16/06/2015 11:18 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - 18 năm trước, dưới thời HLV Colin Murphy, bóng đá Việt Nam cũng đã giành HCĐ SEA Games, sau chiến thắng cách biệt tối thiểu 1-0 trước Singapore. Đã từng chơi 5 trận chung kết trong lịch sử 13 kỳ SEA Games gần nhất, kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại (Manila 1991), song có vẻ như vị trí thứ ba (HCĐ) phản ánh một cách trung thực nhất năng lực chinh phục của nền bóng đá.
Ngoại trừ trận chung kết lịch sử SEA Games 2003 trên sân nhà, khi các học trò HLV Alfred Riedl đã chơi trên sức bình sinh với Thái Lan, trước khi chấp nhận thua 1-2 chung cuộc ở hiệp phụ, thì 3 lần thất bại ở các trận đấu cuối cùng khác, đẳng cấp giữa 2 nền bóng đá là quá khác biệt. Còn trận thua U23 Malaysia ở Vientiane, Lào 2009, đến nay vẫn khiến nhiều người còn hậm hực, tức tưởi, rất khó giải thích.
20 năm qua, chúng ta vẫn giữ thói quen khó bỏ là “gặt lúa trời”, khi đáng ra cần phải gieo, trồng và chăm bẵm. Chúng ta không thể thêu dệt giấc mơ bay bổng – đổi màu huy chương, trước mỗi kỳ Đại hội, khi bất ngờ phát hiện một thế hệ cầu thủ tốt và có tiềm năng, bởi điều đó thật không công bằng. Chỉ cần nhìn cách làm bóng đá của người láng giềng Thái Lan, rõ ràng, chẳng có gì tự nhiên đến cả.
Bóng đá Thái Lan không định hướng theo nhiệm kỳ (4-5 năm), thay vào đó, họ thực hiện các chu kỳ 10-15 năm. Sau SEA Games 2007, người Thái cảm thấy no nê thành tích cấp khu vực, họ bắt đầu nâng cấp tham vọng bằng việc mời về những HLV nổi tiếng như Peter Reid, Bryan Robson, Winfried Schafer… Những người này không có nhiệm vụ săn lùng danh hiệu, mà chỉ để tạo hiệu ứng, thu hút nguồn lực.
Sự phát triển của nền bóng đá bắt buộc phải tạo được tính kế thừa. Trong khoảng 10 năm qua, Thái Lan vẫn không ngừng sản sinh ra các thế hệ cầu thủ tài năng, nhưng như đã nhắc, họ không đặt vấn đề thành tích trong giai đoạn này. Khi tất cả đã thành hình, HLV – gương mặt ưu tú bậc nhất lịch sử nền bóng đá Thái Lan, Kiatisuk Senamuang, được mời ngồi chiếc ghế tổng công trình sư, chứ không phải thầy ngoại.
Còn chúng ta chỉ có quá ít những đầu tư thực sự nghiêm túc, thậm chí ngay cả việc định hướng cũng có vấn đề, việc đặt tham vọng cao là hồ đồ. Theo dõi trận thắng 5-0 vùi dập trước U23 Indonesia chiều qua, nhiều người tỏ ra tiếc nuối, khi chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội ăn bàn ở trận bán kết với U23 Myanmar trước đó. Thực tế là, chúng ta cũng từng thua Singapore bằng với tỷ số này ở một trận đấu có ý nghĩa tương tự.
Thậm chí, mới cách đây 4 năm thôi, SEA Games 2011 diễn ra ở Jakarta, Indonesia, U23 Việt Nam của HLV Falko Goetz cũng từng bị U23 Myanmar hạ đo ván tỷ số 4-1 ở trận đấu mà theo nhiều ý kiến cho rằng, nó chẳng khác nào sự hành hạ, sau khi các đội bóng đã bị loại ở bán kết. Xét về biểu đồ thành tích, tính logic, việc U23 Việt Nam bị U23 Myanmar loại ở bán kết SEA Games 28 này có gì lạ đâu?!
Phần lớn đều đã thống nhất rằng, chiếc HCV SEA Games không phải là tấm thẻ thông hành cho một nền bóng đá. Các học trò của ông Miura đã chơi rất quyết tâm trong trận tranh HCĐ, như một hành động tri ân người hâm mộ, điều này rất đáng khen. Nhưng, nếu chỉ bằng một vài biểu hiện tích cực ở một trận đấu không còn nhiều ý nghĩa, mà những giấc mơ hão huyền lại tiếp tục được thêu dệt, thì quả là rất nguy hiểm.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất