09/06/2012 11:34 GMT+7 | Bảng B
(TT&VH) - Andersen nếu có sống lại cũng không dám viết một câu chuyện cổ tích cho Đan Mạch tại EURO này, như 20 năm trước. Nhưng kể cả sáng tác một kịch bản ngắn gọn với cái kết đẹp cho Đan Mạch trước Hà Lan dường như cũng là điều không thể.
Michael Laudrup nói rằng Đan Mạch luôn nguy hiểm nhất khi bị đánh giá thấp. Đối thủ của họ, Hà Lan bây giờ, thì vẫn nguy hiểm nhất khi được đánh giá cao, nhờ vào van Marwijk và dàn cầu thủ ít “điều tiếng” của họ. Tính kỉ luật, sự ổn định trong lối chơi, sơ đồ vận hành và phần nào là chất “Hà Lan” là những nét khá tương đồng giữa hai đội.
Olsen là người có uy tín với các học trò, rất ngăn nắp, nghiêm khắc nhưng cũng đầy tình cảm. Đó cũng là hình ảnh của Marwijk trong sắc áo Da Cam. Cả 2 HLV, bằng khả năng thuyết phục, luôn duy trì được một bầu không khí hòa đồng trong đội. Công việc của Marwijk vất vả hơn vì các cầu thủ Hà Lan có cá tính hơn (cũng kém ổn định hơn), nhưng ông đã làm được. Có thể thấy Hà Lan giờ chẳng có ai vùng vằng với HLV hay với các đồng đội. Với môi trường 2 ông thầy tạo dựng, cả 2 đội bóng đều chơi với kỉ luật chiến thuật cao và khá ổn định.
Khó có cổ tích cho Đan Mạch - Ảnh Getty
Đan Mạch có những người đang chơi ở giải VĐQG Hà Lan, trong đó có tài năng lớn nhất của họ giờ là tiền vệ công Eriksen. Thêm hậu vệ trái Poulsen hay tiền đạo Pedersen nữa. Eriksen đang phát triển sự nghiệp ở Ajax, cái nôi của nhiều người Hà Lan vĩ đại. Anh sẽ đem chất “Ajax” của mình làm nguồn cung cấp sáng tạo cho đội, điều mà Đan Mạch còn thiếu. Eriksen sẽ có dịp đối chọi với nhạc trưởng Sneijder, một cựu Ajax khác.
Cả đội hình chiến thuật mà van Marwijk và Olsen cũng có nét giống: 4-3-3 hoặc 4-2-3-1 khi cần tăng cường an toàn sân nhà, đều là cặp tiền vệ phòng ngự và 1 tiền vệ dẫn dắt, 2 tiền đạo cánh cơ động và có thể chơi lùi sâu bên cạnh 1 trung phong duy nhất.
Họ còn giống nhau ở tính ít… phiêu lưu trong tấn công. Khả năng tấn công biên của 2 tiên đạo cánh 2 đội là khá lợi hại.
Những khác biệt
Chất lượng đội ngũ chênh lệch là điều khác nhau rõ nét giữa Hà Lan và Đan Mạch. Tất nhiên đấy cũng là yếu tố truyền thống của cả nền bóng đá.
Dù không có khác biệt quá lớn về hàng thủ giữa 2 bên, nhưng nhìn chung, Olsen có hàng tứ vệ khá từng trải, đá đối kháng tốt và được tổ chức khá ổn. Nếu tập trung và lấy lại điểm rơi phong độ, cặp trung vệ Agger và Kjaer có thể mang tới sự tin cậy nhất định, dự bị còn có lá chắn khá vững chãi là Bjelland. Hai hậu vệ biên của Đan Mạch cũng tham gia tấn công khá hiệu quả. Van Marwijk thì đang đau đầu với chấn thương của Mathijsen, chốt chặn an toàn nhất của ông. Những người dự bị khác như Bouma hay Ron Vllar không chơi thật sự thuyết phục để đá cặp với Heitinga, còn cánh trái của Hà Lan vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Nhưng van Marwijk đã bù đắp chất lượng hàng thủ bằng số lượng người tham gia. Điều đáng nói là Hà Lan đã quen vận hành (và thành công) việc tấn công hoặc phản công mà không cần mạo hiểm dâng cả đội hình lên, trong khi Olsen khó có thể tăng cường sức mạnh công phá của Đan Mạch. Giữ phong độ với Rommedahl (đã già) hay Bendtner (mất chỗ ở Arsenal) đã là một vấn đề.
Với sự vượt trội của hàng công, Hà Lan có thể giành thế chủ động chiến thuật bằng tấn công và cả phản công khi cần. Họ có thể gây sức ép và ghi bàn như khi 2 đội gặp nhau ở Nam Phi và mai phục đưa Đan Mạch vào bẫy khi dẫn bàn.
Với tài năng của Robben, Van Persie và Sneijder, sự nghèo nàn về lối chơi của các hậu vệ trong việc phát động tấn công được bù đắp, bộ ba này cũng bù luôn cho cặp De Jong (thiên về sức mạnh) và Van Bommel (đã già) nhiệm vụ đó. Bên đối diện, đôi bạn thân bằng tuổi Zimling và Kvist không tồi, nhưng vẫn ở đẳng cấp kém hơn cặp tiền vệ trụ Hà Lan, còn Eriksen chưa đủ “tuổi” so với Sneijder.
Đan Mạch không đặt nặng mục tiêu ở EURO này, bảng đấu của họ quá khó, họ có thể xem đây là dịp rèn giũa để tiến đến Brazil 2 năm sau.
Nhưng Hà Lan phải gánh vác sứ mệnh vô địch, sẽ là thất bại nếu họ không đạt mục tiêu đó. EURO cũng không phải World Cup, nơi Hà Lan bị xem là kẻ về nhì vĩ đại.
Để vào chung kết, Hà Lan nên tránh Tây Ban Nha (nhiều khả năng nhất bảng C), đối thủ duy nhất có thể khắc chế được họ về mặt lối chơi. Tất nhiên là phải vượt qua (và dẫn đầu để tránh TBN) vòng bảng và tứ kết (tương đối đơn giản với các đội ở bảng A).
Mà để đầu bảng thì phải thắng Đan Mạch. Trong một thế trận chủ động, khi thong thả, khi bất ngờ tăng tốc. Marwijk có đủ con người để thực thi ý đồ chiến thuật đó: Kiểm soát thế trận, đang là điểm mạnh, thay vì áp đặt thế trận, vốn là dấu hỏi.
Với sự chênh lệch thế, sẽ không có chuyện cổ tích, có lẽ câu hỏi chỉ là Hà Lan thắng bao nhiêu!
Dự đoán 3-1
Huỳnh Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất