Thay thế 6.700 cây xanh tại Hà Nội: Đúng về mặt pháp lý, nhưng...

19/03/2015 07:51 GMT+7 | Hà Nội ngày nay

(giaidauscholar.com) - Sự việc Hà Nội quyết định thay thế 6.700 cây xanh trong thành phố trong năm 2015 đang gây những phản ứng trái chiều trong dư luận. Bởi, thay thế 6.700 cây đồng nghĩa với việc phải chặt hạ 6.700 cây (trong đó có nhiều cây cổ thụ) tại các tuyến phố nội đô vốn đang ngột ngạt vì “bê tông hóa”.   

Việc nên hay không thay thế những cây không đúng chủng loại (cây cấm trồng) và những cây cong, nghiêng, nguy hiểm, cản trở giao thông đô thị không còn là vấn đề phải bàn. Song tình trạng cây xanh Hà Nội có thực sự cấp bách tới mức phải thay thế cùng lúc hơn nửa vạn cây khắp Thành phố là điều nhiều nhà Hà Nội học, các chuyên gia kiến trúc trăn trở.   

“Chạy trời sao khỏi nắng?”

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2015 này, TP sẽ thay thế 4.500 cây xanh không đúng chủng loại (cây cấm trồng) trên 190 tuyến phố. 2.200 cây cong, nghiêng, nguy hiểm, cây cong xấu, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị cũng cần thay thế. Đặc biệt, những cây gắn bó với Hà Nội như: dâu da, vông, dướng, trứng cá, bông gòn… thuộc diện cây cấm trồng và sẽ bị thay thế.

Riêng trong quý I năm 2015, Sở Xây dựng và Công ty công viên cây xanh Hà Nội đã thực hiện chặt hạ và thay thế cây trên tuyến phố Huế- Hàng Bài và Nguyễn Chí Thanh. Cụ thể, phố Nguyễn Chí Thanh đã chặt 96 cây, trồng thay thế 92 cây; phố Hàng Bài chặt 12 cây, dịch chuyển 1 cây và trồng thay thế 13 cây sấu; phố Huế chặt hạ 117 cây, chuyển 11 cây và trồng thay thế 117 cây giáng hương thay thế.


Cây xà cừ với bộ rễ ngang là bài học về quy hoạch cây xanh đô thị với người quản lý. Ảnh: Doãn Tấn- TTXVN

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, Giải thưởng Lớn giải Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội 2013 của báo Thể thao&Văn hóa (TTXVN) cho hay: Những ngày này, tôi không còn chỉ đi bộ quanh bờ Hồ và phố cổ. Tôi đi khắp nội đô để tiễn biệt những hàng cây, những mảnh hồn Hà Nội đã gắn bó với thành phố cả trăm năm.

Là người ghi lại những biến động dù là nhỏ nhất trong đời sống Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng không khỏi băn khoăn về cuộc sống của người Hà Nội sẽ thay đổi ra sao nếu những cây cổ thụ bị chặt hạ trong khi những cây mới trồng chưa kịp lớn. “Mùa Hè này, người Hà Nội sẽ cảm nhận thấy ngay những bức bối của việc đốn hạ những hàng cây”- ông Quang Phùng nói- “Chúng ta quá quen nương tựa bóng mát của các cây đại thụ: từ tránh nắng lúc đèn đỏ, tới đi dạo, tập thể dục, bán hàng rong... Giờ thì chạy trời sao khỏi nắng? Đấy là chưa kể lượng cây xanh giảm đồng nghĩa với việc toàn thành phố sẽ nóng lên do bê tông hóa.”

Cây xanh Hà Nội đã thực sự “lão hóa” chưa?

Còn theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS trưởng TP. Hà Nội, Nghị định 64/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị giải đáp mọi thắc mắc của dư luận về tính pháp lý của việc thay thế cây xanh của Thành phố. Cụ thể, theo khoản 1, điều 14, điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị là: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình. Các cây bị chặt hạ trong thời gian gần đây đa số được viện dẫn theo điều này.

“Nhưng, việc thay thế này không phải là chuyện riêng của chính quyền mà còn cần có sự đồng thuận của cộng đồng. Bởi chính cộng đồng là người chăm sóc, bảo vệ những cây mới trồng”- nguyên KTS trưởng TP. Hà Nội chia sẻ.

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, chủ nhân hạng mục Tác phẩm, giải Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội 2012, việc thay thế cây xanh là cần thiết song chưa thực sự bức thiết đến độ thay ồ ạt như hiện nay. “Công bằng mà nói cũng không phải là lần đầu Hà Nội có những cuộc “thay máu” cây xanh.”- Ông Nguyễn Ngọc Tiến cho hay- “Cụ thể, trước năm 1954, người Pháp quy hoạch cây xanh Hà Nội khá kỹ. Đơn cử như: phố Lý Thường Kiệt trồng cây cơm nguội, phố Quán Thánh trồng hoa sữa, phố Lò Đúc trồng cây sao... Những năm 1970, do tuổi thọ cao, không đảm bảo an toàn, các cây cơm nguội ở phố Lý Thường Kiệt được thay bằng phượng; hàng hoa sữa già cỗi phố Quán Thánh cũng được thay bằng loại cây khác; duy chỉ có hàng cây sao ở Lò Đúc vẫn vững vàng nên được giữ lại.”

Cũng theo phân tích của nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, những người đang thực hiện dự án thay thế cây xanh Hà Nội cần trả lời ba câu hỏi tối quan trọng là: Mức độ lão hóa thực sự của cây đã đến độ phải chặt chưa? Có nhất thiết phải thay thế một số lượng lớn cây cổ thụ trong khoảng thời gian ngắn (mà các cây con kế cận chưa kịp lớn) vậy không? Và việc nghiên cứu các loại cây trồng thay thế đã đủ kỹ càng để đưa vào thực tế chưa?

Ông Tiến phân tích thêm: “Có một bài học khá đau xót là lúc người Pháp tạo hình dáng dấp thành phố mới, họ có trồng thử xà cừ. Nhưng khi phát hiện xà cừ rễ ăn ngang, không phải rễ cọc, chứa nhiều ẩn họa với đường phố, họ đã bỏ không trồng loại cây này từ trước năm 1954. Nhưng đến những năm 1970, chúng ta lại bắt đầu tập trung trồng xà cừ. Và nay, những cây xà cừ cổ thụ là một trong những loại cây phải chặt hạ, thay thế”.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm