Chào tuần mới: Từ hồ Thiền Quang tới công viên Thống Nhất

21/10/2024 06:15 GMT+7 | Văn hoá

Một sự kiện ở quy mô không lớn, nhưng đáng chú ý: Cuối tuần qua, công trình vườn hoa hồ Thiền Quang (Hà Nội) vừa chính thức khánh thành và gắn biển sau hơn 8 tháng thi công với tổng mức đầu tư gần 89 tỷ đồng.

Cần nhắc lại, đây cũng là một phần nội dung thuộc đồ án "Cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận". Ít ngày trước, tại giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), đồ án này đã được tôn vinh ở hạng mục giải Ý tưởng.

Về cơ bản, vườn hoa hồ Thiền Quang được hình thành dựa trên việc nâng cấp, cải tạo không gian cũ. Theo đó, một hệ thống đường dạo lát đá granite được bố trí quanh hồ. Nhiều bậc thềm ngắm cảnh rộng, kết nối từ ven hồ xuống mặt nước được bố trí thêm. Ngoài ra, các tiện ích công cộng như thùng rác, ghế ngồi, đèn chiếu sáng, quầy dịch vụ, nhà vệ sinh công cộng, cây thông tin… cũng được triển khai.

Rồi, tại 4 góc hồ, 4 không gian mở cũng được hình thành với điểm nhìn khá đẹp và lập tức thu hút một lượng lớn du khách dừng chân tại đây để ngắm cảnh, thư giãn trong những ngày cuối tuần qua.

Chào tuần mới: Từ hồ Thiền Quang tới công viên Thống Nhất - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP Hà Nội và quận Hai Bà Trưng tại lễ gắn biển Công trình vườn hoa hồ Thiền Quang. Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam

Sạch đẹp, thoáng mát hơn, đó là ấn tượng chung có thể nhận ra từ sự xuất hiện của vườn hoa hồ Thiền Quang - vốn đã có một thời gian dài xuống cấp theo thời gian và chưa tổ chức được các hoạt động đa dạng để thu hút được cộng đồng.

***

Sự xuất hiện của vườn hoa hồ Thiền Quang rõ ràng là một điểm tích cực cho việc tạo dựng không gian công cộng cho Hà Nội. Nhưng nhìn tổng thể, vai trò của công trình này cũng cần được đặt trong mối tương quan với công viên Thống Nhất liền kề.

Cần nhắc lại, sau hàng chục năm tồn tại kể từ khi được khánh thành vào 1961, sự thay đổi về nhu cầu xã hội đã khiến công viên này chưa phát huy hết tác dụng của mình, trước hết là ở khả năng tiếp cận của cộng đồng: Bị chắn bởi tường rào theo cách quản lý cũ, có các trục giao thông lớn bao quanh (phố Lê Duẩn và Đại Cồ Việt) với lượng giao thông rất lớn

Trong bối cảnh ấy, cuối năm 2022, một phần tường rào công viên ở phía đường Trần Nhân Tông (nhìn ra hồ Thiền Quang) đã được gỡ bỏ để tăng khả năng tiếp cận của cộng đồng. Rồi gần như cùng thời điểm này, phố đi bộ Trần Nhân Tông cũng ra đời, như một sự bổ sung cần thiết để tạo sự sôi động và đa dạng cho khu vực này.

Và thực tế, việc cải tạo, thiết lập vườn hoa hồ Thiền Quang cũng chưa dừng lại như hiện có. Theo kế hoạch, ở các giai đoạn sau, phần không gian trên phố Trần Nhân Tông cũng sẽ được cải tạo để hình thành một quảng trường lớn, cũng như các trục không gian kết nối công viên với khu vực quanh hồ. Ngoài ra, một số dự án về cải tạo cụm 3 chùa Quan Hoa - Pháp Hoa - Thiền Quang, hoặc cải tạo Cung thanh niên Hà Nội… cũng đang được triển khai.

Có thể thấy rõ, khi quần thể này hình thành, toàn bộ không gian quanh hồ Thiền Quang sẽ trở thành một phần "mở rộng" của công viên Thống Nhất, với vai trò vừa thu hút cộng đồng, vừa "chuyển tiếp" các hoạt động vào phía trong công viên.

Và xa hơn, như đề xuất của nhiều chuyên gia, về lâu dài, công viên Thống Nhất không nên chỉ "hướng về" phần hồ Thiền Quang, mà còn cần được nghiên cứu các giải pháp để kết nối mạnh với phần không gian hồ Ba Mẫu về phía đường Lê Duẩn, cũng như với các tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu, Đại Cồ Việt liền kề, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống dịch vụ và tiện ích để thu hút cộng đồng…

Như thế, với vườn hoa hồ Thiền Quang vừa được khánh thành, chúng ta sẽ đặt thêm hi vọng vào những bước đi tiếp theo, để có thể thật sự biến công viên Thống Nhất với tổng diện tích 42 ha - nghĩa là gần gấp 3 Hồ Gươm (15 ha) - thành một không gian sinh thái, văn hóa đặc thù ngay tại trung tâm Hà Nội như kì vọng.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm