Ngư dân kể chuyện những lần đối mặt với tàu Trung Quốc

30/05/2014 09:21 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Nhắc đến cái tên ông Thu - Đà Nẵng, có lẽ ngư dân đánh bắt xa bờ khắp miền Trung đều nhớ đến người đàn ông có giọng nói đậm chất Huế,  chuyên cung cấp dịch vụ hậu cần, thu mua cá cho các tàu đánh bắt ở Hoàng Sa và luôn giúp đỡ họ trong lúc khó khăn.

Suốt 45 năm ngoài khơi, vui buồn cùng anh em ngư dân, đến giờ, trong ông vẫn vẹn nguyên ký ức về những sóng gió khi đối mặt với tàu Trung Quốc.

45 năm thẳng tiến Hoàng Sa

Ông tên thật là Trần Toàn sinh năm 1959 (trú tổ 42 phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Nhà ông đã 5 đời đi biển. Từ một cậu bé mới 10 tuổi đầu, nhỏ xíu chưa biết gì cả, ông đã theo cha ra biển. Ấy thế mà đến nay, ông đã 55 tuổi, hơn nửa đời người gắn bó với biển. Ông nói: “Cái nghề ni đã làm rồi thì khó bỏ lắm. Mê biển, lên bờ chịu không được. Nhà có 5 đứa con mà cả 2 thằng con trai đều nằng nặc theo cha từ khi lên 10. Hắn giống y chang mình hồi nhỏ. Đến nay, cũng 25 năm đi biển rồi chứ ít chi…”.

Tàu nhà ông Toàn là 2 trong 4 tàu thuộc tổ dịch vụ hậu cần nghề cá Đà Nẵng, gồm 6 lao động. Bốn tàu này cung cấp dịch vụ hậu cần như thuốc men, gạo, nước, dầu,… cho hàng trăm tàu cá khác ở khắp nơi trên cả nước đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.

Ông Toàn kể: “45 năm thẳng tiến ra Hoàng Sa, ngư dân như anh em một nhà. Có chuyện gì khó khăn đều giúp đỡ nhau. Có khi mình ở trong bờ, họ đã liên hệ mình nhờ mang thứ này thứ khác ra”.

6 tháng biển lặng, tháng nào ông Toàn cũng ra Hoàng Sa 6 chuyến. Mỗi chuyến đi như vậy, tàu ông cung cấp hàng trăm tấn nhiên liệu cho ngư dân và thu mua 120 tấn cá. Ông bảo “Đi biển thì vô chừng lắm, có khi đánh bắt được 40 tấn, khi được 10 tấn thôi. Nhưng ngư trường truyền thống Hoàng Sa có nguồn cá lớn đấy. Chỗ đặt giàn khoan của Trung Quốc là trọng điểm, toàn cá ngừ và mực nên ngư dân mình thường đánh bắt gần đó”.

Tháng 5/2014, gia đình ông Toàn hạ thủy tàu hậu cần và đánh bắt số hiệu Dna 90611 với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng. Tàu chở tối đa tổng cộng 70 tấn gồm dầu, đá, nhu yếu phẩm, thu mua khoảng 20 đến 70 tấn thuỷ hải sản.

Trước đó, năm 2012, gia đình ông đã hạ thủy tàu Dna 90511 có công suất 500 CV, tổng kinh phí là 2,1 tỷ đồng. Hỏi ông có lo gặp tàu Trung Quốc hung hăng đâm nát tàu của ngư dân không, ông thẳng thắn: “Hoàng Sa là của Việt Nam, mình đánh bắt tại ngư trường Việt Nam thì có chi phải sợ. 45 năm đi biển, sóng to gió lớn cũng trải qua cả rồi thì còn sợ chi tụi hắn nữa”.


Nhiều lần bị tàu Trung Quốc đe nẹt

Theo ông Toàn, ngư dân Việt Nam và ngư dân chân chính của Trung Quốc vẫn thường xuyên giúp đỡ nhau khi đánh bắt trên biển. “Mình và họ qua tàu của nhau chơi, nói chuyện. Có thiếu thốn gì thì giúp nhau. Ngư dân Trung Quốc cũng như mình thôi, là người lao động nên hiền khô. Có khi mấy anh em cà kê vài chén rượu trên tàu ấy.

Nhưng ngư dân mình chỉ bị đe nẹt bởi tàu của Trung Quốc. Cách cửa biển Thuận An có 120 hải lý, mà hắn cứ chạy áp sát, phun nước vào mình. Ban đêm, hắn chạy quanh tàu không cho mình yên.

Chỗ đặt giàn khoan, Trung Quốc quy hoạch xung quanh rộng cả trăm hải lý. Bình thường, ngư dân ra Hoàng Sa chỉ cần chạy thẳng thì 2-3 ngày tới. Giờ phải đi vòng hết tận 4 ngày.

Có khi chúng như cướp biển, dọa nạt rồi lấy hết cá mà ngư dân thu hoạch được, lấy cả đồ đạc trên tàu như dầu mỡ, nước uống. Chúng không đánh đập gì cả nhưng tàu lớn và hung hãn gấp nghìn lần nên mình phải đảm bảo an toàn tính mạng trước đã, không dám manh động. Mỗi chuyến đi đầu tư cả 500 triệu đồng, gặp tàu Trung Quốc cướp thì coi như về bán nhà cửa đi mà trả nợ”.

Ngư dân đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa thường đi theo đoàn, theo tốp. Khi gặp tàu Trung Quốc, họ điện cho nhau để chạy lại, dù có cách 5-7 hải lý. Thấy ngư dân Việt Nam đoàn kết, tàu Trung Quốc không dám làm gì cả. Tuy nhiên, nếu bị tàu Trung Quốc truy đuổi, ngư dân liền gọi cho Cảnh sát biển để được hướng dẫn. Với lực lượng Cảnh sát biển và kiểm ngư, hiện ngư dân đã an tâm hơn khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.

Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm