Nhạc sĩ Phú Quang: Chính tôi "xui" Bùi Công Duy về nước

13/08/2012 09:02 GMT+7 | Âm nhạc

“Rể như khách”, có phải? Hãy xem xem ông bố vợ Phú Quang có thể nói gì về anh con rể của mình…

* Thưa nhạc sĩ Phú Quang, ông còn nhớ cảm giác lần đầu tiên con gái mình tuyên bố, chàng rể quý của ông là Bùi Công Duy không?

- Nói chính xác, tôi gặp Duy từ trước, khi hai đứa mới chỉ là bạn và bắt đầu yêu nhau. Lúc ấy tôi đã quý Duy, vì nó là một nghệ sĩ tài năng. Trước Duy, Trinh Hương cũng đã có mối tình khác, nên khi Hương hỏi ý kiến tôi về Bùi Công Duy, tôi nói với con rằng: Tình yêu đòi hỏi ba điều. Điều đầu tiên, tất nhiên là yêu. Sau đó là sự cảm thông. Và điều thứ ba, quan trọng nhất, là con có tôn trọng người mình yêu hay không? Và Hương nói: Con yêu Duy. Sau này, khi hai đứa thành vợ thành chồng, tôi coi Duy như người bạn lớn. Hai bố con có thể chia sẻ với nhau nhiều, từ nghệ thuật cho đến những thú vui, từ âm nhạc cho đến bóng đá... Giống như bạn bè vậy!

Tôi vẫn luôn quan niệm con cái như những người bạn. Khi con còn nhỏ, nếu con đi chệch đường thì mình chỉ cho nó, chứ đừng có bế nó vào con đường mình muốn!

* Tố chất nào ở Bùi Công Duy theo ông là phẩm chất đáng giá nhất của một tài năng?

- Tài năng là trời cho. Người ta cứ hay nói rằng, thiên tài bao gồm 1% tài năng bẩm sinh, còn 99 % là do lao động. Nhưng nếu không có 1% trời cho kia, thì 99% cố gắng kia cũng là vô ích. Tôi đã từng chứng kiến một vĩ công tập luyện suốt 8 tiếng một ngày, nhưng cuối cùng người đó vẫn là vô danh. Nói về Duy, nếu gọi Duy là tài năng thì thực sự, đúng là cậu ta có năng khiếu và phẩm chất để trở thành tài năng. Nhưng hơn hết, Duy có tình yêu và nỗ lực khổ luyện là bởi cậu ta yêu nó. Tôi nhìn thấy rõ sự say nghề của Duy. Duy yêu âm nhạc đến cuồng tín!


* Có được Bùi Công Duy hôm nay, ông nghĩ là do đâu?

- Trước khi Duy trở thành người nhà, tôi cũng đã quan tâm đến những người tài như Bùi Công Duy. Và tôi đã sớm nhận ra rằng, Duy thành tài là công của ông Bùi Công Thành rất lớn. Lúc đó ông Thành làm giảng viên violin bên Nga, hàng ngày dậy sớm từ 5 giờ sáng dưới thời tiết âm hàng chục độ để làm nghề lái taxi, kiếm tiền nuôi con ăn học. Mãi sau này, Duy được giải nhất violin ở cuộc thi mang tên Tchaicovsky thì cậu ấy mới được phần thưởng hình như là 5 triệu đồng, và sau đó mới được cấp học bổng... (Nhưng tôi nghe nói bố con ông Thành cũng từ chối học bổng này). Tôi cảm phục người cha - ông thông gia của tôi đã nuôi dạy được một tài năng. Những gì Duy có được hôm nay, tôi nghĩ đó đều đến từ tất cả sự chắt chiu tần tảo của bố mẹ...

* Khi vợ chồng Duy quyết định trở về Việt Nam, ông thấy mừng hay tiếc?

- Hồi vợ chồng nó còn ở Nga, Duy có được giới thiệu và được nhận vào một dàn nhạc danh tiếng của Nga, dù trước đó họ chưa từng nhận một nhạc công nào không phải người Nga. Duy có điện thoại hỏi ý kiến tôi... Đúng, đó là một cơ hội cho Duy để có một môi trường nghệ thuật tốt, nhưng phải nhìn nhận thực tế. Nếu Duy đồng ý, Duy sẽ phải nhập quốc tịch Nga vì họ lưu diễn nước ngoài nhiều và cần một hộ chiếu thuận lợi cho việc xin visa. Nhưng điều khác, lương nhạc công ở Nga lúc đó không phải là cao, rất vừa phải. Hai vợ chồng mà sống bằng đồng lương là rất khó. Tôi nói với cả Duy và Hương, các con là những người may mắn được đi học, và thực sự là âm nhạc Việt Nam cần những người mang những điều đã được đào tạo tại nước ngoài trở về. Chính tôi là người đã “xui” Duy và Trinh Hương về nước…

* Nhưng trên thực tế, đâu phải lúc nào vòng tay ấy cũng rộng mở, mà bằng chứng là sự cố Duy từng gặp…

- Chuyện đó, tôi cho âu cũng là lẽ thường! Chính tôi, khi còn trẻ cũng đã từng nghĩ, nếu mình cố gắng giỏi hơn nữa thì sẽ bớt đi những kẻ ghét mình. Nhưng tôi đã nhầm, mình càng đạt được điều gì đó, càng thành công thì số người ghét mình càng tỉ lệ thuận theo. Biết là thế nhưng tôi vẫn khuyên Duy là hãy sống bằng sự yêu thương mà mọi người dành cho mình, và hãy tin rằng cuộc đời còn nhiều người tốt thì mới sống được...

* Trở về Việt Nam, Duy cũng biểu diễn nhiều hơn, dù có thể đó cũng không phải là những đêm nhạc cổ điển. Trong đó, có những đêm nhạc Phú Quang. Ông đánh giá thế nào về những sự hòa nhập ấy của Duy?

- Duy biểu diễn trong đêm nhạc của tôi, chơi tác phẩm của tôi khiến tôi vô cùng cảm động. Đó là lần duy nhất, Duy trình diễn tác phẩm "Chuyện kể về tình yêu" tôi viết cho dàn nhạc. Duy là một nhạc công tài năng và thông minh, khi chơi tôi không cần phải trao đổi gì nhiều mà Duy đã trình diễn hoàn toàn đúng ý đồ của tôi. Trong các đêm nhạc của Duy, Duy có khán giả của cậu ấy. Còn trong đêm nhạc của tôi, khán giả của tôi chủ yếu đến là để nghe mảng ca khúc. Nhưng điều bất ngờ nhất chính là khán giả của tôi phản hồi rằng họ rất cảm động khi xem Duy trình diễn, dù tôi biết chắc họ không nghe được nhạc không lời. Nhưng sắp tới, tôi sẽ không mời Duy chơi nhiều trong các đêm nhạc của tôi nữa. Tôi chờ mình viết xong tác phẩm mới cho Duy chơi với dàn nhạc lớn.

* Là bố vợ, ông nghĩ sao khi con gái chấp nhận “đứng sau” chồng mình?

- Tôi vẫn thấy Trinh Hương làm công việc giảng viên của nó một cách chu đáo. Nhưng trong việc trình diễn và trở thành nghệ sĩ, nếu nó rút lui, làm nền cho chồng thì tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường như mọi người phụ nữ khác thôi. Trong một gia đình, có hai nghệ sĩ mà không biết nhường nhịn nhau thì khó lắm!

Theo Đẹp


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm