Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Kỳ vọng gì ở nền công nghiệp văn hóa Việt Nam?

23/11/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Năm 2021, phim Bố già thu về 420 tỉ đồng tại thị trường Việt Nam và 1,08 triệu USD tại thị trường nước ngoài. Những con số biết nói có thể mang lại cho chúng ta kỳ vọng về sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa Việt Nam?

Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Phát triển công nghiệp văn hóa góp phần tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa và đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

1. Ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, trong đó nêu rõ: Công nghiệp văn hóa là một phạm trù rộng, bao gồm đa dạng lĩnh vực như: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triểm lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.

Theo đó, công nghiệp văn hóa được kỳ vọng sẽ trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Phim “Bố già” đạt doanh thu 420 tỉ đồng từ thị trường trong nước và 1,08 triệu USD từ thị trường nước ngoài.

Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể như: Đến hết năm 2020, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp khoảng 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó có những lĩnh vực như điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD); nghệ thuật biểu diễn đạt 16 triệu USD; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 80 triệu USD; du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong tổng số khoảng 18 - 19 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch…

Riêng ngành điện ảnh, theo một con số thống kê, trong vòng 10 năm, từ 2010 đến 2019, số lượng phòng chiếu phim ở Việt Nam tăng từ 90 lên 1.096 phòng, số lượng lượt xem phim chiếu rạp tăng từ 7 triệu lên 57 triệu lượt/năm, doanh số phim chiếu rạp toàn ngành tăng từ 540 tỉ đồng lên 4.147 tỉ đồng. Với mục tiêu và giải pháp đã được Chiến lược phê duyệt, trong điều kiện thị trường ổn định thì các doanh nghiệp ngành điện ảnh hoàn toàn có thể phấn đấu đạt được mục tiêu trước thời điểm năm 2030.

Song, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các lĩnh vực văn hóa - du lịch văn hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đó có ngành điện ảnh. Các rạp phim đóng cửa suốt nhiều tháng giãn cách xã hội, doanh nghiệp điện ảnh “kêu cứu” vì doanh thu gần như bằng 0. Duy có “điểm sáng” phim Việt khi Bố già đạt doanh thu 420 tỉ đồng riêng thị trường nội địa và 1,08 triệu USD khi chiếu ở thị trường nước ngoài. Điều đó tiếp tục chứng tỏ lợi thế của các ngành công nghiệp văn hóa có sẵn thế mạnh để phát triển như điện ảnh.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim "Bố già"

2. Tuy nhiên, cần làm gì để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19?

Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo luôn là bước đi đầu tiên quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng các chương trình đào tạo về công nghiệp văn hóa phù hợp trong các trường đại học, cao đẳng. Đồng thời cần đưa giáo dục sáng tạo vào các cấp học phổ thông. Việc thiết lập các chương trình chuyên nghiệp về giáo dục sáng tạo trong văn hóa nghệ thuật cũng có vai trò quan trọng trong hỗ trợ các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng như triển khai các thiết chế văn hóa (bảo tàng, thư viện…).

Tại Hàn Quốc, từ năm 1995, các tỉnh, thành cũng vận hành chính sách chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa cấp tỉnh. Rõ ràng, Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cần gắn với trách nhiệm, lợi ích của từng địa phương với bộ chỉ số thống kê cụ thể.

Chú thích ảnh
Festival “Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai” giới thiệu, tái hiện đời sống văn hóa, trang phục, ẩm thực của cộng đồng dân tộc bản địa Sa Pa. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Vai trò của các địa phương - những nơi hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển của công nghiệp văn hóa - cũng rất quan trọng. Về vấn đề này, PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng: Trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần chú ý tới việc xây dựng bộ chỉ số thống kê cho các ngành công nghiệp này.

“Khi chúng ta có bộ chỉ số thống kê đó, chúng ta sẽ đánh giá tốt hơn thực trạng phát triển văn hóa, từ đó có giải pháp phù hợp hơn, và quan trọng nữa, chúng ta có thể tạo ra sự cạnh tranh trong phát triển văn hóa ở từng các địa phương, theo đó, mỗi địa phương (tỉnh/thành phố) được định lượng sự phát triển văn hóa của mình một cách rõ ràng, có sự xếp hạng như trong lĩnh vực kinh tế đã từng thực hiện” - ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cũng như kích thích sự sáng tạo cũng là yếu tố tiên quyết trong phát triển công nghiệp văn hóa đặc biệt là trong môi trường số hiện nay. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo nhiều cơ hội cũng như thuận lợi cho công nghiệp văn hóa phát triển với các cơ hội quảng bá toàn cầu và đem lại các giá trị lớn từ khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn cũng đã đề cập tới vấn đề này. Ông nêu quan điểm: Văn hóa số cũng là một lĩnh vực cần có sự lưu ý trong những năm sắp tới. Chúng ta đã nói rất nhiều về nền kinh tế số, xã hội số và cả công dân số - và cần biết, liên kết tất cả các yếu tố số đó chính là văn hóa. Chính vì thế, chuẩn bị cho sự hình thành một nền văn hóa số, ở đó, có những giá trị, chuẩn mực ứng xử, lối sống, thói quen được hình thành từ xã hội số, kinh tế số, sẽ giúp Việt Nam đối phó tốt hơn với những tác động của cuộc sống số…

Được kỳ vọng có thể đóng góp 7% GDP cho nền kinh tế đất nước vào năm 2030, công nghiệp văn hóa có nhiều cơ sở để đạt được, nếu như ngành văn hóa có chiến lược, mục tiêu và hành động cụ thể.

Hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước

Chú thích ảnh

PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - chia sẻ với báo chí rằng: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chắc chắn là một lựa chọn hợp lý cho phát triển văn hóa đất nước trong bối cảnh hiện nay. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, thể hiện chức năng kinh tế của văn hóa, mà quan trọng hơn, thông qua các sản phẩm và dịch vụ văn hóa này, chúng ta tạo ra sức sống mới cho các di sản văn hóa, khai thác tốt hơn vốn văn hóa của dân tộc, tài năng của các văn nghệ sĩ, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra khắp thế giới, tương xứng với tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của chúng ta hiện nay.

Thu Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm