20/04/2020 07:30 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Tuần này, thế giới sẽ kỷ niệm 50 năm ra đời “Ngày Trái đất” (22/4). Diễn ra đúng lúc cả thế giới đang phải gồng mình chống dịch, “Ngày Trái đất” buộc mọi người phải suy nghĩ nhiều hơn về hành tinh mà mình đang sống.
Những năm tháng còn đi học, chúng tôi ai cũng thuộc bài hát Trái đất này là của chúng em (nhạc: Trương Quang Lục, phổ thơ Định Hải). Đó là tình cảm tha thiết của các em thiếu nhi mong muốn được sống trong một thế giới hòa bình, yêu thương, đoàn kết…
Nhưng vào những ngày này, “Ngôi nhà chung” của chúng ta đang không được bình yên như mong ước. Cho đến lúc này, nguyên nhân chính xảy ra đại dịch Covid-19 vẫn còn là điều bí ẩn. Có người cho rằng có thể lối sống ham vật chất, tàn phá thiên nhiên của loài người đã phá vỡ “luật cân bằng” của tự nhiên, từ đó dẫn đến nhiều thiên tai, dịch bệnh... Cho dù vì lý do gì, thì qua đây, ta còn thấy thêm một điều nữa: Ấy là Trái đất tươi đẹp – “quả bóng xanh bay giữa trời xanh” – của chúng ta cũng chứa đầy tai ương, mà muốn sống hạnh phúc, con người nhất định phải hợp tác chặt chẽ với nhau, đồng thời luôn phải bảo vệ môi trường.
Để hiểu “Luật cân bằng” - quy luật quan trọng nhất, chi phối tất cả các quy luật khác của cuộc sống, tôi nghĩ là không gì phù hợp bằng việc chúng ta cùng xem lại bộ phim Cân bằng (Balance).
Đây là bộ phim hoạt hình của Đức, được đạo diễn bởi 2 anh em sinh đôi Wolfgang và Christoph Lauenstein. Phim đã từng giành được giải Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất tại giải Oscar năm 1989.
Nội dung phim khắc họa 5 người cùng tồn tại trên một mặt phẳng vuông trong không gian. Trên mặt phẳng ấy, mọi người phải phối hợp dịch chuyển sao cho luôn giữ được sự cân bằng, bởi vì nếu mặt phẳng nghiêng về một phía nào đó, mọi người sẽ bị rơi ra ngoài.
Thoạt đầu, cả 5 người phối hợp di chuyển nhịp nhàng. Cho đến khi mỗi người đều chọn được vị trí phù hợp, tạo được sự cân bằng thì tất cả cùng lôi cần câu ra câu cá. Thế cân bằng bị phá vỡ khi một người câu được một chiếc hộp phát ra âm thanh. Và một cuộc chiến tranh giành, chiếm hữu chiếc hộp đã diễn ra.
Với thời lượng chỉ hơn 7 phút, không có thuyết minh nhưng chúng ta dễ dàng hiểu được nội dung phim đề cập thực tế đang diễn ra trên trái đất. Trong đó 5 người tượng trưng cho 5 châu lục, còn mặt phẳng vuông là đất liền, 4 đại dương bao quanh. Chiếc hộp phát ra âm thanh có thể hiểu là nguồn tài nguyên mà con người muốn sở hữu, muốn chiếm đoạt. Sự tranh giành đó đã dẫn tới sự mất cân bằng.
Kết của phim rất hay, với hình ảnh một người duy nhất còn lại phải đứng im trên mặt phẳng, đối trọng phía bên kia là chiếc hộp. Có thể hiểu là sau cuộc chiến, không ai giành được chiếc hộp. Bài học rút ra là đừng có tàn phá tài nguyên thiên nhiên. Kiểu gì rồi cũng bị trừng phạt - kiểu như người cuối cùng còn tồn tại trên mặt phẳng nhưng phải đứng im, không di chuyển được. Một cái kết rất mở, gợi cho khán giả nhiều suy nghĩ.
Xem xong bộ phim này, chúng ta thử ngẫm về Trái đất.
Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Trái đất của chúng ta đã xảy ra nhiều thảm họa mà nguyên nhân do con người tàn phá thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường, gây nên sự mất cân bằng sinh thái. Những hiện tượng đã xảy ra như hiệu ứng nhà kính, Elnino, nước biển dâng… có thể ví như là những “nhắc nhở, góp ý” thiên nhiên gửi cho con người. Thế nhưng vẫn không có nhiều sự thay đổi từ thế giới.
Thế rồi, dịch bệnh xảy ra, làm xáo trộn cả thế giới và để lại bao đau thương, mất mát cho con người. Nhưng trong khi con người phải tạm dừng nhiều hoạt động để tập trung chống dịch, thì Trái đất dường như đang “xanh” trở lại. Bảng xếp hạng chất lượng không khí toàn cầu trên AirVisual cũng chỉ ra rằng: Chỉ vài ngày sau khi Chính phủ các quốc gia áp dụng chính sách cách ly xã hội, không còn quốc gia nào ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) ở mức màu nâu hay màu tím - nguy hại cho sức khỏe con người.
Rõ ràng là khi mọi người đều ở nhà, các sân bay và nhà ga đóng cửa, các phương tiện tham gia giao thông giảm thiểu, ô nhiễm môi trường đã giảm đáng kể. Ở Ấn Độ, nhiều người đã có thể nhìn thấy dãy Himalaya từ nhà mình. Sông Hằng, chỉ trong vòng vài ngày áp dụng lệnh phong tỏa đã giảm được một nửa ô nhiễm. Màu nước đã trong xanh thay vì ngầu đục nhờ thoát khỏi ống xả thải khổng lồ của các nhà máy và sinh hoạt của dân chúng.
Ngay tại Hà Nội, chỉ số AQI trung bình ngày cuối tháng 3 là 47 - tốt cho sức khỏe con người. Trước đó không lâu, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã gây bão dư luận.
Một vị giáo sư khoa học về hệ thống Trái đất tại Đại học Stanford cho hay, lượng phát thải CO2 năm nay có thể giảm hơn 5% so với năm trước: "Tôi sẽ không ngạc nhiên khi chứng kiến lượng khí thải CO2 giảm ở mức 5% hoặc hơn trong năm nay, điều chưa từng xảy ra kể từ khi kết thúc Thế chiến II".
Dịch bệnh rồi sẽ qua đi. Nhịp sống sẽ trở lại sôi động như trước đây. Nhưng quãng thời gian phải “sống chậm” này chắc chắn sẽ để lại nhiều suy nghĩ cho mỗi người về cách ứng xử với tự nhiên và xã hội. Hành tinh này, là của chúng ta. Cho nên “Thế giới cần bạn và những hành động của bạn” là thông điệp chính của Ngày Trái đất năm 2020 gửi đến toàn thế giới.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất