18/08/2019 09:53 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Các đám mây bụi Sahara - hiện tượng thời tiết xuất hiện hàng năm tại vùng Caribe vào mùa Hè và vốn được xem là tác nhân khiến những cơn nóng nhiệt đới ngày càng trở nên khắc nghiệt, nay lại được các nhà khoa học cho rằng chúng là yếu tố chính giúp “làm dịu” các cơn bão lốc mạnh thường xuất hiện vào nửa đầu tháng 8 hàng năm ở khu vực này.
Thậm chí, một số nhà nghiên cứu khí tượng còn cho rằng sự hiện diện đáng chú ý của các đám mây bụi ở Đại Tây Dương còn ngăn cản sự hình thành của áp thấp nhiệt đới.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Tiến sĩ Vật lý Eugenio Mojena López (Êu-hê-ni-ô Mô-hê-na Lô-pết), cố vấn của Trung tâm Dự báo thuộc Viện Khí tượng thủy văn Cuba và là nhà nghiên cứu có kinh nghiệm về đề tài này giải thích, các đám mây bụi đã ngăn chặn đáng kể quá trình hình thành và mạnh lên của các cơn lốc xoáy nhiệt đới, bởi chúng tạo ra bầu không khí đối lập với sự hiện diện của không khí nóng và khô cùng độ ẩm tương đối rất nhỏ.
Ngoài ra, Tiến sĩ Mojena nhấn mạnh những đám mây bụi làm gia tăng sự khác biệt của tốc độ và hướng gió theo chiều dọc ở các tầng trên của bầu khí quyển, yếu tố ngăn cản bất kỳ hiện tượng nhiệt đới đang hình thành nào tích lũy năng lượng cần thiết để phát triển thành bão.
Theo nhà khoa học Cuba, trong suốt cả tháng 7 và 2 tuần đầu tiên của tháng 8 vừa qua, xuất hiện một lượng lớn bụi Sahara tại vùng Caribe ở khu vực giữa 10 và 20 độ vĩ Bắc và từ 20 đến 60 độ kinh Đông – khu vực có hoạt động lốc xoáy lớn nhất trong vùng Đại Tây Dương nhiệt đới (theo quan sát khí tượng thường xuyên thời gian gần đây).
Trong khi đó, cho đến thời điểm này trong năm, chỉ 2 cơn bão cận nhiệt đới hình thành vào tháng 5 (trước thời điểm chính thức của mùa mưa bão tại khu vực Caribe) và tháng 7 vừa qua với cường độ đều tương đối yếu.
Các đám mây bụi được hình thành từ các cơn bão cát và khối bụi của sa mạc Sahara tại Bắc Phi, có thể đạt độ cao từ 3 tới 7 km. Chúng di chuyển sang phía Tây, vượt qua Đại Tây Dương cho tới khi bao phủ biển Caribe, vùng Đông Nam Mỹ, Mexico và Trung Mỹ. Các đám mây này chứa đầy các hạt bụi mịn PM10 và PM2,5 bị coi là độc hại với con người.
Thông thường, các đám mây bụi Sahara này thường bắt đầu “ghé thăm” Caribe vào tháng 3, 4 mỗi năm nhưng trở nên mạnh mẽ vào tháng 6, 7 và một phần tháng 8, tạo ra các khối không khí khô, nóng, làm tăng nhiệt độ trung bình, giảm lượng mưa và gây ra nhiều sấm sét.
Lê Hiền (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất