến của nó là một công cụ để truyền đi cảm xúc và bài học hiệu quả cho đám đông, nhất là trong một ngày mà chiến thắng trộn lẫn với pháo hoa, những bài hát chúc mừng hào hùng và tinh thần tự hào dân tộc lên tiếng.
Trong những khúc cua lên xuống vô cùng trắc trở của bóng đá Việt Nam hàng thập kỷ qua, rất nhiều con người có thể đồng cảm: tinh thần của các cổ động viên có lẽ cũng dao động theo những "hội chứng tâm lý" đã hành hạ các cầu thủ Việt Nam trong nhiều thập kỷ, như là sợ Thái Lan, thói quen thua phút cuối, lỏng chân phút chót, rồi bán độ phút bù giờ. Rất nhiều thời điểm, 30 chưa phải là Tết để nhìn thấy kết cục tồi tệ với bóng đá Việt Nam.
Màn sương này ngày một dày đặc hơn với những thất bại liên tiếp một thập niên qua, mà đôi khi sự sa đọa của một số cầu thủ đã khiến bóng đá đánh mất tính kết nối và niềm tin với công chúng.
Ám ảnh lớn đến nỗi có lẽ ngay cả khi Lê Công Vinh đưa bóng vào lưới Thái Lan giúp Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 (bởi cú đánh đầu mà nhìn lại ai cũng thấy bất an vì nó rất... "hên xui"), thì rất nhiều người vẫn còn phải băn khoăn: chúng ta liệu có đủ giỏi? Đây là chiến quả may mắn hay là kết tinh của một quá trình? Hay là đã không đủ giỏi, chúng ta còn không đủ tính cách và phẩm chất trong một môn thể thao đồng đội có tính đối kháng mạnh mẽ? Thất bại ở chung kết SEA Games 25, diễn ra một năm sau chức vô địch AFF Cup 2008, thật tình cờ, giống như câu trả lời vậy.
Bóng đá trong một thời gian dài, ngoài việc bị dán nhãn một thú vui nông nổi của đám đông, cũng đã từng chứa những nỗi tự ti rất chung của chúng ta: từ tầm vóc thấp bé, tâm lý yếu, dễ bị khiêu khích; cho đến cách sử dụng bạo lực thô thiển, vì thiếu kiềm chế hơn là có mục đích; rồi sinh hoạt buông thả, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, và sự chính trực. Tóm lại là những đặc điểm điển hình của kẻ yếu.
Thế hệ tiên phong
Trận chung kết bóng đá nam SEA Games năm nay có nhiều điều có thể thuyết phục một CĐV đã từ bỏ việc theo dõi bóng đá Việt Nam suốt 2 năm qua trở lại với sân cỏ.
Đấy không phải trận đấu hay nhất, hay giàu cảm xúc nhất của các đội tuyển Việt Nam trong quãng thời gian kỳ diệu dưới thời HLV Park Hang-seo, nhưng là trận đấu có nhiều lời giải đáp cho băn khoăn của chúng ta về năng lực và tầm vóc của các cầu thủ, như là băn khoăn về chính mình.
Chúng ta đã thắng, với một sự áp đảo mạnh mẽ ở những đặc điểm đã từng là điểm yếu chết người: Việt Nam không hẳn là ông chủ thế trận, nhưng đã ghi 2 bàn từ các tình huống cố định, với sự vượt trội về chiều cao và sức mạnh.
Tính cả SEA Games 30, U22 Việt Nam đã ghi 7 bàn từ các pha bóng chết, một con số khủng khiếp. Bầu trời dường như là của các "oanh tạc cơ" cao trên 1,80 m của Việt Nam, là Tiến Linh (1,83), Huỳnh Tấn Sinh (1,82), Đoàn Văn Hậu (1,85), Nguyễn Thành Chung (1,80). Ngoài ra, Việt Nam còn không ít "cây sào" như Hồ Tấn Tài và Nguyễn Đức Chiến (cùng 1,80), Bùi Tiến Dũng (1,81) và Nguyễn Văn Toản (1,86). Chúng ta không thắng bằng lối chơi ban bật nhỏ như một ám thị về cách thắng của những người thấp bé, mà thật sự đã đè bẹp đối phương trong cuôc chiến cơ bắp. Quá khác thường.
