Campuchia trước vận hội cất cánh điện ảnh nội địa

12/03/2017 06:57 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Sự kiện ra mắt của bộ phim về thời kỳ Khmer Đỏ First They Killed My Father (Đầu tiên chúng giết cha tôi) ngày 18/2/2017 do siêu sao Angelina Jolie đạo diễn đã thực sự được xem là một cú hích nhảy vọt của nền điện ảnh mới hồi sinh này.

Chúng ta hãy cùng cô Audrey Wilson - nhà báo tự do thường trú tại Campuchia - đánh giá tác động của điện ảnh xứ Chùa Vàng sau sự kiện này.  

Buổi ra mắt phim lịch sử

Gần 1.000 khán giả đã xuất hiện tại buổi chiếu ra mắt thế giới của First They Killed My Father dưới bóng hùng vĩ của ngôi đền Angkor, với sự góp mặt của Quốc Vương Sihamoni và toàn bộ Hoàng gia Campuchia. Đây là bộ phim Hollywood đầu tiên được quay hoàn toàn ở Campuchia, với toàn bộ diễn viên bản xứ và hoàn toàn nói tiếng Khmer. (Phim sẽ được Netflix phát hành trực tuyến trên toàn cầu vào tháng 9 tới đây).

Màn chiếu phim khổng lồ ngoài trời, là một cảnh tượng điện ảnh hiếm hoi ở một đất nước có dân số gần 16 triệu người, và hiện chỉ có sáu cụm rạp chiếu phim hiện đại. Quá trình sản xuất bộ phim First They Killed My Father phần lớn diễn ra tại các thị trấn nhỏ ở phía Bắc Siem Reap và thành phố Battambang trong vòng 5 tháng.

Đạo diễn Angelina Jolie và nhà đầu tư Netflix (nhà phát hành phim trực tuyến lớn nhất thế giới) đã chuyển thể cuốn hồi ký đầu tay cùng tên của nhà hoạt động nhân quyền Loung Ung, đưa câu chuyện về thời kỳ Khmer Đỏ tăm tối trở lại Campuchia, và để cho chính người Campuchia kể lại.

Phim có sự tham gia đông đảo của đội ngũ kỹ thuật viên, trợ lý sản xuất, và các nhà thiết kế trẻ - và dĩ nhiên tất cả các diễn viên từ chính đến phụ đều là người bản xứ, tổng cộng có ít nhất 2.000 người đã tham gia bộ phim First They Killed My Father.

Các thị trấn đã được biến đổi cho phù hợp với thời kỳ đó. Để biến Battambang trở thành một thị trấn chết trong sáu ngày quay phim, nhiều đường phố phải đóng cửa vào giữa Tết Nguyên đán, khiến các tiệm cắt tóc và tất cả cửa hiệu khác đã phàn nàn về việc kinh doanh bị mất doanh thu.

Một số khán giả hy vọng rằng, một xuất phẩm ở quy mô lớn được trình chiếu toàn cầu như First They Killed My Father, có thể đưa ngành công nghiệp điện ảnh nội địa lên bản đồ thế giới. "Chúng tôi không làm phim cho người dân Campuchia. Chúng tôi làm phim với người dân Campuchia" -Rithy Panh, đồng sản xuất của bộ phimnói. Panh, được coi là đạo diễn nổi tiếng nhất của đất nước Chùa Vàng. Năm 2014, ông đã từng đem lại đề cử Oscar đầu tiên cho Campuchia với bộ phim về Khmer Đỏ - The Missing Picture.

Panh nói rằng: First They Killed My Father đặt ra tiền lệ, có lẽ là đầu tư nước ngoài trong tương lai. "Điện ảnh thích sự ổn định. Nó sẽ đi đến nơi có sự ổn định" - Panh nói. "Đó là lý do tại sao khi bạn làm được một bộ phim như thế này, với một tên tuổi như Angelina Jolie... thì những người khác cũng có thể đầu tư vào Campuchia".

Xây lại từ đống tro tàn

Điện ảnh Campuchia có một lịch sử lừng danh. Giữa những năm 1960 và 1975, ngành điện ảnh địa phương phát triển mạnh. Hơn 350 bộ phim đã được sản xuất, sản sinh ra những huyền thoại điện ảnh Khmer truyền thống, thậm chí còn thu hút đám đông ở nước ngoài. Riêng thủ đô Phnom Penh có ít nhất 33 rạp chiếu phim. (Hiện một rạp vẫn còn tên là Cinema Luxe, có xuất hiện ở cảnh quay đầu tiên trong bộ phim của Jolie, cảnh Khmer Đỏ tràn ngập đường phố thủ đô vào ngày 17/4/1975).

Chế độ Khmer Đỏ đã tàn phá điện ảnh. Diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất bị giết sạch. Nhưng trong những thập kỷ qua, các nhà làm phim hào hứng đã mở ra sự hồi sinh của nó, thường là những bộ phim có ngân sách nhỏ. Những phim ngắn đã nhận được giải thưởng hàng đầu tại các lễ trao giải trong khu vực. Tuần này (từ 4 đến 9/3), Liên hoan phim Quốc tế Campuchia lần thứ VII - với sự bảo trợ của Jolie - sẽ có hai phim được chọn vào LHP Cannes tháng 5 tới, phim Exile của Panh, và Diamond Island của đạo diễn trẻ tuổi người Pháp gốc Campuchia - Davy Chou.

Phát biểu tại Phnom Penh vào cuối năm ngoái, Huân tước (Lord) David Puttnam - nhà sản xuất người Anh đã từng thực hiện bộ phim nói tiếng Anh duy nhất về chế độ Khmer Đỏ - The Killing Fields (Những cánh đồng chết), quay ở Thái Lan năm 1984-đã chỉ ra rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội để nước ngoài đầu tư vào phim ảnh ở Campuchia. Ông nói: “Các bạn có thể xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh sau khoản trợ cấp khổng lồ từ nước ngoài”.

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm