03/05/2020 22:38 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Theo công văn số 1602/UBND-KGVX ngày 29/4 của UBND thành phố Hà Nội, ngày 4/5, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ trở lại trường học tập sau 3 tháng nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19. Ngay trong các ngày nghỉ lễ từ 2-3/5, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện công tác vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khuôn viên của trường và trong các lớp học, phòng chức năng, phòng làm việc… Ban giám hiệu các trường cũng đã xây dựng kịch bản để đón học sinh tới trường, tổ chức dạy và học trong thời gian tới.
Đảm bảo thực hiện giãn cách
Tại Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), các lớp học sẽ chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 học thứ 2-4-6, nhóm 2 học thứ 3-5-7. Riêng các lớp song bằng cũng học 3 buổi/tuần nhưng sẽ không thực hiện chia nhóm vì sĩ số các lớp này thấp. Các khối 8, 9 sẽ học vào buổi sáng, khối 6, 7 sẽ học vào buổi chiều.
Mỗi học sinh ngồi 1 bàn, theo hình chữ Z, giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét theo quy định. Các buổi học trực tuyến cũng được nhà trường tiếp tục triển khai vào những buổi học sinh không học tại trường để đảm bảo tiến độ của chương trình giáo dục.
Theo bà Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng nhà trường, việc chia lớp thành hai nhóm và học so le như vậy đã làm giảm khoảng 3/4 tổng số học sinh của toàn trường mỗi buổi học. Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại, nhà trường đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị trong phòng chống dịch như: nhiệt kế đo trán, khẩu trang y tế, nước rửa tay, nước sát khuẩn tay, phòng cách ly.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng học sinh tụ tập đông phía ngoài cổng trường và bên trong sân, nhà trường yêu cầu phụ huynh không đưa học sinh đến trường quá sớm, sớm nhất là 6 giờ 45 phút đối với ca học buổi sáng và 13 giờ 15 phút đối với ca học buổi chiều. Các học sinh sau khi được đo thân nhiệt tại cổng trường sẽ phải lên lớp ngay, không được tập trung ở sân trường.
Trường sẽ mở 3 cổng đón học sinh, phía ngoài cổng có kẻ sẵn các vạch để học sinh xếp hàng vào trường. Tại mỗi cổng có 3 người đo thân nhiệt và hướng dẫn các học sinh lên lớp theo nhiều hướng khác nhau, đảm bảo không có quá nhiều học sinh đi cùng một hướng. Giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học, các học sinh ở tại lớp. Giờ tan học, học sinh không tụ tập, khẩn trương ra khỏi cổng trường và trở về nhà.
“Mỗi buổi học, chúng tôi bố trí cán bộ, nhân viên phối hợp với giáo viên nhắc nhở học sinh thực hiện giãn cách theo quy định khi ra về. Tại cửa lớp, các học sinh sẽ sát khuẩn tay bằng dung dịch rửa tay khô và đeo khẩu trang theo đúng quy định.
Các giáo viên có nhiệm vụ quan sát học sinh, nếu có hiện tượng bất thường sẽ báo cáo và nhà trường xử lý ngay. Cuối mỗi buổi học, giáo viên dạy tiết cuối sẽ cùng với học sinh được phân công trực nhật lau sát khuẩn bàn ghế, tay nắm cửa trước khi ra về”, bà Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân cho biết.
Phương án chia đôi lớp cũng được Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội), Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) áp dụng. Các lớp sẽ chia đôi số học sinh thành 2 nhóm, học và thứ 2-4-6 hoặc 3-5-7. Các học sinh sẽ ngồi riêng từng bàn, so le nhau, đảm bảo khoảng cách theo quy định.
Kịch bản đón học sinh cũng được Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội) xây dựng chi tiết, cụ thể. Theo đó, việc đo thân nhiệt cho học sinh và giáo viên được thực hiện ngay từ cổng trường, đảm bảo không để lọt trường hợp nào có thân nhiệt cao hoặc có biểu hiện ốm, sốt được lên lớp học. Nhà trường cũng đã phổ biến tới phụ huynh học sinh vị trí đỗ xe để đưa đón con để đảm bảo giãn cách theo quy định.
Ông Phan Dân, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị theo yêu cầu phòng chống dịch, đồng thời tổ chức diễn tập đo thân nhiệt cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong trường hợp có đông học sinh đến cùng một lúc.
“Chúng tôi bố trí các ghế ngồi cho học sinh để chờ đo thân nhiệt, đồng thời hướng dẫn hướng dẫn học sinh lên lớp bằng hai hướng cầu thang. Tại các khu vực vui chơi của học sinh trong các giờ nghỉ giữa tiết học, nhà trường giao nhiệm vụ cho các giáo viên, nhân viên trực, nhắc nhở học sinh thực hiện giãn cách, đồng thời chia học sinh tại khu vực vui chơi. Các giáo viên cũng có nhiệm vụ điều tiết lượng học sinh ra về cuối buổi học sao cho không để xảy ra tình trạng các em ồ ạt về cùng một lúc, khó thực hiện giãn cách theo quy định”, ông Phan Dân cho biết thêm.
Xây dựng kịch bản dạy và học
Để vừa thực hiện tốt việc giãn cách theo quy định, vừa đảm bảo chương trình học, nhiều trường khối Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức dạy trực tiếp kết hợp với dạy trực tuyến và yêu cầu học sinh tiếp tục học trên truyền hình.
Trong tuần đầu tiên, các nhà trường sẽ tập trung rà soát, hệ thống lại kiến thức học sinh đã học qua truyền hình, học trực tuyến, tập trung vào những nội dung kiến thức khó. Sang tuần thứ hai cho đến khi giảm giãn cách, các trường sẽ tổ chức kết hợp dạy bài mới, kiểm tra định kỳ lấy điểm theo quy định. Riêng các khối lớp 9 và lớp 12, các trường đã xây dựng phương án hoàn thành chương trình học và dành thời gian cho việc ôn tập thi cho học sinh.
“Nhà trường đã xây dựng thời khóa biểu để tăng số tiết học của 3 môn học Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh cho khối lớp 9. Hiện nay, theo báo cáo của các tổ chuyên môn, chương trình học của các em sẽ hoàn thành trong tháng 5. Như vậy, nếu lịch thi vào lớp 10 được giữ nguyên là ngày 11/7 thì các em sẽ có hơn 1 tháng để ôn thi”, bà Nguyễn Mỹ Hảo cho biết.
Nội dung ôn tập cho học sinh khối lớp 9 cũng được Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội) xây dựng chi tiết, cụ thể với số tiết học tập trung vào 3 môn thi vào lớp 10 là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Theo bà Nguyễn Mai Hương, Hiệu trưởng nhà trường, việc bớt môn thi thứ tư đã giúp làm giảm áp lực cho cả nhà trường và gia đình học sinh, phù hợp với thực tế. Với thời gian học còn lại cho đến khi thi, học sinh hoàn toàn có thể tự tin để bước vào kỳ thi lớp 10.
Đối với khối lớp 12, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều đã xây dựng kịch bản chi tiết theo từng tuần. Bên cạnh việc củng cố lại kiến thức học trên truyền hình, học trực tuyến, các giáo viên bộ môn sẽ tiếp tục dạy kiến thức mới, đồng thời tổ chức kiểm tra, ôn tập, hướng dẫn học sinh tham gia kiểm tra khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
“Chúng tôi khuyến khích giáo viên chủ nhiệm chia nhóm lớp 12 theo nội dung tự chọn tổ hợp dự thi trung học phổ thông quốc gia. Việc học tập sẽ kết hợp cả 3 hình thức: trực tiếp, trực tuyến và học trên truyền hình”, ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều cho biết.
Một số hình ảnh chuẩn bị của các trường :
Nguyễn Cúc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất