Các ĐTQG dưới thời HLV Toshiya Miura: Dấu hỏi về công tác y tế?

11/05/2015 05:34 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Chưa có triều đại thầy ngoại nào, vấn nạn chấn thương lại trở nên đặc biệt như dưới thời HLV Toshiya Miura. Chấn thương là điều khó tránh khỏi với môn thể thao nặng tính đối kháng như bóng đá, song chúng ta vẫn phải đặt ra các câu hỏi.

Thể thao & Văn hoá sẽ phác hoạ một góc nhìn khác, không chỉ chuyện giáo án hay phương pháp huấn luyện, mà còn liên quan đến đội ngũ y tế của các đội tuyển Việt Nam.

“Sống chung với lũ”

Trong tập luyện cũng như thi đấu (giao hữu lẫn giải đấu chính thức), HLV Miura luôn yêu cầu các học trò phải nhiệt tình, phải quyết liệt, không ai được phép “nhấc chân”. Tuy nhiên, điều này không hề mới, bởi dưới thời HLV Henrique Calisto, ở các bài tập thể lực với bóng trong không gian hẹp, hoặc thi đấu đối kháng toàn mặt sân, ông Calisto cũng yêu cầu cầu thủ phải “hết chân”. Trong một thời gian dài, đội tuyển Việt Nam trở thành bệnh viện dã chiến và HLV Calisto bị chỉ trích dữ dội.

Đó là trước chuyến làm khách ở Bukit Jalil trong khuôn khổ trận bán kết lượt đi với Malaysia tại AFF Cup 2010, khi đội tuyển Việt Nam thiếu vắng non nửa đội hình chính vì chấn thương. Ông thầy người Bồ đã phải dùng liệu pháp tâm lý kiểu cũ, khi yêu cầu hậu vệ Quang Thanh chống nạng cùng đội bóng đến xứ dầu cọ ngồi cabin BHL để nêu gương về tính chiến đấu. Tại Tiger Cup 2002, HLV Calisto từng yêu cầu cho Văn Sỹ phẫu thuật chấn thương gót chân Achilles ngay tại Indonesia vì lý do này.

Trở lại với HLV Miura và các ĐTQG Việt Nam. Chúng ta vừa điền thêm các cái tên như Hoàng Thịnh, Ngọc Hải, Phi Sơn… vào danh sách chấn thương. Và danh sách này không loại trừ sẽ tiếp tục được kéo dài đến trước giải đấu. Có vẻ như cơ địa cầu thủ Việt Nam khó có thể đáp ứng một cách tốt nhất các đòi hỏi từ môi trường thể thao chuyên nghiệp kiểu Nhật Bản. Nhưng, bác sỹ ĐTQG Nguyễn Trong Hiền từng chia sẻ với Thể thao & Văn hoá: “Một số tuyển thủ đã bị chấn thương từ trước khi lên tập trung đội tuyển”.

Một vài chấn thương (nặng) của các trụ cột có thể huỷ hoại các giấc mơ của cả tập thể đội bóng, nhưng bóng đá là thế, cuộc chơi là thế, nên HLV trưởng sẽ phải tính toán đủ các phương án.

Niềm tin là niềm tin nào?

Câu chuyện ở đội tuyển U23 gợi nhớ tới chuyện của bóng đá quốc tế. Trước khi từ chức, bác sỹ kỳ cựu Hans-Wilhelm Muller-Wohlfahrt của CLB Bayern Munich, người mà “vua tốc độ” Usain Bolt tôn sùng là “bác sỹ giỏi nhất thế giới, đã thốt lên: “Niềm tin đã bị phản bội”. Cùng với hành động rời bỏ cabin BHL Bayern hôm ấy, ống kính truyền hình đã ghi lại một đoạn hội thoại khá bất nhẫn giữa HLV “Pep” Guardiola với bậc tiền bối có vô số đóng góp to lớn, cho không chỉ Bayern Munich, mà cho cả nền y học thể thao thế giới trong suốt 40 năm.

“Pep đáng lẽ ra không được phép thoá mạ ông ấy như thế”, một ý kiến cho biết. “Công việc của các bác sỹ, cũng như săn sóc viên là rất nặng nhọc, nhưng lại ít được coi trọng đúng mức. Chấn thương thể thao là điều khá tránh khỏi, nhưng ngoài cơ địa VĐV và tính may rủi, thì phương pháp huấn luyện cũng như đấu pháp của HLV rõ ràng là có liên đới. Đội ngũ bác sỹ chỉ là những người đi khắc phục (hậu quả) mà thôi”, vẫn ý kiến này trong một cuộc tranh luận nảy lửa trên truyền hình.

Bất luận thế nào, thể thao chuyên nghiệp nói chung khu biệt rất rõ chức năng của từng bộ phận. Ông Hans-Wilhelm Muller-Wohlfahrt vì tự trọng đã từ chức hay vì nguyên nhân nào khác, chỉ ông mới rõ, nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi: Liệu với khối lượng vận động và đòi hỏi từ HLV Miura thì một đội tuyển với mấy chục con người mà chỉ có 2 bác sỹ và thêm 1 săn sóc viên như hiện tại là quá ít? Hay công tác kiểm tra y tế, đánh giá thể trạng các cầu thủ khi họ lên tuyển còn có trục trặc?


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm