Khi kẻ thù động đến Tổ quốc chúng ta…

19/05/2014 09:00 GMT+7


(giaidauscholar.com) - 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... ".

Hôm nay kỷ niệm sinh nhật Người, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Người, nhất là khi Tổ quốc đang gặp rất nhiều thử thách.

Những ngày qua, khi cả dân tộc hướng về biển Đông, cũng là lúc nước ta đang thực sự phải chống thù trong, giặc ngoài. Bởi ngoài biển Đông, tàu và giàn khoan Trung Quốc đang gây rối. Trong nước, có những kẻ núp dưới chiêu bài biểu tình chống Trung Quốc để kích động một bộ phận những người nhẹ dạ, quá khích hoặc hám lợi, gây ra vụ gây rối, đập phá làm rối ren an ninh trật tự xã hội, vi phạm pháp luật, hòng mưu đồ lợi riêng.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, hễ khi nào Tổ quốc lâm nguy, thì đám vụ lợi, cơ hội chính trị lại ngóc đầu lên, tàn phá đất nước từ bên trong. Chúng ta phải cảnh giác.

2. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng, bất cứ lúc nào, kẻ thù đều không bỏ lỡ cơ hội xâm lược chúng ta. Như Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã từng lên tiếng: “Tưởng chúng biết lẽ ăn năn/ Nên đã thay lòng đổi dạ/ Ngờ đâu vẫn đương mưu tính/ Lại còn chuốc tội gây oan./ Giữ ý kiến một người/ Gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác/ Tham công danh một lúc/ Để cười cho tất cả thế gian.

Bởi thế: Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng/ Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy”. Chúng ta đang cảnh giác theo lời cha ông.

Nhưng lịch sử của dân tộc ta cũng đã chứng minh: Vũ khí chưa bao giờ mang tính quyết định sự thắng bại của cuộc chiến. Bởi nếu như thế, chẳng lẽ tất cả những quốc gia nhỏ bé sẽ rơi vào tay kẻ mạnh. Chúng ta tự tin vào sự đoàn kết của dân tộc lúc này. Lịch sử của chúng ta đã chứng kiến những chiến thắng phi thường nhưng lại rất hợp lý nhờ biết kết hợp sức mạnh chiến tranh toàn dân, với sức mạnh hiệu triệu hàng triệu con tim nước Việt. Lúc này, chúng ta có những lời hiệu triệu, những tiếng nói đủ sức quy tụ nhân tâm.

Chúng ta nhớ, khi xưa, tổ quốc lâm nguy, Hưng Đạo Vương đã viết lời hịch bất hủ: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Những lời thấu tâm can.

Chúng ta nhớ lời thơ thần của Lý Thường Kiệt: Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Và chúng ta chắc hẳn cũng từng nghe đến áng văn Lòng yêu nước của nhà văn Xô Viết Ilya Ehrenburg: "Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa Thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách…. Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta".

Vâng, tình yêu của chúng ta rất giản dị, có khi được ẩn giấu sau những chuyện đời thường của cuộc sống, nhưng hôm nay, chúng ta cần nhắc lại những áng văn bất hủ của cha ông để khẳng định điều chúng ta sẽ làm “khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta”.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm