03/10/2014 13:54 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Chợ Dongdaemun ở Seoul thành lập từ năm 1905, được coi là “kinh đô thời trang” của châu Á.
Chúng tôi đã dành trọn một đêm nhưng vẫn không đi hết quần thể chợ với diện tích 585.700 m2, gồm 35.000 cửa hàng và 150.000 nhân viên. Hoạt động thiết kế, sản xuất và kinh doanh thời trang diễn ra trong bán kính 5-10 km.
1. Chúng tôi bắt tàu điện ngầm từ Incheon lên Seoul. Chỉ hơn 1 tiếng, chúng tôi đã lọt thỏm ở Thủ đô Hàn Quốc, lúc đấy là 21h tối.
Bạn tôi đánh xe ra đón, rồi đưa chúng tôi ra khu phố chỉ dành cho sinh viên nữ ăn tối. Tại đây, một cuộc hội ngộ có rượu shochu, gỏi cá, lẩu cá..., và hàn huyên nhiều chuyện. Sau đó, bạn thả chúng tôi tại chợ Dongdaemun rồi bảo: “Các ông chỉ có một đêm, mai phải về sớm làm ASIAD, thế thì cứ đi cho hết cái chợ này cũng đủ thú vị”.
Chợ Dongdaemun nằm gần trung tâm của Dongdaemun, khu mua sắm lớn nhất của Hàn Quốc có bán buôn và bán lẻ, với 26 trung tâm mua sắm, 30.000 cửa hàng đặc sản và 50.000 nhà sản xuất. Tôi hòa vào dòng người sôi nổi và nồng nhiệt, với tâm thế dự một lễ hội mua sắm đúng nghĩa.
Xung quanh khu vực Jongno của Dongdaemun là một cụm nhà cao tầng. Dòng suối nhân tạo chạy róc rách xuyên qua chợ, một không gian quá lý tưởng để tình tự. Đêm càng về khuya, đám đông khổng lồ càng nườm nượp đổ về mua bán.
Theo truyền thống, bán buôn hoạt động từ 1h sáng hôm trước đến 1h sáng hôm sau, và các nhà bán lẻ mở cửa từ 1h sáng đến 18h. Muốn mua được hàng với giá rẻ nhất thì phải tới đây vào khoảng thời gian từ nửa đêm về sáng. Bây giờ, khu vực này hầu kinh doanh suốt ngày đêm. Các cửa hàng đóng cửa vào thứ Hai và các ngày lễ. Khách mua hàng ở đây chủ yếu là dân công sở, học sinh, sinh viên, và buôn bán.
Càng về sáng giao dịch càng rầm rộ. Hàng chục tụ điểm giao dịch bán sỉ. Từng bao lớn các mặt hàng thời trang được các đầu nậu tập kết, rồi tỏa đi khắp các thành phố lân cận.
Tôi để ý, các thể loại thời trang ở đây dường như chỉ dành cho phái nữ. Một quần thể rộng lớn nhưng áo quần, giày dép, trang sức đi đâu cũng là hàng dành cho chị em. Số phụ nữ đi chợ đêm cũng đông hơn nam. Chỉ cần nhìn các chị em lễ mễ tay xách nách mang đủ thứ đồ, mặt mày hớn hở, mới cảm nhận rõ nhất phụ nữ Hàn Quốc mua sắm làm đẹp thuộc dạng “có máu mặt”.
2. Anh Hong Woon Jing, chủ tiệm thời trang, cho biết: “Điểm độc đáo nhất của chợ Dongdaemun là toàn bộ quá trình thiết kế, sản xuất và mua bán đều diễn ra tại chỗ. Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 9 giờ sáng. Đầu tiên, tôi phải kiểm tra các mẫu vải và phụ kiện do người thiết kế đề xuất. Khi tôi chấp thuận, người thiết kế may thành trang phục mẫu rồi đem đến cơ sở sản xuất ngay trong chợ Dongdaemun vào khoảng 14 giờ. Các sản phẩm hoàn tất được chuyển nhanh về cửa hàng lúc 19 giờ, kết thúc hoàn hảo một quy trình làm việc khép kín. Tôi phải thuê khoảng 3-4 nhà thiết kế và giới thiệu 7-8 mẫu mới hằng tuần, mới đáp ứng được xu hướng thời trang của giới trẻ”.
Nằm ở phía bên kia của sân vận động Dongdaemun là khu vực mua sắm dành cho các sinh viên và thanh thiếu niên. Ở đây bán đủ thứ mẫu quần áo mới nhất, giầy dép, túi xách, mẫu tóc giả, CD, đồ trang sức giá rẻ, các phụ kiện thời trang. Nhiều nhà thiết kế trẻ đã mở cửa hàng ở đây. Những khu thời trang cao cấp được quy hoạch riêng, giá cả rất cao. Tuy nhiên, ở các khu vực khác, giá cả lại khá rẻ so với Hà Nội. Mà áo quần phong cách Hàn Quốc quá đẹp, nhìn thứ gì cũng muốn tha về nhà.
Nhiều khách hàng đói bụng, sà vào hàng ăn tối rất nhiều ở xung quanh chợ. Các đồ ăn nóng hổi, tiếng nhạc lúc ầm ào, lúc dìu dặt, trong cái se lạnh đầu thu được trải nghiệm không gian như thế thật là không uổng công. Chợ Dongdaemun không chỉ là biểu tượng văn hóa của người Hàn Quốc, mà còn là “con gà đẻ trứng vàng” góp phần khiến cho Seoul giàu mạnh hơn.
Ủy ban giám sát Dongdaemun cho biết, khu chợ này thu hút hơn 2,5 triệu người nước ngoài mỗi năm, mang về doanh thu hơn 3 tỷ USD. Tổng doanh thu hằng năm của chợ vào khoảng 14 tỷ USD. Với các trung tâm mua sắm lớn như Migliore, Doota và Mesa, khu vực này ngày nào cũng là ngày hội mua sắm.
Đến 5h sáng thì chúng tôi vẫn chưa đi hết khu chợ, đành phải lên tàu điện ngầm về lại Incheon cho kịp ngày thi đấu tiếp theo. Trên tàu điện ngầm, tôi bắt gặp rất nhiều gương mặt mất ngủ, trong đó có sinh viên, nhưng có vẻ phấn khởi với các bọc áo quần lớn trên tay mà họ mua sỉ được. Họ về bán ở Incheon với giá khác, chắc cũng có lời.
Tôi cứ vấn vương khu chợ thú vị. Chẳng trách nơi đây cũng là địa điểm đẹp được tận dụng với nhiều cảnh quay phim làm tan chảy bao trái tim phụ nữ Việt. Tôi cũng thấy lạ kỳ khi việc quản lý khu chợ khổng lồ này lại tốt đến thế, dường như ít khi chúng ta đọc báo thấy cảnh hỏa hoạn, trộm cắp hay đủ thứ rắc rối xảy ra.
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất