(giaidauscholar.com) - Nếu Carles Puyol giải nghệ vào mùa Hè này, anh sẽ chính thức gia nhập CLB những cầu thủ chỉ gắn bó trọn đời với một đội bóng.
Trước trung vệ của Barca, thế giới bóng đá đã chứng kiến nhiều tượng tài khác. Họ sinh ra, chơi bóng và treo giầy chỉ ở một đội bóng duy nhất.
CLB của những "One-club man"
"One-club man" là thuật ngữ được dùng để nhắc tới những cầu thủ bóng đá gắn bó trọn sự nghiệp với chỉ một CLB. Khái niệm ấy được hình thành từ khi luật chuyển nhượng trong bóng đá được phê chuẩn và càng rõ ràng hơn theo thời gian. Có những cầu thủ sinh ra để chinh phục. Không bến đỗ nào là mãi mãi, anh ta đến rồi chuyển CLB, đều đặn như thay một chiếc áo. Nhưng cũng có những cầu thủ sinh ra chỉ để dành cho mình một điểm tựa. Họ được đào tạo, trưởng thành và quyết định giải nghệ khi đã không còn thấy cống hiến cho đội bóng của mình được nữa.
Ở Italy, người ta nói nhiều về Franco Baresi và Paolo Maldini, hai tượng đài của Milan. Inter có Giacinto Facchetti, người chơi bóng ở giai đoạn 1960 -1978 trong khi Roma có Francessco Totti, người vẫn đang chơi bóng cho đội bóng áo bã trầu. Ở nước Anh, trong khi Man United có Ryan Giggs, Gary Neville và Paul Scholes thì Arsenal sở hữu Tony Adams. Liverpool đang có Steven Gerrard và John Terry cũng trên đường gia nhập "One-club man" tại Chelsea. Ở Đức, không thể nhắc đến Sepp Maier, huyền thoại của Bayern Munich giai đoạn 1962 - 1979. Ở TBN, Xavi Hernandez cũng có thể được xếp vào CLB "One-club man" nếu anh quyết định treo giầy trong màu áo Barca.
Cũng có những cầu thủ không trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của CLB, nhưng vẫn gắn bó trọn sự nghiệp cho CLB ấy (trường hợp của Javier Zanetti ở Inter). Cũng có những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của đội, chơi đến cuối sự nghiệp trước khi dối già ở một CLB khác (trường hợp của Raul Gonzalez hay Carles Puyol). Họ tuy không hoàn toàn thuộc vào nhóm "One-club man" nhưng vẫn luôn được coi là những tượng đài đối với người hâm mộ.
Không ai cắt nghĩa được tình yêu
"Milan luôn tạo điều kiện tốt nhất cho tôi thi đấu và giành được các danh hiệu quan trọng. Tôi đã có mọi thứ trong sự nghiệp của mình, nhưng cũng không ít thất bại và khó khăn. Thật tuyệt vời khi giành danh hiệu này bởi quá khó để khi thi đấu ở tuổi 39 ở một CLB vĩ đại như AC Milan", Paolo Maldini đã giải thích như thế về quyết định giải nghệ của anh.
Paul Scholes thì nói: “Tôi đã hoàn thành sứ mệnh và giờ có thể nghỉ ngơi được rồi". Trong khi đó, Carles Puyol thẳng thắn thừa nhận: "Thể lực hạn chế không cho phép tôi theo kịp tốc độ của một đội bóng lớn như Barca".
Có nhiều lý do để một cầu thủ tuyên bố giải nghệ sau khi đã gắn bó trọn cả sự nghiệp với đội bóng của mình. Nhưng khi được hỏi vì sao không tìm một thử thách khác dù có rất nhiều cơ hội, họ không giải nghĩa được. Với Maldini, anh nói "có thể đó là vì tôi quá yêu Milan". Với Scholes, anh bảo vì "tôi là một người trầm tính, thích sự ổn định" trong khi với Puyol, anh lại coi "Barca như một gia đình thứ hai của tôi”…
Trong bóng đá hiện đại, chỉ tình yêu là không đủ để giữ chân một cầu thủ gắn bó mãi mãi với CLB. Hầu hết những cầu thủ thuộc nhóm “One-club man” đều là những người biết hy sinh. Họ phải trải qua những giai đoạn thăng trầm của đội bóng, phải lao vào cuộc chiến cạnh tranh vị trí đá chính... Nhờ thế, ngoài khía cạnh chuyên môn, những cầu thủ này được đánh giá cao ở lòng trung thành, đức hy sinh.
Họ chứng minh được tầm quan trọng của mình và khiến cho BLĐ của đội bóng luôn coi họ là một tài sản để gìn giữ cho đến khi nào còn có thể. Đó mới là giá trị của những “One-club man” đích thực.
Trần Giáp
Thể thao & Văn hóa