12/04/2022 06:58 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Chúng ta vừa đi qua kỳ nghỉ gắn với ngày Giỗ tổ của năm 2022. Nói là kỳ nghỉ, bởi ngày Giỗ tổ năm nay trùng với dịp cuối tuần, và khiến phần lớn người lao động có thể tận hưởng chuỗi 3 ngày thư thái với những kế hoạch riêng của mình.
Có lẽ, điều đọng lại lớn nhất trong chuỗi 3 ngày ấy chính là cảnh những dòng người nườm nượp như trảy hội tại nhiều điểm vui chơi trên cả nước - cũng như những dòng xe kẹt cứng tại cửa ngõ ra vào các thành phố trong 2 ngày đầu tiên và cuối cùng. Nó không khỏi khiến chúng ta nhớ về những kỳ nghỉ lễ trước đây, khi đại Covid-19 chưa tràn tới...
Thực tế, là người Việt, chẳng ai không biết về ngày Giỗ tổ trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời mình. Nhưng, trong quá khứ, cũng phải tới năm 2007, khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển hơn trước, ngày 10/3 Âm lịch được đưa vào Luật Lao động để trở thành một ngày nghỉ lễ chính thức.
Như thế, bên cạnh ý nghĩa giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc, hướng về cội nguồn, dịp Giỗ tổ còn bổ sung thêm một ngày vào quỹ ngày nghỉ - vốn cũng không mấy dư dả của người Việt so với thế giới. Để rồi, 15 năm qua, trong vòng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, ngày đặc biệt luôn là một cột mốc để chúng ta nghỉ ngơi và thư giãn, trong lúc chờ... kỳ nghỉ dài vào dịp 30/4 - 1/5 sẽ đến sau đó vài tuần.
Riêng năm nay, bên cạnh việc “cộng hưởng” cùng 2 ngày cuối tuần để tạo thành kỳ nghỉ 3 ngày, dịp Giỗ tổ còn gắn với thời điểm dịch Covid-19 đã được khống chế ở phạm vi cả nước. Trước đó, ngành du lịch Việt Nam cũng đã chính thức mở cửa để khơi thông dòng chảy du lịch, vốn bị tắc nghẽn sau hơn 2 năm Covid-19 đổ bộ.
Những gì vừa diễn ra giống như sự bù đắp phần nào cho mọi u ám, e dè từng phủ bóng lên các kỳ nghỉ lễ trong suốt 2 năm vừa qua. Và, cảnh tấp nập, nhộn nhịp tại mọi điểm vui chơi trên cả nước không chỉ gắn với tâm lý hào hứng của cộng đồng sau 2 năm phải sống khác vì bệnh dịch. Đó còn là một chỉ dấu về trật tự được tái xác lập trong giai đoạn “bình thường mới”- để rồi vài năm nữa, khi thời gian trôi thêm, chúng ta sẽ nhìn về những kỳ nghỉ vắng bóng người trong mùa dịch như một “thời xa vắng” đã qua...
***
Tất nhiên, ai cũng rõ, giai đoạn “bình thường mới” vẫn gắn với những câu chuyện về trách nhiệm và ý thức của chúng ta trong việc phòng dịch, khi mà dịch Covid-19 dù tạm bị đẩy lùi nhưng vẫn là nguy cơ thường trực để phá hỏng công sức và sự hy sinh của cộng đồng trong suốt 2 năm qua.
Cái đáng nói ở đây, sự “bình thường mới” ấy cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang lại tiếp tục đối diện với vô vàn những vấn đề đã đặt ra trong đời sống xã hội, nhưng có lúc gần như tạm phải gác lại vì bệnh dịch.
Tại Hà Nội, những học sinh cấp 1 đã đi học tuần trước, chậm nhất so với mặt bằng cả nước. Chuỗi ngày “chuyển đổi” để quen hẳn với nhịp học tập bình thường rồi sẽ kết thúc, nhưng trước mắt các em sẽ là cả một chuỗi ngày dài để bù đắp và khắc phục những nhược điểm từng có trong quãng thời gian học trực tuyến vừa rồi.
Rồi trong tuần này, khi trẻ mầm non tại Hà Nội chính thức được tới trường, câu chuyện lại chuyển sang “nhân vật chính” là... người lớn, khi chúng ta không còn lý do gì nữa để trì hoãn sự tăng tốc cần thiết trong công việc. Trong bối cảnh cơ hội mới - và yêu cầu mới - đang mở ra với cả xã hội, cộng đồng cũng sẽ còn cả một quãng đường dài để lấy lại những gì đã mất trong 2 năm dịch bệnh vừa qua.
Giống như, ngay với cảnh chen chúc tắc đường tại cửa ngõ các thành phố trong mấy ngày vừa qua, đó cũng là một chỉ số để nhắc nhở chúng ta về những dự án quy hoạch đô thị còn đang dang dở, hay kế hoạch kéo dài các trục cao tốc đang được triển khai để có thể kịp “về đích” trong sự trông đợi của cả một nền kinh tế.
Ngày Giỗ tổ đầu tiên kể từ khi bệnh dịch bị đẩy lùi đã qua. Hãy để sự hào hứng từ nó là bàn đạp cho tư duy... chơi ra chơi, làm ra làm, vốn đang rất cần được khuyến khích cho giai đoạn “hậu Covid-19” này.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất