24/04/2014 12:05 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Cuối tuần này, trong trận đấu được coi là “chung kết ngược” của V-League 2014, ĐT.Long An dù phải thi đấu trên sân Long Xuyên của HV.An Giang nhưng họ sẽ có lợi thế rất lớn so với đối thủ. Nói thế là bởi theo Điều lệ mới được điều chỉnh, ĐT.Long An sẽ có quyền tung 3 tân binh mới sắm là Oseni, Chí Công và Đình Hiệp vào sân, trong khi HV.An Giang thì nội tình đang rối như canh hẹ và cũng chưa có bất cứ bản hợp đồng mới nào.
1. Trước đó, Điều lệ giải bóng đá VĐQG Eximbank 2014 quy định thời gian chuyển nhượng giữa mùa giải 2014 từ ngày 29/4/2014 đến 26/5/2014. Nếu chiếu theo Điều lệ cũ, ĐT.Long An sẽ phải chờ tới sau khi kết thúc 2 trận đấu liên tiếp với HV.An Giang mới được quyền bổ sung cầu thủ mới.
Tuy nhiên, vào tuần trước, Công ty VPF đã có công văn số 69/VPF ngày 10/4/2014 gửi VFF đề nghị được thay đổi thời gian chuyển nhượng giữa mùa giải 2014 từ ngày 22/4 /2014 đến ngày 19/5/2014 thay vì từ ngày 29/4/2014 đến ngày 26/5/2014.
Như vậy, đội bóng nào được hưởng lợi từ sự điều chỉnh này thì tất cả đều rõ, và mọi chuyện sẽ không có gì để nói nếu như Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng và Phó TGĐ VPG Phạm Phú Hòa từng có thời gian rất dài làm Chủ tịch và GĐĐH ĐT.Long An.
Bất kể phía VPF hay ĐT.Long An có thanh minh như thế nào thì cũng rất khó để thuyết phục HV.An Giang rằng sự điều chỉnh này không nhằm mang lại lợi ích cho riêng đội bóng nào, nhất là trong trường hợp ĐT.Long An và HV.An Giang đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong cuộc đua trụ hạng ở mùa bóng năm nay.
Bởi thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà HV.An Giang đã phản ứng rất dữ dội với sự điều chỉnh này của VPF và bản thân HLV trưởng Nhan Thiện Nhân của HV.An Giang đã tuyên bố: “Chúng tôi có cảm giác bị đì”.
2. Kể từ khi VPF được thành lập cho tới nay, dư luận đã không ít lần lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về việc một số ông bầu đang nắm giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt ở VPF vẫn còn quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với đội bóng của họ ở V-League, mà người ta hay gọi nôm na là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Có thể tất cả những quyết định mà VPF đưa ra đều chỉ phục vụ lợi ích của tập thể, lợi ích của số đông chứ không nhắm tới riêng một CLB nào, nhưng với những mối quan hệ tế nhị cùng động thái điều chỉnh Điều lệ giải vô cùng nhạy cảm mà chúng tôi vừa nêu ở trên, quả tình rất khó để buộc những đội bóng bị xem là “thân cô thế cô” như HV.An Giang phải cảm thấy tâm phục khẩu phục.
Hiện tại, số phận của HV.An Giang vẫn đang bị đặt một dấu hỏi to tướng và phụ thuộc rất lớn vào quyết định của nhà tài trợ. Vậy trong trường hợp nhà tài trợ của HV.An Giảng cảm thấy bức xúc vì cách làm của VPF mà quyết định rút lui không tiếp tục tài trợ, và có thể đồng nghĩa với việc chấm dứt sự tồn tại của HV.An Giang ở V-League mùa này, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Rất khó để trả lời câu hỏi này, chỉ biết rằng trong bối cảnh bóng đá Việt Nam vẫn là một bức tranh có nhiều gam màu u ám như hiện tại, những người có trách nhiệm lẽ ra cần phải nỗ lực bảo đảm một sân chơi thật trong sạch và công bằng, để các đội bóng dù thua hay thắng, dù lên hay xuống hạng đều không phàn nàn hay bức xúc.
Chỉ khi nào làm được như thế thì người ta mới bớt phải chứng kiến những câu chuyện làm nhiều người thấp thỏm lo lắng như HV.An Giang hiện tại. Bằng không, nguy cơ có thêm đội này đội kia bỏ giải lúc nào cũng sẽ treo lơ lửng trên đầu như mấy mùa bóng gần đây.
Quốc Công
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất