Chào tuần mới: Từ trang sách đến trò chơi

25/05/2020 07:00 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Cứ mỗi độ Hè về là chuyện cho trẻ em học gì, chơi gì lại được xới lên. Nhiều gia đình phải tự xoay xở tìm mua sách, chọn lớp học kỹ năng, đăng ký cho con em tham gia các sân chơi thể thao, văn hóa. Nhưng cũng không có nhiều sự lựa chọn, vì sách hay cho thiếu nhi ngày một hiếm, trong khi có loại hình giải trí nghe nhìn thì nở rộ như nấm sau mưa.

Chào tuần mới: Học kỳ trong mùa Hạ

Chào tuần mới: Học kỳ trong mùa Hạ

Nếu theo đúng lịch hàng năm thì tuần này, học sinh trên cả nước chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm học, bước vào kỳ nghỉ Hè, được ở nhà vui chơi, đi du lịch cùng gia đình hoặc là tham gia các trại Hè, còn học sinh lớp 12 thì chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia...

Năm nay, kỳ nghỉ Hè sẽ đến muộn, nhưng ngày Tết thiếu nhi (1/6) thì đã tới sau lưng. Mua quà gì hay cho trẻ đi chơi đâu cũng là bài toán khó.

Tự dưng thấy thương bọn trẻ. Nghĩ lại mới thấy, hóa ra, ngày trước, khi thế giới chưa "phẳng", đúng là vật chất còn khó khăn thiếu thốn nhưng cứ Hè về là tưng bừng.

Lịch sinh hoạt trong dịp Hè của chúng tôi ngày ấy rất linh hoạt, nhưng tựu lại chỉ có 3 việc chính, đó là: làm việc nhà, đọc sách báo và chơi các trò chơi.

Làm việc nhà có thể là trồng mấy luống rau vào chỗ đất trống trước cửa, có vườn thì nuôi con gà, con vịt… Thường là buổi sáng, sau giờ tập thể dục, sẽ vác cuốc tranh thủ đi đào giun về vỗ béo cho chúng. Khi bố mẹ đi làm thì chuẩn bị rau cỏ, băm bèo cho lợn. Đến giờ “nổi lửa lên em”, lũ trẻ biết lôi bếp than ra nhóm lò nấu cơm trưa.

Chú thích ảnh
Các em học sinh đọc sách. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Còn đọc sách? Sách cho thiếu nhi của các tác giả Việt Nam khi ấy cũng có khá nhiều, mỗi tội là chúng tôi không có tiền để mua cho nên phải đọc chung hoặc là chia nhau mượn đọc. Thích đọc sách lịch sử thì tìm Nghìn xưa văn hiến của Trần Quốc Vượng, Trăng nước Chương Dương của Hà Ân. Truyện văn học hấp dẫn thì đọc Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, thích khám phá thiên nhiên thì tìm đọc cuốn Bài học thiên nhiên của Vũ Kim Dũng, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi. Cuốn Hạt chò chỉ thì kể về cuộc sống của các bạn con công nhân vùng mỏ Quảng Ninh, Quê nội của nhà văn Võ Quảng kể về sinh hoạt của người dân vùng Quảng Nam những năm tháng chống Pháp…

Và cũng từ những trang sách đó, rất nhiều trò chơi đã được chúng tôi thử nghiệm, thực hành mỗi dịp Hè về. Chẳng hạn như đi đổ dế. Trời nắng nhưng mấy đứa cứ quần đùi cởi trần, kéo nhau ra bãi cỏ ven sông Đuống tìm hang dế. Phải thật tinh mắt để ý. Những cửa hang có mùn mới đùn là chắc chắn có dế bên trong. Sau đó đổ nước thăm dò tìm các ngách hang. Nếu thấy dế chạy ra ngách hang thì phải lấy que tre chặn lại. Xong xuôi, lấy chai múc nước đổ vào cửa hang. Nhiều đứa còn chắc ăn cho thêm tí xà phòng bánh vào chai nước để dế không chịu được mùi xà phòng phải chui ra sớm. Cái giây phút dế bò ra khỏi hang thì rất náo nhiệt, nếu gặp được con dế “cụ” thì reo hò như vỡ chợ. So với cảnh bắt dế được cụ Tô Hoài miêu tả trong Dế mèn phiêu lưu ký từ mấy chục năm trước vẫn y chang. Thế mới biết trang sách gần cuộc sống như thế nào.

Chú thích ảnh
"Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài

Nhớ lần đọc cuốn Cô Kiến trinh sát của Vũ Kim Dũng. Tác giả đã kể câu chuyện về loài kiến như một xã hội thu nhỏ, vừa dễ hiểu và rất thú vị. Đọc xong cuốn sách này, đứa bạn tôi đi bắt ngay một con sâu béo mầm ở luống khoai, mang đến tổ nhử lũ kiến rồi thích thú gọi mọi người ra ngồi quan sát chúng tổ chức đưa con mồi về hang. Cuộc sống của loài kiến hóa ra cũng rất kỷ luật, tính cộng đồng cao, nhiều bài học từ chúng cũng rất hay.

Một trải nghiệm mà chúng tôi cũng thích khi ấy, đó là đi bắt cua và câu cá. Ngoài chuyện góp phần cải thiện cho bữa cơm cả nhà thì đi câu cá, bắt cua cũng được trải nghiệm nhiều cái hay. Phải kiên trì và chịu khó quan sát, đúc kết kinh nghiệm thì mới có kết quả chứ không thể trông chờ vào sự may rủi.

Bắt cua thì phải biết phân biệt hang nào có vết chân cua bò hoặc có mùn thì mới có cua. Còn cửa hang nào nhẵn thín thì có rắn, nếu có rắn thì không được thò tay vào mà phải dùng cái móc cua làm bằng sợi dây thép uốn cong một đầu thò vào móc.

Câu cá thì phải để ý mồi câu, đấy là yếu tố quyết định cá sẽ cắn câu hay không. Ngay cả việc móc con giun hay con châu chấu vào lưỡi câu cũng phải sao cho che được phần ngạnh của lưỡi câu. Khi câu phải để ý xem phao nháy nhiều hay ít để biết thời điểm giật cần. Đấy cũng là những bài học hay và thú vị mỗi độ Hè về.

Chơi và học trong dịp hè ngày trước là như thế. Còn bây giờ thì sao?

Tôi nhớ một nhà thơ có kể rằng, tại một hội thảo về văn học thiếu nhi, cố nhà văn Tô Hoài đã cảnh báo rằn, trẻ em Việt Nam bây giờ đang phải “ăn” quá nhiều sản phẩm văn học ngoại nhập, đặc biệt là truyện tranh nước ngoài. Bồi dưỡng tâm hồn cho một công dân Việt Nam thì phải là những tác phẩm văn học thuần Việt, mang văn hóa Việt, lịch sử Việt…

Với những trải nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng từ trang sách bước ra cuộc sống là một khoảng cách, nhất là với các em thiếu nhi. Để lấp đầy được cái khoảng cách ấy, đầu tiên đòi hỏi tâm huyết và trách nhiệm của những người cầm bút với mảng đề tài sách cho thiếu.

"Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Ngày mai của các em thế nào đều bắt nguồn từ việc hôm nay đọc gì, chơi gì?

Đỗ Doãn Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm