Châu Âu bất ổn, bóng đá bất ổn, Platini cũng bất ổn

18/11/2015 10:55 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Kể từ năm 2020, EURO sẽ được tổ chức ở 13 thành phố khác nhau thuộc các quốc gia khác nhau. Nhưng một EURO tổ chức trong một quốc gia còn làm khán giả phải e ngại về độ an toàn thì thể thức mới có khiến họ vững tâm hơn?

1.Giấc mơ La Mã là một giấc mơ ám ảnh người châu Âu vô cùng mạnh mẽ. Nó như một giấc mộng phục hưng lại thời kỳ hoàng kim, với một châu Âu thống nhất như một siêu đế chế, một châu Âu không thể bị chia rẽ bởi bất kỳ những va chạm nào giữa những giá trị khác biệt. Liên minh châu Âu chính là một phiên bản của giấc mơ La Mã ấy, một phiên bản thời hiện đại, một phiên bản từng hứa hẹn rất nhiều về một tương lai phồn thịnh. Nhưng thực tế thì luôn khác xa với những hình dung của tầng lớp tinh hoa, bởi thực tế còn chứa đựng cả những khía cạnh mà năng lực bình thường của con người không tài nào kiểm soát nổi.

Khi vụ khủng bố ở Paris đêm thứ Sáu tuần trước diễn ra, và kéo theo một tâm trạng hoang mang bao trùm khắp cả châu Âu, rất nhiều người đã nghĩ đến chuyện hủy những trận giao hữu giữa các ĐTQG châu Âu ở giữa tuần này. FA đã đưa ra ý kiến về chuyện huỷ trận Anh – Pháp nhưng FFF thì không muốn thế. Họ muốn chứng minh rằng trước bất kỳ đe dọa nào, người Pháp nói riêng và người châu Âu nói chung vẫn ngẩng cao đầu, để cùng đưa ra một thông điệp rằng “Chúng ta không sợ hãi”.

Cùng lúc ấy, ở Đức, HLV trưởng Joachim Loew đã tuyên bố rằng trận Đức – Hà Lan không mang bất kỳ một giá trị chuyên môn nào mà nó là một trận đấu biểu tượng. Đúng, người Đức đã trông đợi trận đấu ấy như một biểu tượng, không chỉ là biểu tượng của lòng dũng cảm mà còn là biểu tượng của một châu Âu thống nhất, sát cánh bên nhau, vì nước Pháp nói riêng và vì cả một siêu quốc gia nói chung.

Hoãn trận Đức – Hà Lan vì nghi có khủng bố

Hoãn trận Đức – Hà Lan vì nghi có khủng bố

Bóng ma khủng bố dường như vẫn còn ám ảnh bóng đá châu Âu. Vài ngày sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, trận giao hữu giữa Đức và Hà Lan tại Hannover đã bị hoãn lại vì cảnh sát bắt giữ được một đối tượng tình nghi khủng bố.


Song, trận cầu ở Hannover mà Loew gọi là ‘biểu tượng’ ấy đã phải hủy bỏ vì nguy cơ bị khủng bố. Một biểu tượng đã đổ sụp ở vào thời khắc người ta cần hi vọng nhất, nhưng chắc chắn đó không phải là chỉ dấu của sự thất bại, mà nó chỉ là minh chứng cho một đời sống bất an, vô thường và không thể nào lường trước.

2.Việc trận Đức – Hà Lan bị hủy bỏ và các cầu thủ Pháp đá với cái đầu đang thuộc về nơi khác khiến đôi chân họ như bị trói chặt lại bất chấp trước giờ bóng lăn, cả Wembley đã cùng họ ca vang bài La Marseillaise đã cho thấy một tương lai không mấy sáng sủa đối với nền bóng đá châu Âu nói chung và đương kim chủ tịch UEFA Platini nói riêng.

Không nhắc đến vụ scandal hối lộ ở FIFA mà trong đó Platini đang bị ‘treo giò’ mà chỉ cần nhắc tới những ý tưởng đang thành hình của Platini thôi, chúng ta sẽ nhận ra rằng giữa một châu Âu bất an, bóng đá cũng trở nên bất an và bản thân Platini cũng bất an nốt.

EURO 2016 diễn ra ở Pháp được coi là EURO cuối cùng mà một quốc gia đứng ra đăng cai. Kể từ 2020, EURO sẽ là sự kiện được tổ chức ở 13 thành phố khác nhau thuộc các quốc gia khác nhau. Đó là một viễn cảnh đẹp, khi ở một mùa Hè, cả châu Âu như cùng mở hội.

Nhưng viễn cảnh đó có thể sẽ không thành hình khi chủ nghĩa khủng bố đã vươn rộng và sâu đến từng ngõ ngách, với chiến lược đầy kinh hoàng mang tên ‘Chiến tranh đô thị’. Điều đó có nghĩa là những phần tử khủng bố sẽ mang chiến tranh vào từng đô thị châu Âu, nơi chúng coi bất kỳ thường dân nào cũng là kẻ thù số 1.


EURO 2020 sẽ diễn ra ở 13 thành phố khác nhau trên khắp châu Âu

Nếu EURO diễn ra chỉ ở một quốc gia, với hệ thống an ninh, cảnh sát, tình báo thống nhất dưới một bộ máy nhà nước, tính an toàn chắc chắn sẽ cao hơn việc nó diễn ra dàn trải ở các quốc gia khác nhau, với chính sách khác nhau, bộ máy và hệ thống an ninh khác nhau. Sự chênh lệch là không quá lớn giữa Anh-Pháp-Đức-Hà Lan-Ý-TBN nhưng sẽ vô cùng lớn nếu so sánh giữa những quốc gia ấy với những nước nhỏ hơn như Ba Lan, Czech, BĐN, Hy Lạp…

Như vậy, trong một siêu quốc gia vẫn có độ lệch pha rất xa giữa từng quốc gia thành viên. Và chỉ cần điều đó thôi cũng đủ để những sự kiện như EURO trở thành miếng mồi ngon cho các phần tử đang phát động và tiến hành Chiến tranh đô thị.

3.Trên HBO đêm thứ Tư vừa rồi có chiếu lại bộ phim Kỳ nghỉ của Mr Bean, với hình ảnh nước Pháp thanh bình, lãng mạn, êm đềm như biển trong ca khúc La Mer của Charles Trenet. Nhưng nước Pháp không còn thanh bình như thế nữa kể từ sau hàng loạt biến động từ đầu năm tới nay.

Sau thông tin trận Đức – Hà Lan bị hoãn, đã có những status facebook than thở rằng “Giấc mơ sang xem EURO 2016 chắc phải cân nhắc lại”. Vâng, một EURO tổ chức trong một quốc gia cũng còn làm khán giả phải e ngại về độ an toàn thì liệu một EURO dàn trải ở các quốc gia khác nhau có khiến họ vững tâm hơn?


Platini cũng đang bất ổn

Platini có lẽ sẽ phải giã từ giấc mơ mà ông đang làm cho UEFA, giấc mơ mang màu sắc Bình Đẳng, như chủ thuyết của nước Pháp là Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Và những người sát cánh với Platini sẽ còn cảm thấy bất an hơn nữa bởi bóng đá châu Âu không chỉ có EURO mà còn cả những trận đấu ở các giải VĐQG, Europa League, Champions League với các SVĐ đón khách hàng tuần.

Liệu chăng, sự điên cuồng và ngu xuẩn và vô luân của những kẻ khủng bố có bỏ qua cho những khán đài giàu cảm xúc ấy không? Chắc chắn là không, bởi khi tiến hành Chiến tranh đô thị, khi bắt đầu tiếng bom ở Stade de France, trong mắt chúng, bóng đá cũng biến thành kẻ thù…

Nhưng cuộc sống vẫn tươi đẹp dù cuộc sống không an toàn. Đẹp và An toàn là hai khái niệm không nên nhập nhằng thành một. Giữa tao loạn, nếu trái bóng còn lăn, chứng tỏ con người chân chính vẫn còn lòng kiêu hãnh. Mà châu Âu thì không thiếu lòng kiêu hãnh, như bóng đã từng lăn ngay trong những trại tù của Thế Chiến thứ II, dưới họng súng của những kẻ vô luân không kém…

Hà Quang Minh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm