Truyền hình thực tế (Bài 1): Ồ ạt mua kịch bản, lãng quên sáng tạo

07/12/2013 09:01 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(giaidauscholar.com) - Truyền hình thực tế (THTT) nở rộ trong vài năm qua, đó cũng là xu thế tất yếu. Thoạt nhìn, có vẻ công chúng truyền hình đang được hưởng lợi, vì họ đang thưởng thức những chương trình giải trí hấp dẫn tầm cỡ thế giới. Nhưng thật xa hoa (và cả xót xa) khi chúng ta đang “chắt bóp” đừng đồng ngoại tệ trong thời suy thoái kinh tế, nhưng phải bỏ ra cả triệu USD cho 1 kịch bản THTT mua từ nước ngoài. Ngoài ra hàm lượng văn hóa từ các chương trình này “bồi bổ” không nhiều cho văn hóa Việt và chúng còn làm tê liệt sản xuất kịch bản trong nước.

Sự phát triển của THTT trên thế giới đang được xem là một xu hướng tất yếu, vấn đề là mỗi quốc gia điều khiển sự phát triển đó như thế nào?

Món ăn ưa thích của thời đại?

Trên thế giới, THTT xuất hiện khá lâu (từ 1947 với chương trình Candid Camera do Allen Funt sản xuất tại Mỹ), nhưng đến thập niên 1960-1970 THTT thế giới có xu hướng hình thành kịch bản chứ không “ngẫu hứng” theo người chơi nữa. Năm 1992, chương trình The Real Word trên kênh MTV với kịch bản dựa trên những câu chuyện diễn ra trong đời thực được xem là cột mốc đánh dấu bước chuyển biến quan trọng đối với THTT. Càng về sau, chương trình THTT không đơn thuần phản ánh người thật việc thật mà còn đi sâu vào sự phát triển của nhân vật để hình thành từng serie (chuỗi) chương trình.

Từ những năm 2000 trở đi, THTT trên thế giới nở rộ, đặc biệt là với những game show giải trí như Pop Idol, Got Talent, The Voice… Nhiều chương trình đã trở thành “con cưng” của ngành truyền hình giải trí thế giới, bởi nó thu hút lượng người xem khổng lồ và đem về rất nhiều lợi nhuận cho nhà sản xuất.

Ở Việt Nam, dẫu không phải là đầu tiên, nhưng chương trình Phụ nữ thế kỷ 21 (từ kịch bản 21St Century Woman) xuất hiện trên VTV3 năm 2006 đã đem lại cho khán giả khái niệm ban đầu về THTT. Sau đó, đầu thập niên 2010, THTT tại Việt Nam nở rộ với những game show giải trí như: Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Hợp ca tranh tài, Vietnam’s Got Talent, Vietnam’s Next Top Model, Thử thách cùng bước nhảy, Ngôi nhà âm nhạc, Giọng hát Việt…

THTT với sự hấp dẫn, mới lạ, sự sống động từ hiện trường, sự bất ngờ với những diễn biến tình huống, sự trưởng thành của những nhân vật từ vô danh trở thành người rất nổi tiếng - “from zero to hero” (như slogan trong Vietnam Idol)… đã thu hút đông đảo người xem cũng như người tham gia cuộc chơi. Đặc biệt yếu tố tương tác với khán giả đã kéo hàng triệu người hàng đêm ngồi trước màn hình ti-vi để theo dõi.

Khán giả nắm quyền quyết định các thí sinh bằng tin nhắn bầu chọn, giám khảo nhận xét thí sinh, các giám khảo “đấu khẩu” để tranh giành thí sinh… Trong những game show thi thố, những yếu tố tương tác này đã đánh bại các cuộc thi “truyền thống” như Tiếng hát truyền hình, Sao Mai...
Chạy đua nhập khẩu chương trình

Có thể nói Sao Mai - Điểm hẹn (SM-ĐH) 2004 là cuộc thi ca hát mang tính chất THTT đầu tiên trên sóng truyền hình Việt Nam. Một hội đồng nghệ thuật ngồi nhận xét trực tiếp thí sinh, không như các Ban giám khảo lẳng lặng ngồi nghe và chấm điểm ở nhiều cuộc thi trước đó. SM-ĐH 2004 thành công vang dội, đồng thời cũng châm ngòi cho cuộc chạy đua mua kịch bản giải trí “khủng” của nước ngoài.

Năm 2006,  nhà sản xuất Cát Tiên Sa mua kịch bản Project SuperStar để thay cho phiên bản Tiếng hát truyền hình. Điểm đáng nói trong kịch bản này là cũng có hội đồng giám khảo ngồi nhận xét thí sinh; kết quả cuối cùng do khán giả bình chọn. Tuy nhiên SuperStar (Ngôi sao Tiếng hát truyền hình) không thành công như mong đợi.

Năm 2007 Vietnam Idol xuất hiện, như một cơn lốc mạnh mẽ làm hàng triệu khán giả chao đảo. Kịch bản tương tự SuperStar, nhưng giám khảo “sắc” và “sốc”  hơn, vòng chung kết 9 live show, mỗi live show loại 1 thí sinh, yếu tố lăng-xê mạnh mẽ hơn nhiều so với các chương trình khác.

Có lẽ sự thất bại của SuperStar làm nhà sản xuất Cát Tiên Sa quyết tâm “phục hận”. Những kịch bản ăn khách nhất được Cát Tiên Sa mua gần hết để đều đặn mỗi năm trình làng một hoặc vài chương trình: Dancing With The Stars (Bước nhảy hoàn vũ - 2010), Just The Two Of Us (Cặp đôi hoàn hảo - 2011), The Voice (Giọng hát Việt - 2012), The Voice Kid (Giọng hát Việt nhí - 2013), Got To Dance (Vũ điệu đam mê - 2013); Fashion Star (Ngôi sao thiết kế Việt Nam - 2013), X-Factor (dự kiến 2014). Nhiều chương trình trong số kể trên thành công vang dội.

Bên cạnh đó một loạt chương trình của những nhà sản xuất khác cũng được mua về Việt Nam như: Vietnam’s Next Top Model (2010), Vietnam’s Got Talen (2011); Clash Of The Choirs (Hợp ca tranh tài - 2012), Star Academy (Ngôi nhà âm nhạc - 2012), So You Think You Can Dance (Thử thách cùng bước nhảy - 2012), Your Face Sounds Familiar (Gương mặt thân quen - 2013), The Winner Is… (Tôi là người chiến thắng - 2013), Big Brother (Người giấu mặt - 2013)…

Tuy nhiên, không phải kịch bản nào mua từ nước ngoài cũng thành công, điển hình như: SuperStar, Star Academy, Clash Of The Choirs… Và nhìn chung, tất cả các chương trình nếu thành công thì đa số cũng chỉ “hot” mùa đầu, từ mùa thứ hai nó sẽ giảm nhiệt trước một chương trình mới khác. Điều này dẫn đến nguy cơ là các nhà sản xuất muốn cạnh tranh thành công thì phải dùng kịch bản mới ngày càng “khủng”. Điều đó cũng đồng nghĩa với một cuộc chạy đua mua kịch bản THTT với tốc độ “xài hàng” ngày càng nhanh.

Với các kịch bản THTT mua từ nước ngoài, yếu tố tích cực là nó đã nâng cao được trình độ sản xuất và trình độ tổ chức của các nhà sản xuất trong nước. Đổi lại, nguồn ngoại tệ đổ ra nước ngoài cũng khá lớn (theo tìm hiểu của TT&VH Cuối tuần, kịch bản The Voice mua gần 1 triệu USD, chưa kể là từ mùa thứ hai nhà sản xuất phải chia cho đơn vị bản quyền kinh phí nhận được từ tài trợ). Nhưng quan trọng hơn, nó làm tê liệt sản xuất kịch bản nội địa. Và dĩ nhiên rất khó góp phần xây dựng ngành truyền hình lớn mạnh và mang bản sắc Việt (bởi yếu tố khác biệt về văn hóa là điều nan giải cho việc Việt hóa các kịch bản nước ngoài hiện nay)

Hải Long
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm