(giaidauscholar.com) - Một sự kiện đặc biệt diễn ra vào giữa năm 2018 và thu hút sự chú ý của dư luận Hà Nội: cùng một thời điểm, nhiều ý tưởng hồi sinh dòng sông Tô Lịch đã được đưa ra - trong đó có cả những thực nghiệm ban đầu.
Ngày Chủ nhật nào đó, đang thong dong trên đường phố Hà Nội, bạn có thể bắt gặp một nhóm người với giá vẽ và cây cọ trên tay. Họ ngồi trên vỉa hè, trước một ngôi nhà cổ, một khu chung cư cũ, hay một góc phố nhỏ, đổ dồn tâm trí vào giá vẽ... Đó là những thành viên của Urban Sketchers HaNoi - Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội.
Dài gần 15 km, chảy qua 6 quận nội thành Hà Nội, sông Tô Lịch từ hàng chục năm nay vẫn là một dòng nước đen ngòm, đầy rác rưởi. Và quả thật, sẽ vô cùng đơn giản nếu “đậy nắp” để “cống hóa”, biến con sông hoặc một phần con sông ấy thành một dòng chảy ngầm, nhường chỗ cho con đường phía trên. Thế nhưng, cộng đồng và các cơ quan chức năng đã không chọn giải pháp ấy. Thay vào đó, hàng loạt ý tưởng, thậm chí là thử nghiệm, đã được đưa ra để làm sống lại một giấc mơ từ rất lâu của người Hà Nội: cải tạo sông Tô – dòng sông từng gắn với văn hóa, lịch sử của thành phố trong nhiều thế kỷ qua. Dù còn mong manh và gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả, nhưng những việc làm đó vẫn toát lên “tình yêu Hà Nội”. Bởi, một con sông chỉ có thể sống, nếu chúng ta thật sự nỗ lực cứu nó.
Biểu trưng của lịch sử
Nhìn sông Tô bây giờ, ít ai nghĩ, vào 10 thế kỷ trước, con sông ấy đã là một trong những trục giao thông chính của Thăng Long, khi cùng với sông Hồng và sông Kim Ngưu tạo thành mạng lưới đường thủy bao bọc vùng Kẻ Chợ sầm uất.
Thậm chí, theo lời nhà sử học Lê Văn Lan, giống như các cặp biểu trưng sông – núi điển hình ở những đô thị cổ, sông Tô và núi Nùng (Long Đỗ) đã từng là cặp sông – núi mang tính biểu trưng của thành Thăng Long cổ ở giai đoạn ban đầu, trước khi dần chuyển vai trò này cho sông Cái (sông Hồng) và núi Tản vào cuối thế kỷ XIV.
Bước ngoặt với sông Tô Lịch đến vào cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp lấp phần cửa sông (ở phố Cầu Gỗ hiện tại) và đoạn chảy qua khu vực Phố Phan Đình Phùng bây giờ để xây đô thị mới. Hơn một thế kỷ bị lấp mất nguồn tiếp nước tự nhiên, sông Tô Lịch cạn dần và chỉ còn tồn tại dưới dạng một con kênh, chảy từ khu vực Bưởi tới nút giao sông Nhuệ.
Như những người dân địa phương kể lại, vài chục năm trước, nước sông Tô Lịch vẫn còn tạm sạch. Thế nhưng, tốc độ đô thị hóa cùng lượng nhà cửa mọc hai bên bờ và những cửa cống xả thải thẳng xuống lòng sông đã dần biến dòng nước này trở thành một trong những nơi ô nhiễm nhất Hà Nội. Cụ thể, các thống kê cho thấy: mỗi ngày, sông Tô hứng khoảng 150.000 m3 nước thải không qua xử lý, được đổ từ gần 300 cửa cống.
Thực tế, từ cuối thập niên 1990, Hà Nội cũng đã tiến hành một số biện pháp cơ bản để bảo vệ dòng sông này. Trong đó, công tác quan trọng nhất là việc kè bờ cũng như mở rộng 2 tuyến đường ven sông với hệ thống cây xanh, ghế nghỉ, chiếu sáng. Thế nhưng, với hàng chục năm tồn tại trong tính chất của một “con sông chết”, dòng nước đen đặc và tù đọng ở đây vẫn là một hiện tồn mà lịch sử đã để lại cho thành phố.
Thậm chí, vì sự ô nhiễm nghiêm trọng ấy,vào giữa năm 2019, đã có đề xuất “cống hóa” sông Tô Lịch theo mô hình từng thực hiện ở một số đoạn sông khác trong thành phố: phủ lớp lát bê tông lên bề mặt bên trên để tạo đường giao thông, đồng thời biến sông thành những con mương ngầm.
Cảm hứng từ người Nhật
Đề xuất “cống hóa” ấy lập tức nhận về sự phản ứng khá gay gắt của nhiều chuyên gia, cũng như cộng đồng người dân trên thành phố. Một cách tự nhiên, với người Hà Nội, không ai muốn chứng kiến sự biến mất của con sông đã từng đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử tạo dựng thành phố của mình.
Và trong bối cảnh đó, khá dễ hiểu khi dư luận bỗng dồn sự chú ý về dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor, được triển khai từ giữa tháng 5 trên một đoạn sông dài 300 mét. Đây là dự án đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội, với nguồn vốn tài trợ từ Nhật Bản và do các chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện.
Theo thông tin từ phía thực hiện, dự án này gắn với việc đặt các máy sục khí nano và các tấm vật liệu thiên nhiên bioreactor dưới lòng sông. Với vai trò như một “nhà máy xử lý nước thải” dưới mặt nước, việc vận hành các thiết bị này sẽ giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước tăng mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sinh phát triển tốt, từ đó giúp phân hủy các chất bẩn và những vi sinh vật có hại, đồng thời dần giảm lượng bùn trong nước…
Hiếm khi, chúng ta thấy những người dân Hà Nội lại háo hức, từng ngày theo dõi dự án tại sông Tô Lịch như thế. Từng ngày, từng tuần, những tín hiệu về cuộc thử nghiệm được cập nhật. Rồi, không chỉ đến tận nơi theo dõi, nhiều người còn tỉ mỉ dùng chai nhựa múc nước, chờ lắng cặn để quan sát rõ hơn. Kể cả khi cuộc thử nghiệm phải kéo dài thêm một thời gian vì sự cố ngoài ý muốn, sự háo hức ấy vẫn không hề hạ nhiệt…
Đáng nói, dự án của các chuyên gia Nhật Bản chỉ là một phần trong số những ý tưởng và thử nghiệm để làm sạch sông Tô Lịch vào năm 2019 này. Đơn cử ý tưởng bổ cập nước từ sông Hồng và Hồ Tây cho sông Tô Lịch được Công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất cũng khiến dư luận quan tâm. Theo đó, nếu được triển khai, công ty sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000 m3 mỗi ngày đêm dẫn vào Hồ Tây. Sau đó, nguồn nước Hồ Tây sẽ được điều tiết bằng cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.
Giấc mơ “hồi sinh”
Tất nhiên, những thực nghiệm ấy không thể thay thế cho những báo cáo kĩ thuật, cũng như những khảo sát và đánh giá chi tiết sau này về tính khả thi của các phương pháp đang được thử nghiệm tại sông Tô.
“Chắc chắn, so với việc trùng tu, tôn tạo một di tích hay một kiến trúc cổ, việc hồi sinh một dòng sông sẽ phức tạp và có những đòi hỏi cao hơn nhiều” – GS.KTS Hoàng Đạo Kính, thành viên Hội đồng giám khảo, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, cho biết – “Nhưng, việc hồi sinh sông Tô Lịch là khao khát, và cũng là một nhu cầu khẩn thiết mà thực tế đang đặt ra với Hà Nội, nơi vẫn được coi là một thành phố của sông hồ. Bởi thế, tôi hyvọng chúng ta sẽ cùng kiên trì và nỗ lực theo đuổi ý tưởng này – để rồi từ sông Tô, những con sông Nhuệ, sông Đáy, sông Kim Ngưu cũng sẽ tới lúc được cải tạo và tìm lại sức sống của mình, như đã có”.
Từ sự hào hứng ấy, thêm những đề xuất khác – vốn từng xuất hiện trong quá khứ - cũng được nhắc lại bởi dư luận. Chẳng hạn, đó là việc đào mương và hồ điều hòa để trữ nước từ sông Nhuệ dẫn về sông Tô - hay kỳ công hơn, là dùng hẳn nguồn nước từ sông Đà và sông Tích để đưa về thành phố.
“Những gì diễn ra cho thấy, ý tưởng hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là mong muốn của các cơ quan chức năng. Đó còn là tâm nguyện của các doanh nghiệp, của bạn bè quốc tế, của cộng đồng những người dân Hà Nội, khi bất cứ ai cũng hi vọng một ngày nhìn thấy dòng sông đặc biệt này được làm sạch và in bóng xuống Hà Nội của chúng ta” – nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét – “Và dù có thử nghiệm thành công bước đầu, có thử nghiệm còn khá mong manh hoặc mới chỉ dừng ở ý tưởng, những đề xuất ấy vẫn đang được chúng ta tiếp nhận với tâm thế trân trọng, khích lệ và vun xới.”
Tất cả còn ở tương lai, nhưng chắc chắn, với người Hà Nội, giấc mơ về một con sông Tô Lịch với nguồn nước trong mát đã gần hơn trước rất nhiều.
ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI
1.Quyết tâm làm "hồi sinh" sông Tô Lịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng người dân Hà Nội.
2. Xây dựng đường đua xe công thức 1 và đăng cai tổ chức giải đua vào 4/2020.
Dự án đào tạo, nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội” với sự tham gia của KTS Steve Davies.
|
Lễ trao giải và triển lãm
Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 12 - 2019 sẽ diễn ra từ 14h ngày Thứ Ba, 27/8/2019 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Trong khuôn khổ Lễ trao giải sẽ có triển lãm các tác phẩm, tư liệu, hình ảnh... về các đề cử xuất sắc nhất của mùa giải năm nay.
PV Gas là nhà tài trợ vàng của Giải thưởng năm nay.
|
Sơn Tùng