Tất nhiên sự cải thiện về tầm vóc cũng đi kèm tiến bộ về kỹ chiến thuật, và đặc biệt là những phẩm chất trong thi đấu đối kháng, với Đoàn Văn Hậu là mẫu cầu thủ điển hình: Cao to, toàn diện, mạnh mẽ và rất tinh quái, dù mới 20 tuổi.
Các cầu thủ Việt Nam trước đây vốn thường là nạn nhân của các tình huống khiêu khích, hoặc là quá non nớt, hoặc là quá thô bạo, không kiểm soát nổi bản thân.
Văn Hậu thì ngược lại, có một chỗ đứng vững chắc ở "vùng xám" trên sân: anh ta có dùng tiểu xảo, nhưng không đến độ bạo lực. Có khả năng xử lý kỹ thuật và mềm mại, nhưng cũng là một cầu thủ đá rắn, có uy. Đấy không phải một cầu thủ mà ta có thể khẳng định là luôn xấu chơi, nhưng cũng không hề ngây thơ và dễ bắt nạt.
Và Hậu cũng chỉ là một trong số những cầu thủ của thế hệ không chỉ đã phát triển mạnh mẽ về thể chất, mà còn về tâm lý và các phẩm chất đặc biệt khác. Đỗ Hùng Dũng, cầu thủ có lẽ là hay bậc nhất của bóng đá Việt Nam trong một năm qua, là điển hình của mẫu tính cách tài năng thầm lặng, chăm chỉ và đầy hy sinh. Tiến Linh và Đức Chinh cũng đã đứng lên từ rất nhiều chỉ trích và chứng tỏ những tố chất tinh thần mạnh mẽ, để săn bàn trở lại và đưa Việt Nam đến chức vô địch. Thủ môn Văn Toản đã từ một tội đồ ở trận gặp Thái Lan thành người hùng ở trận chung kết.
Các cầu thủ Việt Nam đã chứng minh được một phẩm chất quý giá: chúng ta luôn luôn có thể tốt hơn, bất kể đã từng sai lầm như thế nào, thất bại ra sao. Thất bại là mẹ thành công có lẽ sẽ chỉ là một bài học sáo rỗng với bất cứ ai, cho đến khi chúng ta trải qua, hoặc được nhìn thấy điều đó xảy ra, trong một cảm xúc đặc biệt. Như là đêm qua.
Thật trùng hợp là những cầu thủ sinh ra từ màu áo vốn rất nhiều mặc cảm tự ti trước đây cũng đã lại lột xác dưới bàn tay một HLV mà khi ông đến đây không nhiều người hy vọng có phép màu gì cả.
Ông Park Hang-seo đã từng trợ lý của HLV Guus Hiddink khi Hàn Quốc giành hạng Tư thế giới năm 2002, nhưng có một sự nghiệp huấn luyện độc lập hết sức nghèo nàn: trước khi sang Việt Nam, CLB Changwon City do ông dẫn dắt đã rơi xuống vị trí thứ 7/8 ở giải... hạng Ba. Ông đến đây ở tuổi gần 60, khi bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng và có lẽ bản thân ông, với nhiều năm sống thăng trầm với nghề, cũng hiểu rõ khủng hoảng là như thế nào. Đây không phải nơi để mơ mộng.
Nhưng rồi mọi thứ diễn ra như phép màu và thậm chí còn khá phi lô-gích: ông Park Hang-seo và các cầu thủ Việt Nam giống như những người lĩnh ấn tiên phong chẳng hề liên quan đến những gì diễn ra xung quanh ở các bộ phận cấu thành bóng đá Việt Nam, vốn đang đánh mất niềm tin ở mọi thứ: V-League không có khán giả và đầy bạo lực, xã hội hóa bóng đá yếu kém, hoạt động điều hành nền bóng đá gây nhiều tranh cãi, với sự thao túng của các ông bầu.
Nhưng 2 năm rất nhiều chiến thắng với cột mốc đáng nhớ là chức vô địch SEA Games sau nhiều năm chờ đợi đêm qua cuối cùng cũng làm chúng ta hiểu thêm một chút về chính mình.
Con sư tử cúi chào rừng già
Trên Facebook đêm qua, tôi đọc được status của vợ cựu tuyển thủ quốc gia Vũ Duy Hoàng (bạn còn nhớ trung vệ có lối chơi kỹ thuật này không, anh từng chơi rất hay ở SEA Games 22?):
"SEA Games 22 - 2003
Cũng trong trận chung kết chờ đợi Việt Nam giành chiến thắng
Ngày ấy tôi 17 tuổi, không biết Duy Hoàng là ai..
Và anh ấy đã lỡ hẹn với huy chương vàng..
—————————————-
SEA Games 30 - 2019
Tôi đã là vợ của Duy Hoàng, và vẫn không rõ về lịch sử bóng đá của anh ấy..
Nhưng anh ấy chẳng bao giờ bận tâm
Và hôm nay, đội tuyển của chúng ta vô địch!
—————————————
Giấc mơ dang dở nay đã thành hiện thực
Hà Nội đang ấm lắm, vì trái tim của tất cả mọi người đang nóng ấm ngoài kia..
3 mẹ con vẫn đang ở nhà chờ anh ấy đi bão về..
Tự hào vì anh ấy là một phần máu thịt của bóng đá Việt Nam!"
Duy Hoàng chỉ là một trong nhiều người đã đứng trong màu áo đội tuyển, và cảm giác thua nhiều hơn thắng. Rất nhiều trong số đó còn trải qua ê chề, vì sai lầm cá nhân, hoặc sa ngã. Tôi không biết là bao nhiêu, nhưng trong nhiều năm khó khăn đã trải qua, hẳn không ít người đã cảm thấy thất vọng với bóng đá.
Nhưng trong một đêm chiến thắng khó quên, thì có lẽ bất kỳ một ai đã từng trải nghiệm là một phần cấu thành bóng đá Việt Nam, từ những người gần nhất là cầu thủ và những vị chức sắc thể thao, cho đến các khán giả đã khóc cười, hy vọng rồi thất vọng vào đội tuyển, đều cảm thấy một ý nghĩa nào đó, như status nói trên của người thân một cầu thủ mà dường như đa số công chúng đã quên tên anh.
Đêm qua cũng là dịp để ký ức chuyển động, và đánh giá lại hành trình. Một trong những lời cảm ơn lan truyền trên mạng nhiều nhất đêm qua là dành cho các ông bầu đã đầu tư cho bóng đá Việt Nam, những người mà trong nhiều năm cũng đã gây ra cơ số tranh cãi, vì phát ngôn và hành động.
Rốt cục thì tất cả đều đã được nhắc lại, như một sự ghi nhận rằng bóng đá Việt Nam dù phát triển còn chưa đủ, nhưng nó không hề đứng yên. Những điều trắc trở đã trải qua chỉ nhấn mạnh rằng hành trình của tất cả sẽ không hề bằng phẳng: nó sẽ luôn đa diện, tranh cãi, thậm chí đầy khiếm khuyết như thế. Nhưng sự thay đổi vẫn đang tiếp tục diễn ra, không phụ thuộc vào cảm xúc nhất thời của bất kỳ ai.
Đêm qua, khi ông Park cúi chào trước lá cờ Việt Nam ở một góc sân với phong cách của một con sử tử cúi chào rừng già, thì chúng ta hiểu rằng đấy không chỉ là một cử chỉ xã giao: nền bóng đá này, những khán giả này, cầu thủ này, với tất cả những tốt xấu, hổ thẹn và đau đớn, thất vọng và hy vọng của nó, không chỉ tốt lên nhờ một mình ông Park. Chính ông cũng đã ở đây và dường như cảm thấy mình đã tốt lên để trải qua một chương quan trọng bậc nhất trong 60 năm cuộc đời. Trong một khoảnh khắc mà hiếm khi chúng ta được thấy sự ăn khớp đến thế nhất là ở một môn thể thao có nhiều biến cố khó lường như bóng đá.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất