05/09/2015 06:33 GMT+7 | Đức
(giaidauscholar.com) - Mùa Hè 2015 đã chứng kiến một màn dứt áo đồng loạt của các cầu thủ được yêu thích tại Bundesliga, mà điểm đến của họ đều là Premier League. Đã từng có thời điểm, giải vô địch quốc gia Đức được kỳ vọng sẽ vươn lên sánh ngang với các giải của Anh, nhưng giờ điều đó thật xa vời.
Năm 2011, UEFA chính thức tuyên bố rằng từ mùa giải 2012-13, nước Đức sẽ có 4 suất dự Champions League, sau khi Bundesliga vượt lên trên Serie A trong bảng điểm thành tích 5 mùa giải gần nhất. Nước Ý cay cú chịu mất một suất, đến nay vẫn chưa thể giành lại. Sự kiện này đã đánh dấu những bước nhảy vọt của Bundesliga, đặc biệt khi ngay mùa 2012-13 ấy, cả 4 CLB của họ đều vượt qua vòng bảng, trong đó Bayern Munich và Borussia Dortmund gặp nhau tại chung kết.
Kể từ đó tới nay, không chỉ Bayern, hầu hết các CLB Đức dự Champions League đều được nể trọng. Nền bóng đá lấy trẻ làm gốc của họ được người Anh coi là hình mẫu thành công, sau khi ĐT Đức đăng quang tại World Cup 2014.
Những màn tháo chạy
Nhưng lạ thay, chỉ một năm sau khi chiếc cúp vàng thế giới về tay nước Đức, một cuộc tháo chạy lại diễn ra. Trong suốt Hè 2015, liên tục những cái tên được đánh giá cao tại giải đấu này đã chuyển sang Anh thi đấu.
Có những thương vụ vô cùng ồn ào, ví dụ như Roberto Firmino từ Hoffenheim sang Liverpool, Bastian Schweinsteiger từ Bayern Munich sang Manchester United hay Kevin De Bruyne từ Wolfsburg sang Manchester City. Và còn đó những thương vụ ít được chú ý hơn, nhưng cũng đáng kể với các CLB phải nói lời chia tay cầu thủ: Baba Rahman từ Augsburg sang Chelsea, Shinji Okazaki từ Mainz 05 sang Leicester City. Gần nhất, Son Heung-Min đã từ bỏ suất đá Champions League trong màu áo Leverkusen để chuyển sang chơi cho Tottenham Hotspur, đội bóng rất ít khả năng giành vé dự Champions League.
Đó đều là những cái tên tối quan trọng ở CLB của họ. Những hảo thủ này đã kéo dài danh sách những cầu thủ bỏ nước Đức chuyển sang Anh trong những năm qua, như Edin Dzeko, Demba Ba, Marko Arnautovic, Emre Can… Đổi lại, Anh “nhả” cho Đức Javier Hernandez và một vài cái tên không đáng kể khác.
Nguy cơ trở thành… “Serie A mới”
Dĩ nhiên Đức vẫn có thể tự hào vì đã và đang sở hữu những cầu thủ trẻ chất lượng bậc nhất châu Âu. Đội tuyển quốc gia của họ dù đã nói lời chia tay những Per Mertesacker, Philipp Lahm nhưng vẫn cứ vào loại hàng đầu khu vực. Nhưng... như thế liệu có đủ?
Đức sẽ buộc phải xem xét việc đối mặt khả năng trở thành Hà Lan hoặc Pháp – những nguồn cung cầu thủ hàng đầu cho Anh. Ai dám nói rằng Eredivise ít cầu thủ chất lượng? Pháp thậm chí đang sở hữu một đội tuyển tầm cỡ ứng cử viên vô địch EURO 2016. Nhưng như thế vẫn thật vô nghĩa. Hè qua, Hà Lan và Pháp “cống hiến” hàng loạt tên tuổi cho nước Anh như… một thói quen. Đức chưa đến mức như vậy, nhưng họ buộc phải có sự tính toán.
Sau khi đã chiếm 1 suất dự Champions League từ Serie A, họ cũng sẽ phải xem xét khả năng trở thành một… Serie A mới. Đó là việc cả giải đấu dù có 4 đại diện nhưng cũng chỉ có thể trông chờ vào 1 hoặc đôi khi là 2 CLB.
Đức đang hưởng lợi từ việc có một hệ thống kinh tế - tài chính mạnh mẽ, qua đó giải đấu của họ cũng hưởng lợi. Có thể dễ dàng nhận ra điều đó qua những trang thiết bị hiện đại, công nghệ thể thao cũng như công nghệ truyền hình rất phát triển. Sức mua từ các cổ động viên cũng là một thế mạnh của các đội bóng Đức.
Nhưng thế rõ ràng vẫn là chưa đủ. Ví dụ, nói tới Premier League hoặc Real Madrid, Barcelona là nói tới nguồn lợi khổng lồ từ bản quyền truyền hình. Còn Đức xem ra vẫn “bán sóng” rất kém. Dễ hiểu hơn, câu chuyện như thế này: Mùa 2013-14, đội xếp thứ 20 tại Premier League là Cardiff City hưởng 62 triệu bảng tiền Bản quyền truyền hình, còn đội vô địch Bundesliga là Bayern Munich chỉ thu về… 54 triệu bảng. Mà ít tiền thì làm sao giữ chân cầu thủ giỏi?
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất