Arsenal nên học Liverpool hay không: Fabregas đáng giá bao nhiêu?

16/02/2011 12:16 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Barca muốn đưa Cesc trở về với khoảng 40 triệu bảng. Chelsea sẵn sàng bỏ ra 50 triệu. Trong khi Real Madrid tuyên bố sẽ dùng 60 triệu để có được chữ ký của đội trưởng Arsenal. Đó đều là những con số khổng lồ, nếu không muốn nói là hơi quá đáng so với chính Fabregas. Nhưng còn với Wenger, nếu thực sự ông muốn bán anh để “kiếm lời” theo cách nghĩ của một số người, con số ấy sẽ là bao nhiêu?

Fabregas đang là tâm điểm của nhiều tin đồn chuyển nhượng, Ảnh Getty

Nếu Liverpool có thể bán đi cầu thủ quan trọng nhất của mình để mang về 50 triệu bảng, thì Arsenal có thể làm điều tương tự? Trong quá khứ, chẳng phải Giáo sư cũng đã chấp nhận để những Pires, Vieira, Henry, hay Adebayor ra đi hay sao? Vấn đề không đơn giản như thế. Ai cũng biết, vào thời điểm này, chiến lược của Arsenal đã khác. Tới lúc này, họ đã là đội duy nhất trong nhóm Big Four làm ăn có lãi. Cuối năm trước, đội chủ sân Emirates đã công bố số lãi kỷ lục trong lịch sử CLB: 56 triệu bảng trước thuế. Những nguồn thu từ sân vận động mới, từ những tổ hợp bất động sản trên nền sân Highbury cũ, bản quyền truyền hình… tất cả đã tạo nên một vỏ bọc tài chính an toàn đối với Arsenal. Họ cần thêm tiền để làm gì nhỉ?

Trước hết, về đầu tư tài chính. Từ cuối năm 2010, Arsenal đã và đang hướng tới một xu thế mới tại Premier League, đó là đưa quyền sở hữu thuộc về các CĐV. Kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ của cả 4 đại cổ đông sở hữu 88% cổ phần của Arsenal, gồm Stan Kroenke, Alisher Usmanov, Danny Fiszman và Nina Bracewell-Smith. Chiến lược mang tính đột phá này trước hết sẽ giúp đội bóng tránh được các cuộc mua bán hay tranh giành quyền lực trong tương lai. Sau nữa, xu thế này sẽ tạo cho Arsenal một tiềm lực tài chính vững vàng, không chỉ chống lại mọi sự thâu tóm, mà còn đáp ứng đầy đủ quy định về “Tài chính trung thực" của UEFA.

* Bài toán bảo toàn lực lượng

Bắt đầu từ khi khánh thành sân Emirates hồi tháng 6/2006, Arsenal đã trải qua 5 năm tay trắng trên mọi đấu trường. Nhưng 5 năm đó cũng là thời điểm họ xây dựng được một hệ thống cân bằng tài chính và thu lời hiệu quả bậc nhất châu Âu. 70, 80, hay 100 triệu bảng cho Cesc? Điều đó vừa quan trọng, vừa không.

Chiến lược đầu tư chiều sâu và nâng cao giá trị cầu thủ của Wenger là điều không dễ làm. Nhưng bất chấp những nguồn thu khổng lồ từ việc bán cầu thủ, lần đầu tiên, Giáo sư đã làm mọi cách để bảo vệ đội hình chính, trong đó tất nhiên có Cesc Fabregas. Có thể hiểu, sau hàng loạt những chiến thắng ở nhà băng, giờ đây, đã đến lúc Arsenal bắt đầu muốn điều tương tự trên sân cỏ.

Vậy thì Fabregas đáng giá bao nhiêu? Ngay cả khi mọi thứ đều có thể được định giá trong bóng đá hiện đại, thì Wenger vẫn sẽ không muốn đặt những đứa con của mình lên bàn đàm phán. Họ có thể đi, vì muốn tìm kiếm vinh quang. Họ có thể rời bỏ ngôi nhà Pháo thủ, vì sức ép nặng nề của những kẻ chiến bại. Nhưng với mỗi một CĐV The Gunners, họ luôn là những ngôi sao vô giá. Những người như Cesc đã luôn phải tiến bước dưới ánh mắt dõi theo từ nửa thập kỷ tay trắng. Nếu cần phải đưa ra một cái giá, hãy hỏi Eduardo, với cái chân gãy lìa. Hãy nói về Ramsey, chàng chiến binh cảm tử không đầu hàng số phận. Hãy nhìn Wilshere và Walcott, những cậu bé đã trở thành niềm hy vọng của nước Anh.

Nhưng Nasri hay Jack vẫn có thể thay thế Fabregas? Đúng và sai. Những bản hợp đồng thành công hay thất bại sẽ chỉ là những mệnh đề khô khan và vô nghĩa. Nếu Wenger giữ chân được đội trưởng của mình, đó sẽ là thương vụ ấn tượng nhất, vì những gì ông đã chọn. Một chiến thắng về mặt tư duy làm bóng đá và khả năng theo đuổi mục tiêu dài hạn. Chứ không phải là những đồng bảng Anh trong tài khoản ngân hàng.


Yến Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm